SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hóa chất ăn mòn niềm tin

[03/06/2016 10:50]

"Ngày trước người ta đua nhau nghiên cứu các loại kháng sinh, bây giờ thì đua nhau tìm thuốc chữa ung thư, vì có lẽ tiêm vào thực phẩm hết rồi”.

Theo số liệu từ Chi cục QLTT TPHCM, tại khu vực chợ Kim Biên, trong quý 1/2016, QLTT TP đã kiểm tra 19 vụ thì 15 vụ vi phạm.

Trong đó nhiều nhất là kinh doanh hóa chất nhập lậu chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc; hóa chất hết hạn sử dụng, vi phạm quy định nhãn mác..., xử phạt với tổng số tiền 187 triệu đồng.

Theo báo Tiền Phong: “Lo lắng lớn nhất của Ban chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, chính là nguy cơ tồn dư lượng kháng sinh và chất cấm trong các sản phẩm thịt. Tỷ lệ bình quân tồn dư kháng sinh trong các mẫu thịt được xét nghiệm từ 2013-2015 là 27%. Ngoài ra, trong năm 2015, ghi nhận gần 6% cơ sở sử dụng chất cấm nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi”.

Cục quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản – Bộ NN&PTNT cũng đã công bố thống kê từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2015, gần 32.000 tấn thủy sản VN xuất khẩu đi các nước bị trả về vì có dư lượng chất kháng sinh vượt mức cho phép, đóng sai quy cách… và kinh khủng là, lượng hàng bị trả về đó lập tức được cho tiêu thụ trong nước và xuất đi các thị trường khác.

Một trong những từ gây ám ảnh nhất của người dân hôm nay khi đối mặt với thực phẩm bẩn hiện đang tràn lan trên thị trường là hai từ “Hóa chất” bị lạm dụng.

Ngay cả nhà chức trách cũng thừa nhận sự yếu kém trong quản lý, thừa nhận sự yếu kém của những nhân lực có chuyên môn và trách nhiệm trong việc xử lý các thực phẩm bẩn với những bài kiểm tra thông thường về dư lượng cho phép, vượt phép và độc hại đến mức nào.

Bên cạnh đó,  chính sự lạm dụng trong quá trình kinh doanh bẩn vì hám lợi của thương buôn đã thúc đẩy họ sử dụng nó vượt mức cho phép.

Không phải vô tình mà họ làm hại đến sức khỏe người khác, họ biết mà vẫn làm vì họ cho rằng, túi tiền của họ quan trọng hơn mạng sống, với cả chính họ.

Nhà báo Lê Văn Nghĩa viết trong bài "Tuổi thơ đầy hóa chất": “Bây giờ xã hội quá ‘tấn bộ’, người buôn bán thức ăn ở cửa hàng nhỏ hoặc buôn gánh bán bưng thì cũng biết sử dụng một gói nho nhỏ gì đó bỏ trong nồi thức ăn bán cho khách của mình".

"Một nông gia biết ‘chơi’ dầu nhớt vào rau muống cho nó xanh um, bán được giá, một nhà trồng trọt biết bơm thuốc cho sầu riêng, mít, chuối mau chín…

Ôi, người dân của đất nước tôi, chỉ cần nhanh chóng thu hoạch, bán được giá, kiếm lời nhiều, nhanh là có thể trở thành nhà …hóa học từ những gói nho nhỏ có chữ Tàu.

Đi ngang những ngôi trường tiểu học, tôi thấy những xe cá viên, bò viên được làm từ thịt cũ, ôi trộn hóa chất khử mùi tanh rồi chiên bằng dầu tái chế.

Thấy các em ăn ngon lành những dĩa nuôi xào vàng khè vì bột màu công nghiệp, những đùi gà chiên có đảm bảo là tươi ngon hay chỉ là gà được nuôi bằng hóa chất nhập lậu.

Tôi đã có dịp vào bệnh viện Ung Bướu TPHCM, nhìn những đứa trẻ bị ung thư đủ loại, những người đủ hạng tuổi, ở đủ mọi nơi la liệt trong cái bệnh viện đang gánh nặng hậu quả của hóa chất nầy thì nghĩ mà thương cho tuổi thơ đầy hóa chất từ trong nhà ra ngoài phố chợ”.

Khi tôi nghĩ về những sản phẩm của người Nhật, điều thèm muốn nhất của tôi với họ chính là ý nghĩ doanh nghiệp của Nhật làm những gì tốt nhất cho người dân Nhật dùng.

Xưa nay, người ta săn lùng đồ Nhật, thậm chí còn truyền tai nhau rằng, mua đồ "nội địa" (đổ sản xuất tại Nhật cho dân Nhật dùng trong nước họ) là tốt nhất, hơn cả đồ họ xuất khẩu.

Tạo dựng được niềm tin như vậy họ đã làm gì?

Còn chúng ta ở đây, ngày hôm nay của thế kỷ 21 vẫn chỉ vùng vẫy trong vùng bùn của nỗi lo sợ bị lừa dối, bị đầu độc bởi thực phẩm bẩn của chính các doanh nghiệp bẩn, người buôn bán bẩn trong nước hại nhau?

Trong câu chuyện cà phê sáng nay của nhóm bạn, một anh bạn tình cờ có nhắc đến một nhà khoa học hiện đang chuyên nghiên cứu sản xuất thuốc trị ung thư, đã tâm sự rằng: “Tôi làm việc này vừa vui vừa buồn. Vui vì bào chế thuốc thành công, buồn vì nghĩ đến lý do mà mình làm, bệnh nhân ung thư ngày càng đông mà với đời sống ô nhiễm thế này thì không còn có thể phòng chống mà chỉ không biết ngày nào mình sẽ nhiễm bệnh mà thôi”.

Người bạn kể xong và nhận xét: "Ngày trước người ta đua nhau nghiên cứu các loại kháng sinh, bây giờ thì đua nhau tìm thuốc chữa ung thư, vì có lẽ tiêm vào thực phẩm hết rồi”.

Nhưng, ở một góc khác của thị trường đua chen ấy, những Phiên chợ Xanh tử tế, những người nông dân bắt đầu làm quen với một qui trình mới để trồng rau sạch.

Những người kỹ sư nông lâm trẻ bắt đầu ý thức về sức khỏe của gia đình mình, những doanh nghiệp mà người đứng đầu luôn ý thức về sống xanh cho toàn cầu.

Những người làm truyền thông bắt đầu tìm cách đưa những thông tin minh bạch cho người dân về thực phẩm sạch… có thể mọi thứ đang lặng lẽ diễn ra và sẽ dần dần đẩy lùi đám mây mù của sản phẩm bẩn.

Nhưng có lẽ hơn lúc nào hết, chính những người tiêu dùng chân thật, mạnh mẽ, dũng cảm sẽ cất tiếng nói, để nói ‘không’ với sản phẩm bẩn, hành động thật sự dù chỉ là một cử chỉ rất nhỏ: dứt khoát không mua khi hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ hay chưa được kiểm định chất lượng.

Bảo vệ sự trong sạch của bữa cơm gia đình, chính là bảo vệ cho môi trường kinh doanh trong sạch cho nền kinh tế của đất nước phát triển thật sự.

www.vietq.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ