Yếu về phòng vệ thương mại sẽ mất thị trường xuất khẩu
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ coi Việt Nam là “điểm trũng” về gian lận thương mại, nếu còn lơ mơ chúng ta sẽ làm hỏng thị trường xuất khẩu.
Thấp thỏm vì... kiện
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho
biết, xuất khẩu thép của Việt Nam chủ yếu sang ASEAN nhưng thời gian gần
đây, một loạt quốc gia áp dụng biện pháp chống bán phá giá gây khó khăn cho việc
xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu thép tăng đột biến, nhập khẩu cả
những mặt hàng Việt Nam đang thừa năng lực.
“Mỗi năm Cục tổ chức không dưới 20 cuộc hội thảo thông tin về
phòng vệ nhưng các doanh nghiệp chưa “cháy nhà” chưa quan tâm, toàn cử người
lung tung. Học xong về chẳng ai biết gì nhưng đến giờ khi cháy nhà thì mới quan
tâm. Chúng tôi đề nghị các hiệp hội cần tập huấn cho các hội viên” Ông Nguyễn
Phương Nam
Đơn cử như Việt Nam hiện sản xuất hơn 10 triệu tấn phôi/năm nhưng
những tháng gần đây mặt hàng này đã có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu.
Số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy, phôi thép nhập từ Trung
Quốc (mã HS 7224.90.00) trong tháng 8 và 9 là hơn 65.000 tấn, trị
giá hơn 21 triệu USD, riêng tháng 9 là 62.000 tấn, tăng đột biến so với các
tháng trước.
Dù chưa bị kiện với tần suất nhiều như ngành thép nhưng doanh nghiệp
đồ gỗ cũng tỏ ra “sốt ruột” với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp đồ gỗ, ông Cao Xuân Thanh, Chánh
Văn phòng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ tăng
đều qua các năm (chủ yếu là hàng nội thất). Tuy nhiên, gần đây doanh nghiệp gỗ
của Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam để tránh thuế chống
bán phá giá của Mỹ. Do vậy, Việt Nam có khả năng sẽ phải đối diện với các vụ kiện
của Mỹ.
“Thách thức với thị trường Mỹ là kiện chống bán phá giá và trong
tương lai là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, Việt Nam chưa được Mỹ công
nhận là nền kinh tế thị trường, do vậy các vụ kiện chống bán phá giá chưa công
nhận cho Việt Nam về vấn đề chi phí, như giá nhân công và phải dựa vào các nước
đã được công nhận để điều tra. Đề nghị Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNTN có hướng
dẫn cụ thể về phòng vệ thương mại, đào tạo cho doanh nghiệp”, ông Thanh cho
hay.
“Điểm trũng” gian lận thương mại?
Với đề xuất của VSA, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản
lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, nền kinh tế Trung Quốc những năm qua
phát triển trên 2 con số, năm nay xấp xỉ 7%, tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng,
hơn nữa Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ nên sức mua trong nước giảm nên phải
tăng cường xuất khẩu. Trong khi Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu, có doanh nghiệp lại
tận dụng yếu tố gian lận thương mại, lẩn tránh C/O, lợi dụng việc nhập khẩu thuế
thấp để mang về dán nhãn mác và xuất sang thị trường khác.
Thông tin thêm, ông Nam cho hay: “Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ coi Việt
Nam là “điểm trũng” về gian lận thương mại, nếu còn lơ mơ chúng ta sẽ làm hỏng
thị trường xuất khẩu”.
Với mặt hàng gỗ, ông Nam cảnh báo rằng “thị trường Mỹ không đơn giản”.
Cơ quan điều tra Mỹ đã không dưới 3 lần “soi” sản phẩm gỗ xuất khẩu vào Mỹ,
không sớm thì muộn Mỹ cũng sẽ áp dụng.
“Hiện chúng ta đang khởi động ký các hiệp định thương mại nhưng để
thời gian Quốc hội từng nước thông qua đàm phán thì còn rất dài. Việc gia tăng
đột biến và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này cũng có thể là bài học phải
trả giá trong tương lai”, ông Nam nhận định.
Cảnh báo mất thị trường
Vị này cũng cho biết, Cục Quản lý cạnh tranh hiện đã xây dựng hệ
thống cảnh báo sớm, trong đó có mặt hàng gỗ và thông báo đến Hiệp hội có khả
năng thị trường lớn EU, Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp. Thông thường khi họ áp dụng
các biện pháp phòng vệ thương mại nhưng chúng ta chưa được công nhận nền kinh tế
thị trường nên gần như chúng ta có khả năng mất thị trường nếu không tham gia tốt
giống như cá tra, cá basa.
Theo ông Nam, mặt hàng cá basa, cá tra xuất sang Mỹ đến nay gần
như đóng cửa, không thể bán được bởi Mỹ đang rà soát phiên thứ 14 và chúng ta
không có khả năng vượt qua. Với mặt hàng tôm xuất khẩu sang Mỹ, đến nay còn 1
doanh nghiệp duy nhất là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Như vậy, trong khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới việc gia
tăng các vụ kiện chống bán phá giá hay chống trợ cấp là chuyện rất đỗi bình thường
bởi lẽ các nước sẽ tăng cường sử dụng biện pháp này để bảo vệ sản xuất trong nước.
Vì thế ông Nam cho rằng, vai trò của hiệp hội, doanh nghiệp là rất
quan trọng nhưng hoạt động của những tổ chức này lại rất yếu kém. “Mỗi năm Cục
tổ chức không dưới 20 cuộc hội thảo thông tin về phòng vệ nhưng các doanh nghiệp
chưa “cháy nhà” chưa quan tâm, toàn cử người lung tung. Học xong về chẳng ai biết
gì nhưng đến giờ khi cháy nhà thì mới quan tâm. Chúng tôi đề nghị các hiệp hội
cần tập huấn cho các hội viên”, ông Nam đề nghị.
Có quan điểm hơi khác, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công
Thương cho rằng, yếu kém về phòng vệ thương mại là yếu chung cả hệ thống chứ
không chỉ là ở doanh nghiệp. Bởi thế, một trong những giải pháp mà Bộ Công
Thương đưa ra là tăng cường tuyên truyền về biện pháp phòng vệ thương mại và
xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Tuy nhiên, đối với nền kinh tế thị trường bắt buộc tránh các biện
pháp hành chính và sự hỗ trợ từ Chính phủ, nên trong vấn đề này vai trò của
doanh nghiệp, hiệp hội là rất quan trọng.