Ngành nào “chịu trận” khi hội nhập?
Trong khi các ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng nông thủy sản… được nhìn nhận là hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì một số ngành lại rơi vào tình trạng lo “ngay ngáy” khi các FTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu có hiệu lực.
Thép, đường lo
Năm 2015 đánh dấu một
năm hội nhập sâu rộng của Việt Nam khi tham gia vào nhiều FTA có tầm cỡ và quy
mô rộng lớn như FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu, FTA
Việt Nam – Hàn Quốc, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái
Bình Dương (TPP). Bước sang năm 2016 là thời điểm các FTA dần có hiệu lực. Hiệp
định có hiệu lực sớm nhất là FTA Việt Nam – Hàn Quốc khi lợi thế mang về cho
ngành dệt may, thủy sản… không hề nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng có
thuận lợi, Việt Nam cũng phải “đánh đổi” bằng việc mở cửa thị trường cho hàng
hóa các nước. Ngành hàng “chịu trận” đầu tiên có thể kể đến là ngành thép.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục
trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đồng thời là Trưởng đoàn Đàm
phán FTA Việt Nam – Hàn Quốc nhìn nhận rằng, theo cam kết mở cửa của Việt Nam,
ngành phải chịu sức ép khi mở cửa trước tiên là nhóm các sản phẩm sắt thép. Có
thể thấy, hiện nay, ngành sắt thép đang phải “chịu đòn” từ thép Trung Quốc nhập
về với đủ các chiêu trò gian lận thương mại, cộng thêm việc giảm thuế từ Hiệp
định này sẽ là sức ép không nhỏ cho ngành thép trong nước.
Chưa hết, với FTA Việt
Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (đã ký kết), theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục
trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương), ngành thép có thể gặp khó khăn khi phải “đối
đầu” với những cường quốc sản xuất thép ở khu vực này, ví dụ như Nga. Các DN
thép của Nga có nhiều lợi thế nên sức cạnh tranh rất lớn. Với tổng sản lượng
sản xuất lên tới gần 70 triệu tấn/năm, đứng thứ 5 toàn cầu, sở hữu công nghệ
sản xuất hiện đại với 70% sản xuất bằng lò cao, đã có sẵn thị phần 8,1% sản
phẩm XK vào châu Á và chi phí sản xuất rất cạnh tranh thì chỉ cần Hiệp định
được thông qua, thép Nga sẽ nhanh chóng gia tăng tại Việt Nam.
Một ngành hàng khác gặp
khó ngay từ thời điểm AEC chính thức hình thành là ngành mía đường. Ông Nguyễn
Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, khi AEC thành lập, thuế
NK đường vẫn được áp dụng chỉ 5% cho đến năm 2018. Dù có duy trì mức 5% vẫn là
mức thấp trong khi giá thành đường của Việt Nam vẫn còn cao do giá mía cao nên
đường trong nước sẽ khó khăn khi cạnh tranh. Mặt khác, Hiệp định thương mại
biên giới Việt Nam - Lào đã được ký với sự ưu đãi hết mức (thuế NK 0%, thuế
GTGT 0%, không rào cản kỹ thuật, không hạn chế số lượng). Đây chính là thách
thức cao hơn cho ngành mía đường Việt Nam, ngay cả khi tình trạng gian lận
thương mại về nguồn gốc xuất xứ được kiểm soát tốt.
Khó nhất chăn nuôi
Sẽ là thiếu sót nếu
không nhắc đến ngành chăn nuôi, đặc biệt TPP có thể coi như một “chướng ngại
vật” lớn nhất của ngành này. Rất nhiều người quan ngại đối với việc thịt ngoại
tràn vào Việt Nam khi có giá thành rẻ hơn ở trong nước. Câu chuyện đùi gà Mỹ
20.000 đồng/kg được NK về Việt Nam càng làm dấy lên lo lắng về sự lép vế cho
ngành chăn nuôi trước “sóng” TPP.
Theo một báo cáo của
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tác động của quá trình hội nhập
lên ngành chăn nuôi sẽ chủ yếu đến từ việc gia nhập TPP. Sau TPP, dòng thương
mại có xu hướng thay đổi theo mức cắt giảm thuế quan, chuyển sang NK sữa bột từ
New Zealand, trâu bò sống từ Australia và các sản phẩm thịt từ Mỹ. Sản xuất
trong nước có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước TPP, đặc biệt
đối với ngành thịt.
Ông Trần Quốc Khánh,
Trưởng đoàn đàm phán TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng từng thừa nhận: “Ngành
chăn nuôi đúng là gặp khó khăn. Trong các Hiệp định khác chưa bao giờ chúng ta
xóa bỏ thuế NK đối với các đối thủ mạnh về chăn nuôi. TPP yêu cầu, đòi hỏi tiêu
chuẩn cao, toàn diện, cân nhắc xóa bỏ thuế NK đối với chăn nuôi là thịt lợn,
thịt gà”. Tuy nhiên, để “trấn an” các DN ngành chăn nuôi, ông Khánh khẳng định
ngành chăn nuôi ít nhất có 10 năm để chuẩn bị đối đầu, cạnh tranh với các nước
khi thuế suất về 0%. Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tham gia
vào hội nhập quốc tế. Từ năm 1995, Việt Nam tham gia vào khu vực thương mại tự
do ASEAN, sau đó ký Hiệp định với Mỹ và gia nhập WTO vào 2006 và nhiều FTA khác
với các nước mạnh về nông nghiệp như Australia, New Zealand… “Ngành nông nghiệp
Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị để cạnh tranh”, ông Khánh khẳng định thêm.
Hội nhập là tất yếu
“Điểm mặt” một số ngành
hàng bị tác động ngay khi hội nhập có thể thấy rằng, khó khăn của các ngành đến
từ việc nội tại ngành còn yếu về quy mô, trình độ, vốn, nhân lực quản trị… Có
lẽ đây cũng là tồn tại cố hữu của nhiều ngành hàng. Tất nhiên, cũng giống như
ngành chăn nuôi, việc tham gia các FTA các ngành sẽ có thời gian để chuẩn bị
ngắn nhất là từ 3 đến 5 năm và dài nhất là 10 năm. Trong thời gian này, những
biện pháp hỗ trợ cho DN của Chính phủ, cơ quan quản lý cũng chỉ có tính tạm
thời. “Khi đã mở cửa, tham gia toàn cầu hóa, Việt Nam phải chấp nhận nguyên tắc
của kinh tế thị trường. Vì vậy, DN phải chấp nhận nguyên tắc cạnh tranh với sản
phẩm của các nền kinh tế khác”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn
mạnh.
Do vậy, DN Việt Nam
không còn con đường nào khác là phải tự vươn lên bằng chính nỗ lực của bản
thân, nâng cao khả năng quản trị, hạ giá thành,… để đưa ra được những sản phẩm
chất lượng cao, có tính cạnh tranh. Tính cạnh tranh được đánh giá ở nhiều chỉ
tiêu như chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá cả, khả năng cung ứng… Một
khuyến cáo khác của chuyên gia dành cho DN là phải nắm bắt được thị trường cần
gì để tìm ra những ngách nhỏ để đi.
Ví dụ như ngành chăn
nuôi không phải là không có ngách để đi. Theo ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch
kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, xu thế của thế giới ngày
càng sử dụng thịt gia cầm nhiều hơn vì có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, có ít
các chất tồn dư gây hại cho con người hơn. Dự báo từ năm 2020 trở đi, sản lượng
thịt gia cầm sẽ thống lĩnh thị trường thế giới. Do vậy, Việt Nam có cơ hội đáp
ứng nhu cầu về sản phẩm chăn nuôi gia cầm cho thế giới. Đặc biệt, thế mạnh của
Việt Nam là chăn nuôi thả vườn, có ít cạnh tranh hơn. Ông Khanh dẫn chứng, nhu
cầu thế giới là cần gà sạch, ví dụ 1kg gà “chạy bộ” ở Mỹ là 10 USD/kg, gà công
nghiệp là 2,6 USD/kg. “Xu thế của thế giới là tận dụng sử dụng sản phẩm gà
sạch, tự nhiên. Gần đây nhất là tập đoàn KFC, thông báo sẽ hạn chế mua trứng gà
của gà công nghiệp, chuyển sang mua trứng của gà thả tự do”, ông Khanh cho biết.