Hội thảo triển khai đề tài “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý Đồng bằng sông Cửu Long (MGIS)”
Nhằm tiếp thu các ý kiến đóng góp để tìm ra các giải pháp khả thi trong thực hiện đề tài cấp Nhà nước về xây dựng hệ thống thông tin địa lý Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 20/5/2015, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp cùng Trung tâm Địa - Tin học, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo triển khai đề tài “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý Đồng bằng sông Cửu Long (MGIS)” tại Cần Thơ.
Nhằm tiếp thu các ý kiến đóng góp để tìm ra các giải pháp
khả thi trong thực hiện đề tài cấp Nhà nước về xây dựng hệ thống thông tin địa
lý Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 20/5/2015, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp
cùng Trung tâm Địa - Tin học, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội
thảo triển khai đề tài “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý Đồng bằng sông Cửu
Long (MGIS)” tại Cần Thơ.
Mục tiêu của đề tài nhằm phục vụ quản lý hiệu quả diễn biến
tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai, cung cấp thông tin nhanh,
chính xác và góp phần tạo các giải pháp phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ. Đề
tài được tiến hành theo 2 giai đoạn: trong giai đoạn 1 (2015 – 2017), MGIS sẽ
được triển khai ở 3 tỉnh, thành Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang; từ đó, tạo nền tảng
để kết nối mở rộng và tích hợp dữ liệu của các tỉnh còn lại để hình thành MGIS trong
giai đoạn 2 (2017 – 2019). Đề tài dự kiến sẽ tạo ra nhiều sản phẩm khoa học
công nghệ hữu ích, trong đó có: bộ tài liệu thiết kế và hướng dẫn triển khai hệ
thống MGIS; cơ sở dữ liệu cấp vùng Tây Nam Bộ; cơ sở dữ liệu GIS cho Tp. Cần
Thơ, tỉnh Vĩnh Long và An Giang; phần mềm quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu GIS;
chương trình WebGIS phục vụ công tác quản lý cấp vùng; nguồn nhân lực ứng dụng
và khai thác vận hành hệ thống MGIS.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các
Sở, Ban, Ngành đều thống nhất cho rằng MGIS là một trong những vấn đề cấp thiết
cần phải triển khai. Các đại biểu cũng thảo luận, đóng góp các ý kiến, như: vấn
đề tài nguyên nước và sạt lở bờ sông nên nghiên cứu sâu hơn; cơ chế vận hành, cập
nhật thông tin, sử dụng thông tin nên có sự chuẩn hóa, pháp lí hóa; phân rõ
nghĩa vụ và trách nhiệm của các tỉnh khi phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và
Ban chủ nhiệm đề tài để đạt được kết quả tốt.
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được chuyển giao cho Ban
Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các Sở, Ban, Ngành của 3 tỉnh, thành Cần Thơ, Vĩnh Long, An
Giang trong giai đoạn 1 và các tỉnh còn lại trong giai đoạn 2, góp phần phát triển
bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo
Đại biểu tham dự Hội thảo
Đại biểu tham dự Hội thảo
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu – Nguyên Viện trưởng Viện
Hàn lâm KH&CN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ông Trần Ngọc Nguyên – Giám đốc Sở Khoa học và Công
nghệ thành phố Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo
Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách Kinh tế, Ban Chỉ
đạo Tây Nam Bộ phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự
Hội thảo chụp hình lưu niệm