Hỏi đáp về các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA)
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) là kết quả chính thức của một quá trình thương lượng giữa hai hay nhiều quốc gia ký kết nhằm hạ thấp hoặc loại hẳn các rào cản đối với thương mại. Một FTA thường bao gồm những vấn đề quy định về thuế nhập khẩu, hạn ngạch và lệ phí đối với hàng hóa/dịch vụ được giao dịch giữa các thành viên ký kết FTA nhằm cho phép các nước mở rộng tiếp cận thị trường của nhau.
Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) là gì?
Trả lời:
Cho tới nay đã có rất nhiều các tổ chức và quốc gia khác nhau đưa ra các khái
niệm về FTA cho riêng mình. Điều này thể hiện những quan điểm khác nhau về FTA
cũng như sự phát triển đa dạng của các quốc gia. Tuy nhiên theo cách hiểu chung
nhất, FTA là một thỏa thuận giữa hai hay nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhằm
mục đích tự do hóa thương mại về một hoặc một số nhóm mặt hàng nào đó bằng việc
cắt giảm thuế quan, có các quy định tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, dịch
vụ và đầu tư giữa các thành viên. Ngày nay, FTA còn có cả các nội dung mới xúc
tiến và tự do hóa đầu tư, chuyển giao công nghệ, lao động, môi trường…
Nội dung chính của FTA gồm những gì?
Trả lời:
Một FTA thông thường bao gồm những nội dung chính sau:
- Thứ nhất là quy định về việc cắt giảm các hàng rào thuế
quan và phi thuế quan.
- Thứ hai là quy định danh mục mặt hàng đưa vào cắt giảm
thuế quan. Thông lệ áp dụng chung là 90% thương mại.
- Thứ ba là quy định lộ trình cắt giảm thuế quan, khoảng
thời gian cắt giảm thuế thường được kéo dài không quá 10 năm.
- Thứ tư là quy định về quy tắc xuất xứ.
Các nội dung khác đề cập tới vấn đề tự do hóa trong lĩnh
vực dịch vụ và đầu tư, các biện pháp hạn chế định lượng, các rào cản kỹ thuật,
quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, mua sắm chính phủ, lao động, bảo hiểm và môi
trường…
Có những loại hình FTA nào?
Trả lời:
Hiện nay có một số loại FTA mà Việt Nam tham gia như sau:
- FTA khu vực: là FTA được ký giữa các nước trong cùng
một tổ chức khu vực. Ví dụ AFTA.
- FTA song phương: được ký giữa 2 nước. Ví dụ như FTA
giữa Việt Nam và Chi Lê..;
- FTA đa phương: được ký giữa nhiều đối tác khác nhau. Ví
dụ như TPP...;
- FTA được ký giữa một tổ chức với một nước: ví dụ các
FTA được ký giữa một bên là tổ chức ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc...
Hay FTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu EU.
Các lý do chính hình thành các FTA?
Trả lời:
Có 2 lý do chính sau hình thành nên các FTA:
Thứ nhất là vòng đàm phán Doha kéo dài lâm vào bế tắc;
trong khi đó các quốc gia ngày càng chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để mở
rộng thị trường, thu hút vốn đầu tư, tăng cường quan hệ ngoại giao… nên họ muốn
ký với nhau FTA để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình tự do hóa thương mại.
Thứ hai là các quốc gia không tự nguyện đơn phương giảm
các rào cản thương mại mà phải thỏa thuận cùng nhau cắt giảm các rào cản tạo
điều kiện cho nhau cùng phát triển. Quá trình thúc đẩy tự do hóa thương mại này
dẫn đến việc thành lập các FTA.
Việt Nam đã tham gia bao nhiêu FTA?
Trả lời:
Tính đến cuối tháng 10 năm 2015, tình hình tham gia
các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam cụ thể như sau:
- Đã ký kết 10 FTA: bao gồm:
+ 6 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN (gồm AFTA,
5 FTA giữa ASEAN và các đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và
Niu Dilân)
+ 4 FTA đàm phán với tư cách là một
bên độc lập (gồm FTA với các đối tác: Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên
minh Kinh tế Á Âu)
- Vừa hoàn tất đàm phán 2 FTA (gồm FTA với Liên minh
Châu Âu và Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương
- TPP).
- Đang tiếp tục đàm phán 3 FTA, gồm: FTA ASEAN– Hồng Công
(Trung Quốc), FTA với Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA), Hiệp định đối tác
kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Các nguyên tắc và định hướng của việc tham gia, đàm phán
và ký kết các FTA?
Trả lời:
Các nguyên tắc và định hướng của việc tham gia, đàm phán và ký kết các FTA được
nêu tại “Chiến lược tham gia các FTA của Việt Nam đến 2020” đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1051/QĐ-TTg ngày 09/8/2012.
Theo đó, chúng ta tham gia đàm phán các FTA với
các nguyên tắc chính bao gồm:
- Quán triệt các quan điểm chỉ đạo nêu trong các Nghị
quyết, Chương trình hành động về hội nhập quốc tê nói chung và hội nhập kinh tế
quốc tế nói riêng.
- Đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên và xét đến trình
độ phát triển kinh tế của Việt Nam.
- Tính toán kỹ giữa mặt thuận lợi và không thuận lợi,
thời cơ và thách thức, năng lực trong nước và quốc tế trong đàm phán để đảm bảo
nếu ký kết sẽ đem lại lợi ích quốc gia cao nhất; tạo cơ hội mới cho phát triển
kinh tế - xã hội, nhất là xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa khởi sắc mà Việt
Nam lại tham gia rất nhiều FTA, liệu có nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành một thị
trường tiêu thụ và công xưởng của các nước tham gia FTA? Có thể lý giải tại sao
Việt Nam lại hội nhập sâu rộng trong thời điểm này?
Trả lời:
Việt Nam chúng ta đang hội nhập sâu rộng là theo chủ trương nhất
quán của Đảng và Nhà nước kể từ Đại hội VI. Quá trình hội nhập kinh
tế quốc tế của ta đã được khởi động từ cách đây rất lâu. Sau khi có chủ trương
Đổi Mới vào năm 1986 thì ngay năm 1991, Đại hội Đảng đã khẳng định chủ trương
"đa dạng hóa" và "đa phương hóa" quan hệ kinh tế với các quốc
gia, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, tham gia vào các tổ
chức, hiệp hội quốc tế khác khi cần thiết và có điều kiện. Chủ trương này đã
tiếp tục được làm giàu và phát triển thêm trong những năm sau. Đến năm 2006,
khi chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì chủ trương là
"chủ động", "tích cực" hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời
mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác. Đến Đại hội XI năm 2011, chủ
trương tiếp tục được nâng tầm thành "hội nhập quốc tế". Bộ Chính trị
ngay từ năm 2001 đã có Nghị quyết về hội nhập kinh tế quốc tế, giúp chúng ta có
thể gia nhập WTO. Năm 2007, sau khi gia nhập WTO, Ban Chấp hành Trung ương có
Nghị quyết về nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Gần đây nhất, tháng 4 năm
2013, Bộ Chính trị có Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế. Như vậy, việc tham gia
các FTA là cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đây là một
chủ trương nhất quán, xuyên suốt, được thực hiện trong nhiều năm và không phụ
thuộc và chu kỳ kinh tế thế giới.
Kinh tế có các giai đoạn thăng trầm khác
nhau. Chúng ta không thể nói khi nào kinh tế thế giới hồi phục thì hội
nhập, khi nào kinh tế thế giới trì trệ thì tạm dừng. Chưa kể, nếu đàm phán các
hiệp định vào lúc kinh tế thế giới trì trệ và các hiệp định đó lại có hiệu lực
thực hiện đúng vào lúc kinh tế thế giới phục hồi thì sẽ là tác động kép cho
tăng trưởng kinh tế của chúng ta, giúp cho việc nắm bắt cơ hội do hiệp định
mang lại được tốt hơn.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA)?
Trả lời:
Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN từ năm 1995. Việt Nam tham
gia Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) trong khuôn khổ AFTA
của ASEAN năm 1996. Nhưng Việt Nam chỉ thực sự cắt giảm thuế quan từ năm
1999 khi nhóm các mặt hàng đầu tiên từ Danh mục loại trừ tạm thời (TEL) được
chuyển vào cắt giảm thuế quan theo CEPT. Theo quy định của Hiệp định CEPT, các
mặt hàng của Việt Nam được chia thành 2 nhóm chính: Nhóm các mặt hàng cắt giảm
và xoá bỏ thuế quan và Nhóm hàng nông sản nhạy cảm.
Nhằm tiến tới tự do hóa hoàn toàn (ít nhất là về mặt thuế
quan), ASEAN đã quyết định không chỉ dừng lại ở việc giảm thuế xuống 0%-5% mà
sẽ xóa bỏ thuế quan vào năm 2010 đối với ASEAN-6 (gồm Brunei, Indonesia,
Malaysia, Philipin, Singapore và Thái Lan) với Việt Nam, đến năm 2015, các mặt
hàng cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan trong khuôn khổ này.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA)?
Trả lời:
Ngày 4/11/2002 tại Campuchia, Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện
ASEAN- Trung Quốc được các nhà lãnh đạo Thượng đỉnh ASEAN-6 và Trung Quốc ký
kết tạo nền tảng pháp lý để các bên tăng cường hợp tác kinh tế. Trong Hiệp định
này, quan trọng nhất là việc thiết lập Khu vực thương mại Tự do ASEAN- Trung
Quốc (ACFTA). Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN- Trung Quốc được ký kết ngày
29/11/2004 tại Lào, và Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam- Trung Quốc ký ngày
18/7/2005 tại Trung Quốc. Việc cắt giảm và tự do hóa thuế quan của Việt Nam
trong ACFTA được chia thành 3 danh mục hàng hoá: thu hoạch sớm, thông thường và
nhạy cảm.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Hàn Quốc?
Trả lời:
Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc được các
nhà lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc ký kết vào ngày 13/12/2005 tại Kuala Lumpur,
Malaysia. Đây là hiệp định quan trọng điều chỉnh quan hệ hợp tác kinh tế nhiều
mặt giữa ASEAN và Hàn Quốc, đặc biệt là việc thiết lập Khu vực thương mại tự do
ASEAN- Hàn Quốc vào năm 2010 (AKFTA). Lịch trình cắt giảm và loại bỏ thuế quan
được thực hiện theo lộ trình thông thường và lộ trình nhạy cảm.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Nhật Bản?
Trả lời:
ASEAN và Nhật Bản bắt đầu khởi động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn
diện ASEAN- Nhật Bản (AJCEP) vào năm 2003 và kết thúc đàm phán
vào năm 2008. Hiệp định AJCEP là một Hiệp định kinh tế toàn diện cả
về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế như đã cam kết trong
bản Thỏa thuận Khung về Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản ký kết năm
2003.
Đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản
có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với đàm với trong khuôn khổ Khu vực thương
mại tự do ASEAN-Trung Quốc, ASEAN- Hàn Quốc, đó là được kết hợp giữa đàm
phán song phương và đàm phán đa phương. Việt Nam cùng với các nước ASEAN 6 đã
tiến hành đàm phán với Nhật Bản trong cả hai khuôn khổ: Hiệp định đối tác kinh
tế toàn diện ASEAN- Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định đối tác kinh tế Việt
Nam- Nhật Bản (VJEPA). Một số nét chính khi Nhật Bản thúc đẩy việc đàm
phán trên cả hai kênh này:
- Tiến tới thành lập một khu vực thương mại tự do với
ASEAN với mục tiêu biến ASEAN thành một khu vực sản xuất chung của Nhật Bản,
tạo chuỗi liên kết các khu vực sản xuất của Nhật Bản giữa các nước ASEAN.
- Tiến hành đàm phán để đạt được lợi ích ở từng lĩnh vực
cụ thể.
- Tự do hoá 90% kim ngạch trong vòng 10 năm (kim ngạch
nhập khẩu từ Nhật Bản năm 2006).
- Nhật Bản loại trừ các mặt hàng tập trung chủ yếu vào
các sản phẩm nông nghiệp.
Thuế suất áp dụng cho từng giai đoạn trong Biểu thuế nhập
khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN- Nhật Bản (Biểu AJCEP) hầu hết được cắt giảm theo
mô hình cắt giảm dần đều từ thuế suất cơ sở hoặc có mô hình cắt giảm riêng đối
với những dòng thuế thuộc danh mục nhạy cảm. Chính vì vậy, mức thuế suất bình
quân áp dụng cho cả Biểu AJCEP theo từng năm trong Lộ trình có chiều hướng giảm
dần.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Ấn Độ?
Trả lời:
Hiệp định Khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN- Ấn Độ đã được ký kết ngày
8/10/2003 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN- Ấn Độ ở Bali, Indonesia để thiết lập
nên Khu vực Thương mại Tự do (AIFTA) vào năm 2011 với các nước ASEAN5 (Brunei,
Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan) và Ấn Độ, năm 2016 đối với Lào,
Campuchia, Myanmar, Philipine và Việt Nam. Hiệp định Khung cũng quy định việc
thực hiện một Chương trình thu hoạch sớm (EHP) với lộ trình tự do thương mại
bắt đầu từ 1/11/2004 đến 30/10/2007 đối với ASEAN6 và Ấn độ, đến 30/10/2010 đối
với CLMV. Do những bất đồng trong đàm phán về qui tắc xuất xứ hàng hóa và tiến
trình đàm phán thương mại hàng hoá đã bị chậm lại so với quy định của Hiệp định
Khung nên Chương trình Thu hoạch sớm đã bị huỷ bỏ vào năm 2005. Sau đó, quá
trình đàm phán AIFTA đã lại tiếp tục bị gián đoạn thêm một số lần nữa do sự bất
đồng quá lớn giữa quan điểm của hai bên về cách tiếp cận đàm phán. Phải sau gần
6 năm, Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN- Ấn Độ về cơ bản mới kết thúc đàm
phán để hướng tới ký kết nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 vào
tháng 8/2009 tại Thái Lan. Hiệp định quy định mô hình giảm thuế của các nước
được chia thành hai loại danh mục hàng hoá: Các mặt hàng xoá bỏ thuế và các mặt
hàng nhạy cảm.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Úc- Niu Zilân?
Trả lời:
Đàm phán ASEAN- Úc- Niu Zilân bắt đầu từ năm 2005 với mục tiêu kết thúc vào đầu
năm 2007. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2008 thì quá trình đàm phán về cơ bản
mới kết thúc do Úc và Niu Zilân đặt ra yêu cầu tự do hoá quá cao (không chỉ
trong thuế quan mà còn ở các vấn đề khác: dịch vụ, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh,
mua sắm chính phủ, lao động, môi trường... Hiệp định đã được ký kết vào tháng
2/2009 nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 tại Thái Lan. Việt Nam cam kết
xoá bỏ thuế quan 90% số dòng thuế của Biểu thuế nhập khẩu (Danh mục thông
thường), trong đó: 54% số dòng thuế vào năm 2016; 85% số dòng thuế vào năm
2018; 90% số dòng thuế vào năm 2020. Về cam kết dịch vụ, đầu tư và lao động mức
độ cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ ANZFTA tương đương với cam kết gia nhập
WTO. Dịch vụ giáo dục là quan tâm lớn của Niu Di lân và Úc, Việt Nam có một số
nhân nhượng tự do hơn cam kết WTO, chủ yếu là mở rộng phạm vi các môn học mà
nước ngoài được phép dạy cho học sinh Việt Nam. Dịch vụ lao động, Việt nam và
New Zealand đã thoả thuận thực hiện 2 chương trình trao đổi lao động: Chương
trình làm việc theo kỳ nghỉ và Chương trình làm việc tạm thời.
Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam- Nhật Bản
(VJEPA)?
Trả lời:
Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (VJEPA) bắt đầu đàm phán từ năm
2007. Hai bên đã ký kết Hiệp định VJEPA vào ngày 25/12/2008, hiệp định bắt đầu
có hiệu lực vào ngày 1/10/2009. VJEPA là hiệp định thương mại tự do song phương
đầu tiên Việt Nam đã ký kết.
Lộ trình giảm thuế của Việt Nam trong Hiệp định VJEPA đã
bắt đầu ngay khi hiệp định có hiệu lực (năm 2009) và kéo dài 18 năm (kết thúc
năm 2026). Các mặt hàng được cắt giảm xuống 0% tập trung vào các năm 2019 và
năm 2025. Về diện mặt hàng, các mặt hàng được xoá bỏ thuế quan chủ yếu là các
mặt hàng công nghiệp.
Về mức cam kết chung, trong vòng 10 năm kể từ khi thực
hiện Hiệp định, Việt Nam cam kết tự do hoá đối với khoảng 87,66% kim ngạch
thương mại và Nhật Bản cam kết tự do hoá đối với 94,53% kim ngạch thương mại.
Vào năm cuối của Lộ trình giảm thuế tức là sau 16 năm thực hiện Hiệp định, Việt
Nam cam kết tự do hoá đối với 92,95% kim ngạch thương mại.
Biểu cam kết của Việt Nam bao gồm 9.390 dòng thuế (dựa
trên ASEAN Harmonised Tariff Nomenclature 2007), trong đó đưa vào lộ trình cắt
giảm đối với 8.873 dòng thuế. Số dòng thuế còn lại là các dòng thuế ô tô chưa
lắp ráp (CKD ô tô) và các dòng thuế không cam kết cắt giảm.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Chi lê?
Trả lời:
Ngày 11-11-2011, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Chile đã được
ký kết tại Hawaii, Hoa Kỳ bên lề hội nghị APEC sau hơn 3 năm đàm phán.
Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam- Chile chính thức có hiệu lực kể từ
ngày 1/1/2014. Hiệp định gồm có 14 chương, 104 điều, 8 phụ lục và chỉ
trong lĩnh vực hàng hóa. Chile cam kết xóa bỏ thuế cho 99,62% kim ngạch xuất
khẩu của Việt Nam sang Chile trong thời hạn không quá 10 năm. Trong đó, 83,54%
số dòng thuế và 81,8% kim ngạch sẽ được hưởng thuế 0% ngay sau khi hiệp định có
hiệu lực (thủy sản, cà phê, chè, dầu thô, rau quả, thịt gia súc, giày dép và
một số hàng dệt may). 537 dòng thuế, chiếm 6,96% số dòng thuế và 4,6% kim ngạch
xuất khẩu sẽ được xóa bỏ thuế trong vòng 5 năm. 704 dòng thuế, chiếm 9,12% số
dòng thuế và 13,6% kim ngạch sẽ được xóa bỏ thuế sau 10 năm. Danh mục loại trừ
có 29 dòng thuế, chiếm 0,38% số dòng thuế và 0% kim ngạch xuất khẩu (Việt Nam
không xuất khẩu những mặt hàng này). Một số mặt hàng dệt may, 203 dòng giảm
ngay về 0%, 17 dòng thuế giảm về 0% sau 5 năm. Các mặt hàng thủy sản, cà phê,
chè, máy tính và linh kiện từ mức thuế 6% giảm ngay về 0% ngay khi hiệp định có
hiệu lực… Lộ trình giảm thuế của Việt Nam: xóa bỏ 87,8% số dòng thuế (91,22%
kim ngạch nhập khẩu từ Chile năm 2007) trong vòng 15 năm. Các dòng thuế còn lại
(12,2%) được chia vào các danh mục: Loại trừ, 374 dòng thuế, chiếm 4,08% số
dòng thuế. Giữ nguyên thuế suất cơ sở (mức thuế tại thời điểm ký hiệp định: 309
dòng thuế, chiếm 3,37% số dòng thuế). Giảm thuế một phần: 435 dòng thuế, chiếm
4,75% số dòng thuế thí dụ như rượu vang.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế
Á- Âu (EEUV-FTA)?
Trả lời:
Hiệp định được khởi động đàm phán từ tháng 3/2013 giữa Việt Nam và 3 nước Nga,
Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan với lúc đầu được gọi là Hiệp định Thương mại tự do
Việt Nam- Liên minh Hải quan. Tuy nhiên,
ngày 29/5/2015, EEUV-FTA đã chính thức được ký kết giữa một Bên
là Việt Nam và Bên còn lại gồm 5 nước thành viên của Liên minh Kinh tế
Á- Âu (gồm Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-nia và Cư-rơ-gư-xtan). Đây
là FTA đầu tiêu của Liên minh kinh tế Á- Âu.
EEUV- FTA có phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm
bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng Bên tham gia. Hiệp
định bao gồm các Chương chính về Thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phòng vệ
thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện SPS và TBT,
công nghệ điện tử trong thương mại, cạnh tranh, pháp lý và thể chế.
Việt Nam cam kết mở cửa thị trường khoảng 90% số dòng
thuế với lộ trình trong vòng 10 năm. Đối với các mặt hàng thuộc danh mục quan
tâm của Liên minh Kinh tế Á-Âu, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp
định có hiệu lực đối với một số mặt hàng nông sản (thịt bò, sản phẩm sữa,
bột mì); mở cửa có lộ trình 3-5 năm đối với thịt, cá chế biến, máy móc thiết bị
điện, máy dùng trong nông nghiệp; 5 năm đối với thịt gà, thịt lợn; 10 năm đối
với một số loại rượu bia, ô tô. Thuế nhập khẩu xăng dầu không xóa bỏ sớm hơn
năm 2027 và sắt thép có lộ trình xóa bỏ trong vòng không quá 10 năm.
Liên minh Kinh tế Á- Âu cũng sẽ cam kết xóa bỏ thuế
nhập khẩu đối với khoảng 90% tổng số dòng thuế, trong đó 59% tổng số dòng thuế
được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các nhóm mặt hàng sẽ
được xóa bỏ thuế nhập khẩu gồm: các mặt hàng nông- lâm- thủy sản của
Việt Nam (phần lớn các mặt hàng thủy sản, một số loại rau quả tươi và rau quả
đã chế biến, thịt, cá chế biến, ngũ cốc, gạo (hạn ngạch thuế quan 10.000
tấn); và một số mặt hàng công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như dệt may
(trong hạn ngạch) và nguyên phụ liệu dệt may, giày dép (đặc biệt là giày thể
dục), máy móc, linh kiện điện tử, và một số loại dược phẩm, sắt thép, sản phẩm
cao su, gỗ và đồ nội thất…
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên Minh Châu Âu
(EVFTA)?
Trả lời:
Ngày 26/6/2012, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) chính thức tuyên bố khởi
động đàm phán Hiệp định EVFTA. Sau 14 phiên đàm phán chính thức trong vòng
3 năm, ngày 4/8/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng với Cao ủy Thương
mại EU Cecilia Malmstrom thống nhất kết thúc cơ bản đàm phán EVFTA. Các
nội dung chính của đàm phán bao gồm hàng hóa, dịch vụ, quy tắc xuất xứ, hải
quan, SPS, TBT, đầu tư, mua sắm chính phủ, cạnh tranh, doanh nhiệp nhà nước,
giải quyết tranh chấp, sở hữu trí tuệ và phát triển bền vững.
Theo cam kết của EVFTA, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế
nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại,
hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần.
Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh
doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong EVFTA được xem là sẽ giúp thúc đẩy luồng
vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Khi hiệp
định được thực hiện, tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như:
dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản và của EU như máy móc, thiết bị, ôtô, xe
máy, đồ uống có cồn, nông sản sẽ được hưởng ưu đãi hơn khi tiếp cận thị trường
của EU.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư EU cũng được hưởng ưu đãi
hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các
doanh nghiệp EU có thế mạnh như dịch vụ tài chính, phân phối, vận tải...
Hiệp đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là gì?
Trả lời: TPP
viết tắt từ tiếng Anh “The Trans-Pacific Partnership” dịch là Hiệp định
đối tác thương mại tự do châu Á Thái Bình Dương là một thỏa thuận thương mại
được đàm phán giữa 12 nước thuộc khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Mỹ, Nhật Bản,
Việt Nam, Australia, Chile, Singapore, Brunei, Malaysia, New Zealand, Peru,
Mexico, Canada. Ngày 5 tháng 10 năm 2015, Bộ Trưởng của 12 nước tham gia TPP đã
tuyên bố kết thúc đàm phán.
Đặc điểm của TPP?
Trả lời:
TPP có 5 đặc điểm chính mang tính bước ngoặc của thế kỷ 21, tạo ra một tiêu
chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong khi vẫn đề cập tới các vấn đề mang tính
thế hệ mới. Đó là:
· Tiếp cận thị trường một cách
toàn diện: Hiệp định TPP cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về
căn bản đối với tất cả thương mại hàng hóa và dịch vụ và điều chỉnh toàn bộ các
lĩnh vực về thương mại trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhằm
tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu
dùng của các nước thành viên.
· Tiếp cận mang tính khu vực trong việc
đưa ra các cam kết: Hiệp định TPP tạo thuận lợi cho việc phát triển sản
xuất và dây chuyền cung ứng, cũng như thương mại không gián đoạn, đẩy mạnh tính
hiệu quả và hỗ trợ thực hiện mục tiêu về tạo việc làm, nâng cao mức sống, thúc
đẩy các nỗ lực bảo tồn và tạo thuận lợi cho việc hội nhập qua biên giới cũng
như mở cửa thị trường trong nước.
· Giải quyết các thách thức mới
đối với thương mại: Hiệp định TPP thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính
cạnh tranh thông qua việc giải quyết các vấn đề mới, trong đó bao gồm việc phát
triển nền kinh tế số và vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhà nước
trong nền kinh tế toàn cầu.
· Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên
quan đến thương mại: Hiệp định TPP bao gồm các yếu tố mới được đưa ra để
bảo đảm rằng các nền kinh tế ở tất cả các cấp độ phát triển và doanh nghiệp
thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi từ thương mại.
Nền tảng cho hội nhập khu vực: Hiệp định TPP được ra
đời để tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để
bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á- Thái Bình
Dương.
Nội dung của Hiệp định TPP?
Trả lời:
Hiệp định TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm
đầu của thế kỷ 21. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực
truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương
mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước...
Với các kết quả đàm phán đã đạt được, Hiệp định TPP sẽ là
một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý
tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)?
Trả lời:
Ý tưởng về RCEP lần đầu tiên được giới thiệu vào tháng 11/2011 tại Hội
nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo ASEAN ở Bali. Ngày 30/ 8/2012, Hội nghị Bộ
trưởng Kinh tế ASEAN tại Campuchia, các quan chức đã thông qua các nguyên tắc
hướng dẫn của RCEP. Tính đến nay RCEP đã trải qua 10 phiên đàm phán chính
thức.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hướng
tới mục tiêu thiết lập một khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 10
thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Trung
Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand).
Đánh giá tác động của các FTA đã ký kết đối với Việt Nam?
Trả lời:
Về cơ bản, các FTA đã đóng góp tích cực vào quá trình thúc đẩy xuất khẩu, nâng
cao hiệu quả nhập khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh
của hàng hóa và dịch vụ trong nước. Trong đó, kết quả thương mại với
các nước đã ký FTA có cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu mang tính bổ sung cho cơ
cấu của ta (Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu) được thay đổi theo
hướng tích cực (tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu) hơn là với các nước có cơ cấu
xuất nhập khẩu tương đồng (Trung Quốc)
Ngày nay, FTA là trào lưu và xu thế của hội nhập kinh tế
quốc tế. Xin cho biết rõ hơn những lợi ích chính của Việt Nam khi tham gia các
FTA?
Trả lời:
Lợi ích đầu tiên là cơ hội mới cho phát triển xuất khẩu. Có thể thấy rất rõ cơ
hội này khi các nước xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng hóa của ta. Bên cạnh đó,
khi tham gia vào các hiệp định bao gồm nhiều nước, thí dụ như Hiệp định TPP, cơ
hội để ta tham gia vào một chuỗi cung ứng mới hình thành trong khu vực sẽ rất
cao. Nếu ta trở thành một thành tố, một mắt xích trong dây chuyền cung ứng đó
thì khả năng phục hồi sản xuất và phát triển ra phạm vi toàn cầu sẽ lớn hơn
nhiều so với việc tự đi tìm thị trường.
Việc tham gia các FTA còn giúp chúng ta có điều kiện cơ
cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Trong kinh doanh
xuất nhập khẩu và quan hệ thương mại quốc tế, có một điều mà người ta muốn
tránh là phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nào đó. Cho đến nay, 70%
nhập khẩu của chúng ta đến từ khu vực Đông Á và hơn 50% xuất khẩu là vào khu
vực này. Nếu có tình huống bất lợi nào đó xảy ra trong khu vực thì xuất nhập
khẩu lập tức sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, xuất khẩu lại là động lực chính của
tăng trưởng GDP. Vì vậy, ta có nhu cầu cân bằng lại thị trường, dẫn đến việc
đàm phán các hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, Liên
minh Kinh tế Á - Âu và các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình
Dương. Các hiệp định này sẽ giúp chúng ta cân bằng lại thị trường xuất nhập
khẩu của mình. Đây là một định hướng chiến lược.
Nếu có quan hệ FTA thì khi đi vào các thị trường như EU,
Hoa Kỳ, ta sẽ có lợi thế trong trung hạn trước các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt
là các đối thủ trong khu vực.
Thêm vào đó, các FTA thế hệ mới còn có một tác động rất
quan trọng là giúp ta hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, một định hướng lớn
của Đảng, và hỗ trợ tích cực trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới
mô hình tăng trưởng.
Cuối cùng, với những tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh
bạch và hành xử vô tư, các FTA thế hệ mới như FTA với Liên minh Châu Âu, với
các nước TPP, sẽ giúp chúng ta kiện toàn hơn nữa bộ máy Nhà nước theo hướng đẩy
mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỉ luật, kỉ cương. Việc này
rất phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay trong việc cải cách
hành chính, cải thiện hoạt động, tăng cường hiệu quả của bộ máy quản lý nhà
nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm của công chức nhà nước.
Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp khi tham
gia các FTA.
Trả lời:
Về cơ hội, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và
đa phương sẽ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận
được thị trường khu vực và tiến tới là thị trường toàn cầu. Trực tiếp là việc
dỡ bỏ hàng rào thuế quan (sau khi có các FTA hầu hết là về 0%, còn lại là dưới
5%). Gián tiếp là việc tháo gỡ các rào cản kỹ thuật (có thể vẫn tồn tại nhưng
có cơ chế kiểm soát để không bị tùy tiện lạm dụng hoặc làm cản trở thương mại.)
Bên cạnh đó, nhờ Việt Nam được hưởng ưu đãi theo các
FTA, lượng và chất của vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ có điều kiện để gia tăng, cơ
hội tiếp nhận công nghệ, kinh nghiệm và cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tham
gia các chuỗi sản xuất toàn cầu cũng sẽ tăng lên. Nói cách khác, nhờ tham
gia các FTA, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội để tranh thủ được vốn đầu
tư, tri thức, công nghệ và các nguồn lực quan trọng khác của thế giới để phát
triển.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với
nhiều thách thức do FTA mang lại. Thứ nhất là năng lực cạnh tranh
của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế còn thấp hơn so với nhiều nước
trong khu vực, khả năng giành lợi thế cạnh tranh theo qui mô kinh tế chưa cao.
Những lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp như: tỷ lệ sử dụng
lao động cao, giá nhân công thấp, đang phải đối mặt sự cạnh tranh gay
gắt từ các nước trong khu vực; việc sử dụng nhiều tài nguyên thiên
nhiên sẽ dần mất đi …
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều rào cản kỹ
thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt. Với các FTA mới thì các quy tắc xuất
xứ đều theo định hướng là gia tăng giá trị tại Việt Nam trong khu vực các nước
có FTA. Đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ
liệu để gia công hàng xuất khẩu, nếu không chuyển đổi được vùng nguyên
liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế. Ngoài ra,
các quy định kỹ thuật như bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa trong sản
phẩm xuất khẩu cũng là một rào cản cho hàng xuất khẩu Việt Nam, hàng nông sản
của Việt Nam có thể bị mắc ở rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ. Những
quy định này nằm trong tay các nước nhập khẩu và hoàn toàn có thể bị lạm dụng
để trở thành rảo cản không cho hàng Việt Nam xâm nhập.
Khi Việt Nam ký kết tham gia các FTA có nghĩa
là doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tham gia thị trường thương mại có quy mô lớn,
được hưởng nhiều ưu đãi, nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, nếu không khai thác tốt,
các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường khu vực,
mà mất thị trường trong nước bởi các doanh nghiệp, các tập đoàn xuyên quốc
gia thâm nhập thị trường Việt Nam.
Công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics chưa thể phát
triển nhanh nên chí phí đầu vào và đầu ra của nền kinh tế sẽ còn cao so với một
số nước trong khu vực. Lợi thế cạnh tranh “động” của nền kinh tế trong cạnh
tranh toàn cầu thời kỳ tới tiếp tục phải vượt qua những trở ngại về chất lượng
nguồn nhân lực, chất lượng quản trị quốc gia của Chính phủ, về môi trường cạnh
tranh quốc gia và một số vấn đề an sinh xã hội v.v… Đó là những vấn đề cơ bản
khi tham gia các FTA.
Việt Nam đã ký kết và đang tham gia đàm phán tổng cộng 15
FTA. Nhiều người băn khoăn rằng, liệu các Hiệp định này có bị chồng lấn nhau và
có sự xung đột hay không, ví dụ lợi cho lĩnh vực này nhưng lại bất lợi cho lĩnh
vực khác?
Trả lời: Vấn đề này được nhiều chuyên gia kinh tế quan tâm.
Họ cho rằng với bất kì nước nào, việc tham gia nhiều
FTA sẽ khiến chính sách thương mại của quốc gia đó bị phân mảnh,
khó điều hành.
Chính phủ, trong quá trình điều hành tham gia, đàm
phán, ký kết các FTA trước đây, đã rút ra kinh nghiệm này. Vì vậy, Chính
phủ đã có chỉ đạo từ rất sớm về việc xây dựng một chiến lược đàm phán và tham
gia các FTA. Chiến lược này đưa ra một loạt nguyên tắc chủ đạo mà trước hết là
nguyên tắc lựa chọn đối tác. Sau đó là các nguyên tắc chủ đạo về mục tiêu, phải
đạt bằng được lợi ích gì, chấp nhận những thách thức nào, chấp nhận tới đâu và
theo lộ trình như thế nào. Đặc biệt, các FTA phải tạo ra lực đẩy cùng chiều với
nỗ lực cải cách trong nước của ta như tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng,
cải cách doanh nghiệp Nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh.., không tạo ra
tác động ngược làm chậm tiến trình cải cách trong nước.
Khi đã có những nguyên tắc lớn như thế, sẽ có sự nhất
quán trong việc đưa ra yêu cầu đàm phán (tức là đáp ứng lợi ích của mình) và
trong việc chấp nhận thách thức (chấp nhận tới đâu và theo lộ trình nào). Tiếp
theo, bởi ta lấy cải cách trong nước là nền tảng, không mang mô hình nào đó từ
bên ngoài áp vào trong nước mà lấy cái gốc là cải cách trong nước. Đặc biệt,
yêu cầu là phải kiểm soát được tiến độ hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình.
Nếu làm được như vậy thì không ngại các hiệp định có sự chồng lấn vì chúng cùng
chung một gốc.
Xung đột lợi ích luôn luôn xảy ra. Cơ hội của ngành này
là thách thức của ngành khác và ngược lại; hôm nay có thể là cơ hội, ngày mai
lại trở thành thách thức v.v. Đó là những điều xảy ra thường xuyên trong nền
kinh tế, bất kể ta có tham gia hiệp định thương mại tự do hay không. Điều đó là
không tránh được. Vì vậy, tính toán tổng hòa, nếu lợi ích tịnh là có và lớn thì
ta tiến hành.
Dù đã và đang tích cực tham gia các FTA, Việt Nam vẫn là
một nước đi sau trong tham gia chuỗi giá trị và gia nhập thị trường toàn cầu,
nơi đã có sẵn các nhà cung cấp khác và mối quan hệ cung-cầu hầu như đã được xác
lập. Vậy chúng ta đánh giá thế nào về việc này và có lời khuyên gì cho doanh
nghiệp và khuyến nghị gì đối với Chính phủ ?
Trả lời:
Chúng ta không nên ngại vì mình là người đi sau, không nên ngại mọi thứ đã
tồn tại và mình không chen chân vào được bởi quá khứ đã chứng minh điều ngược
lại. Đơn cử như ngành dệt may và giầy dép, thị phần của Trung Quốc trên thị
trường Hoa Kỳ đã giảm xuống trong khi của chúng ta tăng lên. Có bằng chứng rất
rõ là đơn hàng đang dịch chuyển về Việt Nam, dây chuyển cung ứng đang dịch
chuyển về Việt Nam và chắc chắn sẽ còn thay đổi mạnh hơn trong tương lai khi
các rào cản đối với hàng dệt may của ta được xóa bỏ trên thị trường Hoa Kỳ.
Điều tương tự cũng đã xảy ra đối với nhiều mặt hàng nông
sản. Trước đây, ta không nghĩ mình có thể xuất khẩu gạo, giờ ta đã là nước xuất
khẩu gạo. Sau đó là xuất khẩu cà phê, hạt tiêu, thủy sản... Tất cả đều ở mức
hàng đầu thế giới. Chuyện này cũng đang diễn ra với điện thoại. Cách đây 5 năm,
không ai nghĩ là ta sẽ sản xuất điện thoại nhưng bây giờ, ta đã có các dự án
của Samsung và Microsoft đã quyết định đưa toàn bộ nhà máy sản xuất Nokia sang
Việt Nam. Gần đây nhất, báo chí đưa tin là LG đã quyết định là đưa tất cả sản
xuất màn hình của LG sang Việt Nam. Tổng giám đốc của Fuji Xerox cũng nói ông
sẽ biến Việt Nam thành "hub" (trung tâm) xuất khẩu sản phẩm Fuji
Xerox ra toàn cầu. Như vậy là đang có sự dịch chuyển của dây chuyền cung ứng về
phía Việt Nam. Chúng ta mặc dù đi sau nhưng rõ ràng là đang có sự dịch chuyển
sản xuất về nước ta. Ta đã tham gia vào được chuỗi giá trị toàn cầu. Như vậy,
đừng nghĩ ta yếu nên không cạnh tranh được mà hãy tạo ra lợi thế thông qua đàm
phán và ký kết các hiệp định để giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội tham gia
vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nếu không có sự chuẩn bị chủ động thì khó có thể tận dụng
được thời cơ. Vậy có thể cho biết vai trò của Nhà nước là gì để giảm thiểu sự
thụ động khi tham gia các FTA? Làm cách nào để tăng cường tính chủ động của các
doanh nghiệp?
Trả lời: Nhà nước phải tạo ra môi trường, Nhà nước phải
tạo ra sức ép thay đổi từ bên trong để các doanh nghiệp sẵn sàng hơn với hội
nhập quốc tế. Nếu như chúng ta xâu chuỗi hàng loạt hoạt động gần đây
của Nhà nước như cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, khắc phục
các tín hiệu thị trường lệch lạc (đưa giá điện, giá than về đúng giá thị
trường), đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, giảm dần tiến tới xóa bỏ
hoàn toàn những ưu đãi, ưu ái không hợp lý... thì sẽ thấy Nhà nước đang nỗ lực
tạo một môi trường "trung tính" để nguồn lực đi vào đúng chỗ có lợi
thế cạnh tranh. Khi ta tạo ra môi trường thực sự cạnh tranh như vậy, doanh
nghiệp nào mạnh sẽ là mạnh thật, có sức đề kháng thật và tính linh hoạt của cả
nền kinh tế sẽ được nâng cao. Nếu nền kinh tế có tính linh hoạt cao thì đứng
trước các thách thức, sẽ dễ thay đổi hơn. Chỉ khi nào chúng ta làm được điều đó
thì mới nắm bắt được các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do cấp độ cao
mang lại.
Trong thời gian qua Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, đã
nhìn thấy điều này. Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra yêu cầu rất cao về cơ cấu lại
doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Chúng ta đang đi đúng hướng, tạo ra môi trường cạnh tranh, tăng sức ép với các
doanh nghiệp để buộc họ phải suy nghĩ về hội nhập kinh tế quốc tế một cách thực
tế và chủ động hơn.
Khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang đối tác có quan
hệ FTA với Việt Nam cần lưu ý điều gì?
Trả lời:
Doanh nghiệp cần chủ động tra cứu dòng thuế mà loại hàng hóa doanh nghiệp xuất
khẩu. Cần điền vào form mẫu CO do cơ quan có thẩm quyền cấp. Lưu ý, doanh nghiệp
nên chọn form mẫu CO có dòng thuế thấp nhất để khai. Thông thường, FTA song
phương có dòng thuế thấp nhất, tiếp đến là FTA hỗn hợp cuối cùng là dòng thuế
cam kết trong WTO.
Xét về tổng thể, doanh nghiệp cần phải làm gì để tận dụng
cơ hội và vượt qua thách thức khi Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế
ngày càng sâu rộng?
Trả lời:
Một là, các doanh nghiệp cần nắm vững các cam kết hội nhập kinh
tế quốc tế, chủ động tìm hiểu lộ trình hội nhập và xây dựng phương
án thực thi hiệu quả các cam kết. Trong quá trình này, cần thường
xuyên nắm bắt thông tin và làm tốt công tác dự báo thị trường để
hạn chế tối đa những ảnh hưởng bất lợi từ những biến động của
thị trường khu vực và quốc tế.
Hai là, tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu, không ngừng
củng cố và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Cần
nắm bắt thời cơ và có những điều chỉnh, đưa ra kế hoạch hoạt động trong ngắn
cũng như dài hạn; củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh để thực thi hiệu
quả các cam kết trong các FTA.
Ba là, kịp thời phản ánh thực tiễn cũng như
vướng mắc trong quá trình triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế lên
Chính phủ; chủ động tham gia, đóng góp ý kiến với các cơ quan quản lý Nhà nước
trong quá trình đàm phán và xây dựng chính sách kinh tế thương mại quốc tế.