SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu đột biến gen KRAS, BRAF, NRAS và PIK3CA trong ung thư biểu mô tuyến đại trực tràng tại bệnh viện Ung Bứu thành phố Cần Thơ”

[08/04/2016 16:16]

Ngày 07/04/2016, sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đột biến gen KRAS, BRAF, NRAS và PIK3CA trong ung thư biểu mô tuyến đại trực tràng tại bệnh viện Ung Bứu thành phố Cần Thơ” do PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng làm chủ nhiệm, bệnh viện Ung Bứu thành phố Cần Thơ làm cơ quan chủ trì.

Mục tiêu của đề tài là khảo sát một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và mô bệnh học; xác định tỉ lệ các kiểu biểu lộ protein EGFR và PTEN, đồng thời xác định đột biến 4 gen KRAS, BRAF, NRAS và PIK3CA và khảo sát mối liên quan giữa đặc điểm lâm sàng, mô bệnh học, hóa mô miễn dịch với đột biến 4 gen trên trong ung thư biểu mô tuyến đại trực tràng. Qua đó, tiên lượng dự hậu để lựa chọn đúng phương pháp điều trị; tiên đoán bệnh nhân nào có thể đáp ứng thuốc kháng EGFR nhằm tối ưu hóa việc lựa chọn bệnh nhân phù hợp sử dụng thuốc trong điều trị.

Qua quá trình giải trình tự gen trực tiếp trên 50 trường hợp ung thư biểu mô tuyến đại trực tràng có mẫu thỏa tiêu chuẩn, nhóm nghiên cứu sử dụng tiếp phương pháp phân tích số liệu và cho ra nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ung thư biểu mô tuyến đại trực tràng thường gặp ở người có số tuổi từ 60 – 69; vị trí u chủ yếu ở trực tràng (54%); loại mô học thường gặp nhất là ung thư biểu mô tuyến không chế nhầy và độ mô học chiếm tỉ lệ cao nhất là độ 2. Tỉ lệ biểu lộ protein EGFR và PTEN cao (trên 80%).

Trong 4 đột biến gen, đột biến KRAS chiếm tỉ lệ cao nhất (34%), tất cả đều là đột biến điểm. Thường gặp nhất là đột biến ở codon 12 (71%) và codon 13 (18%), cả hai đột biến này đều có vai trò quan trọng trong quá trình tiến triển ung thư và dẫn đến không đáp ứng với thuốc kháng EGFR cao. Do đó, tất cả các bệnh nhân ung thư đại trực tràng có đột biến KRAS ở condon 12 hoặc 13 đều không điều trị thuốc kháng EGFR. Đột biến KRAS không liên quan với tuổi, giới tính, loại mô học, độ mô học và giai đoạn bệnh. Đột biến này thường gặp ở trực tràng.

Đột biến gen PIK3CA chiếm tỉ lệ 6% với các kiểu đột biến thường gặp như: Met1055Ile, Trp1057X và Glu545Ala. Đột biến này cũng là một yếu tố tiên đoán khả năng đáp ứng kém với điều trị bằng kháng thể đơn dòng kháng EGFR. Theo nhóm nghiên cứu, đột biến PIK3CA không liên quan với giới tính, loại mô học, độ mô học, giai đoạn bệnh, tình trạng xâm nhập khoang limphô – mạch máu. Cũng không có mối liên quan giữa đột biến KRAS, PIK3CA với sự biểu lộ protein EGFR và PTEN.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra đột biến BRAF chiếm tỉ lệ 2%, đột biến này cũng dẫn đến không đáp ứng với thuốc kháng EGFR. Chưa ghi nhận trường hợp đột biến NRAS nào.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, cần phối hợp khảo sát cả 4 gen KRAS, NRAS, BRAF, PIK3CA và sự biểu lộ PTEN để tối ưu hóa việc lựa chọn điều trị bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến đại trực tràng bằng kháng thể đơn dòng kháng EGFR.

Đề tài được đánh giá là có ý nghĩa thiết thực, hữu ích cho điều trị bệnh ung thư biểu mô tuyến đại trực tràng. Sau khi góp ý bổ sung thêm phương pháp nghiên cứu và một số ý trong nội dung, hội đồng nghiệm thu nhất trí thông qua đề tài.

Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu đề tài:

DSC03531.JPG

Ban chủ nhiệm đề tài


8-4.JPG

Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài


13.JPG

Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ