Xuất khẩu thủy sản sang EAEU phải lo kiểm dịch
Mặc dù được đánh giá là ngành hàng có lợi thế khi Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (FTA EAEU) đi vào hiệu lực, các doanh nghiệp thủy sản sẽ phải đối diện với những khó khăn khi chưa hiểu và đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm dịch.
Khi có hiệu lực, EAEU sẽ mở cửa có lộ trình với 95% tổng số
dòng thuế, tối đa trong 10 năm. Trong đó, có hơn 71% dòng thuế sẽ được xóa bỏ
hoàn toàn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Vẫn còn đó rào cản kỹ thuật và kiểm dịch
Tuy có những ưu đãi như vậy, nhưng ông Nguyễn Hoài Nam, Phó
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhận định, giá trị
xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản sang thị trường này chưa cao dù doanh nghiệp (DN)
Việt cũng xác định đây là một thị trường có sức tiêu thụ lớn và tiềm năng.
“DN Việt Nam vẫn chưa hiểu và chưa áp dụng được nội dung
của Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) và
Hiệp định về các Rào cản kỹ thuật đối với Thương mại (TBT) đối với thị trường
này. Vì vậy, số DN được phép xuất khẩu sang EAEU là rất ít”, ông Nguyễn Hoài
Nam nói.
Cụ thể, một số nội dung của các rào cản kỹ thuật và kiểm
định vẫn áp dụng theo tiêu chuẩn Liên Xô (cũ) mà không giống như tiêu chuẩn
hiện hành của các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ hay EU. Sự khác biệt về các tiêu chuẩn
kỹ thuật này sẽ gây khó khăn cho DN Việt trong quá trình sản xuất cũng như xuất
khẩu.
Về khía cạnh này, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị
trường châu Âu đưa ra một ví dụ là vừa rồi có vướng mắc về việc kiểm tra chất
lượng liên quan đến một loại vi sinh vật yếm khí có trong mặt hàng thuỷ sản.
Với các nước EU, họ không đánh giá loại vi sinh vật này là nguy hiểm khi thực
phẩm được nấu chín, nhưng khi xuất khẩu sang EAEU thì lại ách tắc do quy định
về vấn đề này.
Thời gian qua, các DN Việt Nam cùng các cơ quan có thẩm
quyền như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã nỗ lực để đáp ứng mọi yêu cầu của
EAEU, tuy nhiên, sự phản hồi của phía bạn lại có phần chậm chạp.
“Tháng 9/2014, Bộ Công Thương có tổ chức Hội thảo xuất khẩu
sang Liên bang Nga, có đại diện thương mại của Nga sang dự và họ mong muốn
ngành thuỷ sản cung cấp danh sách các DN để tăng số lượng DN xuất khẩu vào Nga.
VASEP đã tổng hợp được hơn 60 DN nhưng từ khi gửi danh sách đến nay vẫn chưa có
phản hồi”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam cũng bày tỏ mong muốn những bất cập đó
sẽ sớm được những điều khoản trong Hiệp định này giải quyết, nhất là về rào cản
kỹ thuật và kiểm dịch, phần còn lại là do thị trường quyết định.
Cơ hội không ở lại với chúng ta mãi
Ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu
(Bộ Công Thương) cho biết, rào cản kỹ thuật và kiểm dịch cũng là mối quan tâm
rất lớn của Bộ này trong quá trình đàm phán FTA EAEU.
“Nội dung Hiệp định có 2 chương cụ thể về TBT và SPS dựa
trên nguyên tắc của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm tạo ra sự minh bạch
trong thương mại song phương, việc này tiến tới công nhận tương đương về hệ
thống quản lý về chất lương nông-lâm-thủy sản. Mặt khác, chúng tôi đã thấy dấu
hiệu tích cực khi phía bạn đã mời Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ
sản và Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) sang làm việc để tăng cường hợp tác, xuất
khẩu”, ông Dương Hoàng Minh cho hay.
Bản thân đại diện của VASEP cũng nhận định rằng, mặc dù thị
trường EAEU khá “dễ tính”, chúng ta đang có nhiều cơ hội, nhưng cơ hội không ở
lại với chúng ta mãi mãi mà DN Việt Nam phải có năng lực để giành được cơ hội
đó.
Tất cả các DN thủy sản khi đã đầu tư, đã kinh doanh thì
phải tự chịu trách nhiệm và tính đến việc phát triển bền vững để tận dụng được
tối đa lợi ích mà các FTA mang lại.