Hội thảo “Phổ biến Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 01/9/2015 hướng dẫn việc quản lý, xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
Sáng ngày 13/10/2015, tại Hà Nội, Vụ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Quản lý Công sản - Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học “Phổ biến Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 01/9/2015 hướng dẫn việc quản lý, xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước”.
Chủ
trì hội thảo có ông Nguyễn Ngọc Song Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Khoa học và
Công nghệ và ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài
chính. Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, các Sở
Khoa học và Công nghệ, các trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ.
Phát
biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Song nhấn mạnh đối với lĩnh vực khoa học và
công nghệ, yêu cầu quản lý tài sản được đầu tư, trang bị để phục vụ nhiệm vụ
khoa học và công nghệ cũng như kết quả được tạo ra trong quá trình thực hiện có
tính đặc thù. Hiện nay, việc quản lý và xử lý tài sản được hình thành thông qua
việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước
chưa được thực hiện thống nhất, thậm chí có nơi, có chương trình, dự án chưa được
triển khai thực hiện. Vì vậy, việc ban hành Thông tư liên tịch số
16/2015/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn việc quản lý, xử lý tài sản được hình thành
thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân
sách nhà nước là thật sự cần thiết.
Tại
hội thảo ông Nguyễn Tân Thịnh trình bày về các nội dung chính của Thông tư,
theo đó nhấn mạnh một số điểm mới trong quản lý, xử lý tài sản được hình thành
thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân
sách nhà nước như sau:
Thứ
nhất, đối với tài sản được trang bị để triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học
và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Thông tư quy định thêm một số hình thức
xử lý tài sản có tính chất đặc thù như: (i) Ưu tiên bán trực tiếp cho tổ chức
chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Lý do: Các tài sản được trang
bị cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với việc
phát huy kết quả nghiên cứu, các tài sản này thường gắn với mô hình ứng dụng
khoa học và công nghệ và thường chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số kinh phí để
thực hiện nhiệm vụ (phần còn lại do các doanh nghiệp tự bỏ kinh phí), nếu bán
trực tiếp cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đó sẽ
phát huy tốt hơn công năng sử dụng của tài sản, giảm chi phí và thời gian xử lý
tài sản; (ii) Nhà nước chuyển giao không bồi hoàn tài sản được trang bị để thực
hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết quy định tại Điều 32 Luật Khoa học
và Công nghệ và Điều 38 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công
nghệ. Lý do, tại khoản 3 Điều 38 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP quy định: “Nhiệm vụ
khoa học và công nghệ liên kết đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều
này được Nhà nước hỗ trợ không thu hồi vốn đầu tư cho các dự án đối với các nội
dung liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ của dự án”.
Thứ
hai, đối với tài sản là kết quả của quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và
công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Thông tư quy định sau khi được đánh giá,
nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ mức “Đạt” trở
lên, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm kiểm
kê kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, báo cáo đại diện chủ sở
hữu nhà nước để thực hiện bàn giao. Riêng đối với tài sản của nhiệm vụ khoa học
và công nghệ liên kết quy định tại Điều 32 Luật khoa học và công nghệ và Điều
38 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ thuộc sở hữu của tổ
chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Về
hình thức xử lý: Thông tư quy định riêng cho hai nhóm kết quả nghiên cứu: (i) Đối
với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển khoa học và công nghệ sử dụng
ngân sách nhà nước dưới dạng tài sản vô hình (kết quả nghiên cứu), việc giao
quyền sở hữu, quyền sử dụng cho đối tượng thụ hưởng thực hiện theo hướng dẫn của
Bộ Khoa học và Công nghệ tại Thông tư số 15/2014/TT-BKHCN ngày 13/6/2014 quy định
trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa
học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. (ii) Đối với kết quả
nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước không thuộc
phạm vi nêu trên, Thông tư quy định hình thức xử lý tài sản bao gồm: (1) Nhà nước
giao tài sản cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; (2)
Bán tài sản; (3) Điều chuyển tài sản.
Tại
hội thảo, các đại biểu cùng nhau thảo luận, nêu các khó khăn trong việc quản
lý, xử lý tài sản phát sinh trong thực tế và phương án giải quyết. Kết luận hội
thảo, thay mặt ban Chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Song cảm ơn các đại biểu
đã đến tham dự, thảo luận tại hội thảo và cho rằng hội thảo đã chia sẻ những
thông tin hết sức bổ ích, thiết thực giải quyết các khó khăn của các cơ quan quản
lý, các tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hiện nay. Đồng
thời khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài chính trong thời
gian tới sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa cho các cơ quan quản lý, các tổ chức chủ trì thực
hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong việc quản lý, xử lý tài sản sau khi kết
thúc các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước./.