SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bản tin Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) tháng 4

[20/04/2016 13:34]

Thông tin thị trường xuất nhập khẩu.

Chính phủ Úc chuẩn bị cấp giấy phép nhập khẩu cho xoài Việt Nam

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc, Chính phủ nước này đang hoàn tất cả thủ tục cuối cùng để cấp giấy phép nhập khẩu cho xoài Việt Nam. Nếu được cấp phép, đây sẽ là loại trái cây thứ hai của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường này.

54_0505_jpg.jpg

Để chuẩn bị cho trái xoài Việt Nam sớm có mặt tại thị trường Úc ngay sau khi được cấp phép, hàng loạt các hoạt động nghiên cứu thị trường, vận động, kết nối doanh nghiệp được các cơ quan đại diện Việt Nam ở Úc triển khai.

Chúng ta có lợi thế là dù người Việt ở khu vực lãnh thổ Bắc Úc rất ít, chỉ khoảng 900 người, song lại cung cấp 30% nguồn trái cây nhiệt đới và rau quả cho toàn nước Úc. Đối với mặt hàng xoài, Bắc Úc chiếm 50% sản lượng của nước Úc, trong đó sản lượng từ các nông trang của bà con việt kiều chiếm hơn 50% sản lượng toàn Bắc Úc. Năm 2013, Hội Nông gia Việt Nam Bắc Úc đã ra mắt tập hợp hơn 100 hộ nông gia người Việt. Với bản tính cần cù và sáng tạo, người Việt ở đây đã xây dựng và tạo dựng chỗ đứng cho cây xoài Việt Nam. Điều đặc biệt nhất là các sản phẩm trái cây sau thu hoạch đều đóng gói mang thương hiệu Việt. Ví dụ như "Vina Mango and T.V Farms”, "Bình Dương Farm”, "Sài Gòn Farm”...

Ngày 4/4/2016, bên lề chuyến thăm Bắc Úc của các đại sứ ASEAN, Đại sứ Lương Thanh Nghị và Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc Nguyễn Thị Hoàng Thuý đã có buổi làm việc với Ban chấp hành Hội Nông gia Việt Nam tại Bắc Úc. Do cung cấp một lượng lớn xoài cho thị trường nên Hội đã có một mạng lưới phân phối tiêu thụ xoài trên toàn nước Úc. Với sự cam kết hỗ trợ của Hội trong việc nhập khẩu và phân phối xoài trái vụ từ Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng xoài Việt sẽ có chỗ đứng trên thị trường khó tính này.

Thương vụ Việt Nam tại Australia

Nguồn: vietnamexport.com

 

 Kháng sinh “ngăn” hội nhập

Trong hàng chục năm qua, thủy sản Việt Nam đã vào được nhiều thị trường trên thế giới, thế nhưng, sản phẩm của Việt Nam luôn phải cạnh tranh rất gay gắt để trụ vững. Không phải sản phẩm của chúng ta không ngon, mà là an toàn thực phẩm, khi vấn đề kháng sinh đang nhức nhối.

160405_-_khang_sinh_ngan_hoi_nhap.anh_.jpg

Không còn lo thuế suất

Có thể nói, từ những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà khoa học Việt Nam đã cho sinh sản được cá tra, basa, qua đó làm chủ được nguồn cung cấp giống, không còn phụ thuộc vào tự nhiên, ngành thủy sản Việt Nam bắt đầu bước qua một diện mạo mới, thế giới có thêm mặt hàng fillet cá tra trong các siêu thị. Cũng chính nhờ có con cá tra mà lần đầu tiên, công chúng mới biết và làm quen với cụm từ “thuế bán phá giá”, nhờ con tôm mà chúng ta mới biết đến khái niệm “thuế chống trợ cấp”.

Thực tế, dù thế giới đang sống trong thời đại toàn cầu hóa nhưng quốc gia nào cũng có những chính sách để bảo hộ cho sản xuất trong nước, dù đó là một nước nghèo ở châu Á, châu Phi hay cường quốc như Mỹ, Nhật… Do vậy, ở một khía cạnh nào đó, thuế bán phá giá hay thuế chống trợ cấp thực chất là một hình thức của những nước như Mỹ đưa ra để bảo hộ cho sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, các loại thuế này không “giết chết” con cá tra, con tôm của Việt Nam mà còn giúp hai mặt hàng này được thế giới biết nhiều hơn. Bằng chứng, dù là nước đưa ra và đang áp dụng cho hai sản phẩm trên; nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ không giảm mà còn tăng lên. Cùng đó, trong tương lai, thuế không phải là rào cản đối với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Đơn giản, trong hầu hết những hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia ký kết với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ… và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngay trong các phiên đàm phán đã có nhiều ý kiến đưa ra rằng, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi thế để mở rộng thị trường, thị phần nhờ thuế suất giảm.

Vậy, đâu là rào cản ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay? Đó chính là hàng rào kỹ thuật, là vấn đề an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh.

Mà lại vấp từ kháng sinh

Trong những năm qua, vấn đề kháng sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm đã tốn không ít giấy mực của truyền thống trong nước và quốc tế. Khi hàng loạt sản phẩm nông sản của Việt Nam, trong đó có thủy sản bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh và bị từ chối tại không ít thị trường.

Cá tra Việt Nam từng bị “tạm ngưng nhập khẩu” vào Nga vì những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Trong khoảng thời gian đó, Bộ NN&PTNT phải vào cuộc quyết liệt. Cuối cùng, cá tra Việt Nam được xuất khẩu trở lại nhưng thiệt hại kinh tế từ vấn đề này không thể tính bằng “số hợp đồng” đã mất mà quan trọng hơn, uy tín, thương hiệu thủy sản Việt Nam ở một khía cạnh nào đó đã bị ảnh hưởng ít nhiều.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương, Nga là thị trường không quá khó tính với cá tra Việt Nam vì không chỉ fillet cá tra màu trắng mà cả màu vàng (do người nuôi cho ăn nhiều bắp) nhiều thị trường khác từ chối mua, vẫn có thể bán được giá tại Nga. Có thể người tiêu dùng Nga dễ tính nhưng Chính phủ Nga không dễ tính chút nào nên mới có chuyện cá tra Việt Nam bị tạm ngưng nhập khẩu vào thị trường này do không đáp ứng được tiêu chí an toàn thực phẩm.

Đối với Nhật Bản, thị trường xuất khẩu thủy sản truyền thống và cũng là một trong ba thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Việt Nam. Điều dễ thấy, từ nhiều năm nay, phía Nhật chẳng bao giờ làm căng với con tôm Việt Nam trong việc kiện tụng liên quan đến thuế chống trợ cấp như người Mỹ thích dùng để bảo vệ ngành đánh bắt tôm nội địa. Người Nhật dùng một vũ khí để bảo vệ người tiêu dùng trong nước, chính là rào cản kỹ thuật, bằng việc đưa ra những quy định về hàm lượng kháng sinh có trong thủy sản, cụ thể là ở con tôm. Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), đối với thị trường Nhật, những lô hàng bị cảnh báo thường liên quan đến kháng sinh cấm sử dụng và kháng sinh hạn chế sử dụng.

Tuy nhiên, một điều khiến doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cảm thấy “bị đối xử phân biệt” là phía Nhật đưa ra những tiêu chí về hàm lượng các chất kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng quá thấp, thấp hơn mức trung bình của Mỹ hay EU. “Tôi thấy, Nhật Bản điều chỉnh tiêu chí hàm lượng các chất kháng sinh cấm thường căn cứ trên thiết bị phân tích, nghĩa là hôm nay họ quy định chất kháng sinh A phải có hàm lượng tối thiểu là một phần nghìn nhưng ngày mai trên thị trường có một thiết bị mới, phân tích được kháng sinh có hàm lượng thấp hơn, họ sẽ có xu hướng điều chỉnh theo”, giám đốc một doanh nghiệp thủy sản cho biết.

Trong bối cảnh hiện nay, khi thuế quan không còn là rào cản, các quốc gia nhập khẩu thủy sản Việt Nam chỉ còn viện dẫn vào hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng sẽ ngày một nhiều hơn. Điều này, yêu cầu các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần minh bạch và chú trọng đến chất lượng sản phẩm khi đưa ra xuất khẩu.

Nguồn: Trungtamwto.vn

 

Lo ngại bệnh đốm trắng, tôm Việt bị “cấm cửa” tại Ả-rập-Xê-ú́t

Mới đây, Tổng cục Thuốc và Thực phẩm Ả-rập-Xê-út đã thông báo tạm thời không thông quan các lô hàng tôm tươi, làm lạnh, đông lạnh có nguồn gốc từ Việt Nam.Động thái này căn cứ từ báo cáo của Tổ chức sức khỏe động vật thế giới (OIE) đề cập đến việc xuất hiện bệnh đốm trắng ở tôm có xuất xứ từ Việt Nam.

tom.jpg

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT, việc tạm ngừng thông quan này sẽ được dỡ bỏ khi các điều kiện thú y được đảm bảo.

Cụ thể, theo thông báo của Cơ quan thẩm quyền Ả-rập-Xê-út, chỉ có các sản phẩm tôm đáp ứng các điều kiện sau mới được tiếp tục cho phép thông quan vào thị trường này.
        - Thứ nhất, các lô hàng tôm đã được bóc đầu, vỏ (trừ phần đốt đuôi) sẽ được kiểm tra cảm quan và lấy mẫu xét nghiệm.

        - Thứ hai, các lô hàng tôm đã được chế biến để tiêu dùng trực tiếp (đã được nấu chín).
        - Thứ ba, các lô hàng tôm đã được xử lý nhiệt theo quy định tại điều 9.6.3 Bộ Quy tắc về sức khỏe động vật thủy sản. 

Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Nafiqad cho biết: Hiện nay, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đang tiến hành liên hệ, trao đổi các nội dung cần thiết với Cơ quan thẩm quyền Ả-rập-Xê-út về cơ sở của việc đưa ra các biện pháp kiểm soát này. 

Để tránh vướng mắc trong quá trình xuất khẩu tôm vào thị trường Ả-rập-Xê-út, Nafqiad đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các biện pháp kiểm soát nêu trên, chủ động trao đổi với nhà nhập khẩu để thiết lập các biện pháp kiểm soát phù hợp nhằm tránh các vướng mắc khi xuất khẩu tôm.

Thanh Nguyễn

Nguồn: Baohaiquan.vn

 (Để có nội dung đầy đủ các thông báo của các nước thành viên WTO, Quý bạn đọc có thể truy cập vào địa chỉ Portal của Văn phòng TBT Việt Nam: http://www.tbtvn.org)

                                    Mọi góp ý đối với các dự thảo trên xin gửi về:

                                    Văn phòng TBT Cần Thơ

                                Số 02 Lý Thường Kiệt, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

                                    Email: tbtcantho@tbtvn.org

                                    Điện thoại: 07102 246 066

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ