Bình Định - điểm đến của các nhà khoa học đỉnh cao quốc tế
Gặp gỡ Việt Nam cùng với sự ra đời của Trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục, Bình Định sẽ là "điểm hẹn" hấp dẫn cho các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Năm
ngoái, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương
hữu nghị cho Giáo sư Lê Kim Ngọc và Giáo sư Trần Thanh Vân (bên phải ngoài
cùng), ghi nhận cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em hơn 40 năm
qua của hai người. Ảnh: VOV.
Chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" diễn ra tại
Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) thành phố Quy Nhơn,
Bình Định, từ 26/6 đến 17/12, với sự tham gia của hơn 1.600 đại biểu, trong đó
có 6 giáo sư đạt giải Nobel, một giáo sư đạt huy chương Fields cùng nhiều nhà
khoa học danh tiếng.
Từ 'Gặp gỡ Moriond' đến
'Gặp gỡ Việt Nam'
Cách đây nửa thế kỷ, ông Trần Thanh Vân, tiến sĩ khoa học
vật lý gốc Việt sống ở Pháp mới 30 tuổi đã nảy ra ý tưởng không tổ chức hội nghị
khoa học thông thường mà muốn tạo ra một mô hình mới - những cuộc gặp gỡ. Mô
hình này sẽ ở nơi yên tĩnh, mọi người cùng ở một nơi, cùng đi trượt tuyết, đi dạo
thì mối quan hệ giữa các nhà vật lý - dù là người đã đoạt giải Nobel hay chỉ là
tiến sĩ trẻ - đều dễ cởi mở, thoải mái và mang tính nhân văn.
"Gặp gỡ Moriond" đầu tiên được tổ chức năm 1966
tại làng Moriond bên dãy núi Alpes, Pháp. Cuộc gặp này tập hợp khoảng 20 nhà vật
lý trẻ từ Pháp, Đức và Itlay, phần lớn đến từ Đại học Paris XI ở Oray. Buổi
sáng mọi người họp nghe thông báo và tranh luận về vật lý lý thuyết và vật lý
thực nghiệm; buổi chiều từ 13h đến 16h đi trượt tuyết, kết hợp nghiên cứu khoa
học và thể thao du lịch.
Sau đó, nhóm các nhà khoa học lại họp đến 20h. Sau bữa ăn
tối, họ giao lưu khoa học hay chơi đàn guitar, violin. Ngày đó, chưa đủ tiền
thuê khách sạn, giáo sư Vân và các bạn tự đi chợ mua thực phẩm, tự nấu ăn và
thuê nhà trọ.
Với mong muốn góp phần cho nền khoa học nước nhà, năm
1993, giáo sư Trần Thanh Vân đã sáng lập "Gặp gỡ Việt Nam". Tại đây
các nhà khoa học trẻ có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với các nhà khoa học có nhiều
kinh nghiệm để học hỏi, tạo ra những kết nối hợp tác trong nghiên cứu khoa học.
Vì sao chọn Bình Định
Nếu "Gặp gỡ Moriond" được tổ chức ở địa điểm hẻo
lánh để tập hợp những người yêu và đam mê khoa học thật sự, sẵn sàng bỏ hoàn
toàn thời gian dự hội nghị và trao đổi, thì việc chọn Bình Định là nơi "Gặp
gỡ Việt Nam" cũng như vậy.
Giáo sư Trần Thanh Vân chọn Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng
(Quy Nhơn) - thuộc tỉnh miền Trung chưa phát triển nhiều bởi không quá xa trung
tâm thành phố, nhưng lại có tính biệt lập tương đối để các nhà khoa học có không
gian riêng và chuyên tâm vào khoa học, thay vì đi thăm thú.
"Nếu tổ chức hội thảo khoa học ở Hà Nội, TP HCM hay
các thành phố lớn khác ở Việt Nam thì đã có nhiều cơ quan, tổ chức làm rồi. Mục
tiêu của Gặp gỡ Việt Nam là giúp cho sự phát triển khoa học và giáo dục ở những
nơi chưa phát triển", giáo sư Vân giải thích.
Bên cạnh đó, việc đưa các hội nghị khoa học quốc tế đỉnh
cao về Quy Nhơn, Bình Định là một cách để khuyến khích phát triển khoa học,
giáo dục ở các tỉnh lẻ. Trước khi chọn Bình Định, giáo sư Vân đã khảo sát
và trao đổi với nhiều địa phương, nhưng ông đặc biệt cảm mến và đánh giá cao sự
tâm huyết, hiểu tầm quan trọng của dự án từ các nhà lãnh đạo tỉnh Bình Định, nhất
là nguyên Bí thư tỉnh ủy Vũ Hoàng Hà thời điểm đó.
"Chúng tôi thật may mắn khi được chọn làm nơi tổ chức
và gặp gỡ của các nhà khoa học trên thế giới", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định từng
nói.
Các dự án khoa học giáo
dục
Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE)
do giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập và điều hành được khánh thành năm 2013, với
mức đầu tư 6 triệu USD. Đây là tâm huyết, ước mơ ấp ủ 50 năm của giáo sư.
Trung tâm có chức năng giao lưu trao đổi, chuyển giao
khoa học công nghệ giữa Việt nam và các nước, tổ chức đào tạo chuyên ngành,
cung cấp các dịch vụ khoa học công nghệ và dịch vụ liên quan.
Những năm qua trung tâm đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học
với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều người
đạt giải Nobel. Trung tâm đã trở thành "hạt nhân" phát triển khoa học
và là điểm đến của các nhà khoa học thế giới.
|
Trung tâm quốc tế khoa học và
giáo dục liên ngành (ICISE). |
Dựa trên nền tảng này, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã đề nghị
Bình Định tiếp tục đầu tư phát triển khoa học hướng đến đại chúng, đặc biệt là
trẻ em. Một trong bước đi đầu tiên chính là dự án thành lập Tổ hợp không gian
khoa học. Dự án đã được Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Đây sẽ
là không gian khám phá khoa học cho trẻ em và công chúng, đưa khoa học đến đại
chúng và khơi gợi niềm đam mê khoa học, sáng tạo tuổi trẻ. Tổ hợp khoa học
sẽ phát triển thành khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa, bên cạnh trung
tâm ICISE.
Tỉnh Bình Định cũng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Viện
toán cao cấp ứng dụng do giáo sư Ngô Bảo châu khởi xướng.
Với tâm huyết của giáo sư Vân và sự ủng hộ của lãnh đạo địa
phương, Bình Định hứa hẹn trở thành điểm gặp gỡ và giao lưu khoa học chất lượng
cao không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực.