Sự vinh danh còn quan trọng hơn tiền bạc
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (trường Đại học KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội có lẽ là một trong những trường đại học đầu tiên trên cả nước hỗ trợ, vinh danh các công bố quốc tế từ năm 2010. Tia Sáng đã có buổi trao đổi với PGS. TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội để hiểu được khó khăn trong việc thay đổi nhận thức của các nhà khoa học về vấn đề này.
PGS. TS. Phạm Quang Minh. Ảnh: Hảo Linh.
Thưa ông, trong bối cảnh có nhiều ý kiến cho rằng
công bố quốc tế là không cần thiết hoặc rất khó vì đặc thù về chính trị, văn
hóa, lịch sử của Việt Nam có nhiều khác biệt so với các nước phương Tây, tại
sao Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và trường Đại học KHXH&NV nói riêng lại
khuyến khích điều này?
Có lẽ nguyên nhân chủ yếu
là do sự hội nhập của Việt Nam trong khoa học và giáo dục cho đến nay đều còn rất
khiêm tốn. Thế giới hầu như chỉ biết đến Việt Nam qua các nhà khoa học nước
ngoài. Chẳng hạn, hằng năm, các nhà xuất bản, đại học trên thế giới bình chọn
các công trình xuất sắc liên quan đến lịch sử Việt Nam thì không bao giờ có một
công trình của học giả Việt Nam xuất hiện ở đấy cả, vì sao? Vì thứ nhất, chúng
ta không có công trình tốt; thứ hai, chúng ta chủ yếu công bố ở trong nước thì
ai người ta biết được? Ngược lại, người Việt Nam cũng biết rất ít về các công
trình của các nhà khoa học nước ngoài.
Như vậy, mục đích của
chính sách này là để tăng cường sự hiện diện, sự hiểu biết về Việt Nam trên trường
quốc tế cũng như tạo sự giao lưu và qua đó có thể giúp cho sự phát triển của đất
nước.
Các nhà khoa học thuộc câu lạc bộ Nhà khoa học
ĐHQG được “thưởng” cho mỗi công bố quốc tế từ 15-25 triệu với điều kiện các tạp
chí phải nằm trong cơ sở dữ liệu ISI hoặc Scopus và mức thưởng phụ thuộc vào xếp
hạng của tạp chí từ Q1-Q4 theo bảng xếp hạng SCImago. Vậy Đại học KHXH&NV
có chính sách thưởng riêng hay không?
Bên cạnh hỗ trợ của ĐHQG
Hà Nội, trường Đại học KHXH&NV cũng vẫn thưởng cho các cán bộ của mình theo
cách thức: nếu có bài công bố ISI được 12 triệu, Scopus được 8 triệu, nếu xuất
bản một chương sách thì chỉ được 4 triệu và với bài tạp chí không nằm trong
danh mục ISI hoặc Scopus được 5 triệu. Chính sách này được trường thực hiện từ
năm 2010, trước cả ĐHQG HN (2013).
Ngoài ra, Trường còn hỗ
trợ về mặt dịch thuật: nếu các cán bộ có một quyển sách hay các bài báo tốt, bằng
Tiếng Việt cũng được. [Chúng tôi sẽ] tập hợp lại, gửi lên Phòng Quản lý Khoa học,
xem xét và dịch, sẽ có điều chỉnh thay đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế và
in thành ấn phẩm theo chủ đề. Chính sách này thực hiện từ năm 2013, dự định là
mỗi năm một cuốn. Đến nay nhà trường đã có hai ấn phẩm, một là cuốn sách của
GS.TS Nguyễn Văn Khánh về Việt Nam Quốc dân Đảng, được Nhà Xuất bản Springer xuất
bản, hai là một tuyển tập 11 bài viết về lịch sử và biến đổi ở Việt Nam được xuất
bản ở CHLB Đức. Mục tiêu của nhà trường là phải xuất bản các chuyên đề này ở
các nhà xuất bản có uy tín, đỉnh cao ví dụ như Routledge, Macmillan, Springer,
Elsevier... Nhà trường mới có điều kiện làm được như vậy chứ các cán bộ thì ít
có điều kiện để liên lạc, đúng không?
Xin ông cho biết, quá trình hỗ trợ dịch thuật
được tiến hành như thế nào?
Ngay từ khi Phòng Quản lý
Khoa học tập hợp các bài viết, trường đã phải lập hội đồng phản biện gồm các
chuyên gia trong lĩnh vực đó. Mấy chục bài nhưng cuối cùng chỉ chọn được 11 bài
và cũng phải sắp xếp theo nội dung, chủ đề.
Sau khi nhà xuất bản chấp
nhận, họ cũng mời ba chuyên gia phản biện độc lập. Chẳng hạn với cuốn sách của
GS. Nguyễn Văn Khánh, tôi là một trong ba người được họ mời viết nhận xét cùng
với hai học giả khác là GS. Marc Gilbert (Mỹ), nguyên Chủ tịch hội sử học thế
giới và GS.David Marr (Úc), chuyên gia số một thế giới về lịch sử Việt Nam.
Vậy chính sách khuyến khích công bố quốc tế
khi ra đời có gặp khó khăn, mà cụ thể là sự phản đối của những người chưa từng
công bố quốc tế không?
Khó khăn nhiều lắm. Khó
khăn lớn nhất là nhận thức. Một số người cho rằng “không cần. Tôi cứ công bố ở
Việt Nam là được, cần gì phải công bố quốc tế”. Thứ hai, một số khác lại cho rằng
KHXH&NV có những vấn đề nhạy cảm, quan điểm của Việt Nam khác với phương
Tây, kiểu như “công bố như thế thì lộ bí mật quốc gia”. [Tôi vẫn nói] “Ai có
bài nhạy cảm đưa tôi, để tôi xem có thực sự nhạy cảm không? Rồi có số liệu nào
làm lộ bí mật quốc gia? Có lộ thật sự không hay là người ta đã biết tỏng từ bao
đời rồi?” Đó là một cách bao biện.
Thứ ba, quan niệm sai nữa
là [có người cho rằng] công bố trong lĩnh vực khoa học XH&NV thì khó hơn
khoa học tự nhiên (KHTN), có đúng một phần nhưng chủ yếu là mình không có bài đủ
chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Các nghiên cứu của ta ở một trình độ
không hội nhập, cứ nói những câu chuyện lạc điệu với quốc tế. Một là nói khoa
trương, không có căn cứ, tán là chính. Ví dụ như nói: “Trung Quốc là hay hung
hăng lắm”, kiểu nói như thế không bao giờ nói chuyện được với quốc tế cả.
Thứ tư là không có phương
pháp, không có lý thuyết, dẫn đến tình trạng của mình hoặc cứ đi mô tả những sự
kiện “li ti”, không thể từ đó khái quát được. Một học giả nước ngoài nghiên cứu
về một làng rồi khái quát thành vấn đề lớn còn mình mô tả theo kiểu, làng này nằm
ở phía Tây Nam Hà Nội, cách bao nhiêu mét đường chim bay, có bao nhiêu người, rộng
bao nhiêu hecta… Cái đấy người ta không cần vì có thể tra cứu ở bất kì đâu.
Thứ năm là không có tổng
quan về tình hình nghiên cứu, chẳng hạn nghiên cứu về vấn đề đó, không biết người
trước làm gì, không biết những ai làm gì. Chỉ ngồi đây thì biết làm sao
được? Bởi vì trên thế giới, những nhà nghiên cứu là họ đã có mạng lưới rồi,
“buôn có bạn bán có phường”, họ thường xuyên chỉ đọc một số tạp chí nào đó, họ
chia sẻ thảo luận chung về những vấn đề nào đó. Nếu tự nhiên vấn đề mình nói có
sự kết nối với chủ đề mà người ta đang thảo luận thì sẽ được chú ý ngay. Nhưng
khổ nỗi, mình viết bằng Tiếng Việt và nói theo cái suy nghĩ rất chủ quan của
mình.
Người
Việt Nam mình lạc lõng trong thế giới này, không chỉ trong vấn đề khoa học
đâu. Tôi nói thực. Là do một thời gian dài mình bị cô lập, do mình bị đào tạo
trong một môi trường quá khuôn mẫu và áp đặt, nên các cá nhân ở Việt Nam
không biết mình là ai, không dám nói cái suy nghĩ của mình. Mình thiếu sự tự
do học thuật. Những người thuộc dạng xông xáo nhất trong ngành KHXH&NV,
khi đi ra thế giới đôi lúc mình còn thấy choáng ngợp hoặc còn cảm thấy lạc
lõng, thế thì những người chưa từng một lần [liên kết với quốc tế] thì làm
sao nói được câu chuyện của họ?
|
Vậy với vai trò là người quản lý, đứng giữa
hai luồng xu hướng, một là cho rằng cần phải thúc đẩy công bố quốc tế và một là
bao biện, vậy ông có cách giải quyết nào để gạt đi sự bao biện đấy?
Phải làm công tác tư tưởng
thôi. Mình phải “kích động”, ví dụ: “Các thầy đưa bài nào ra mà các tạp chí
trong nước họ chả đăng. Nhưng cái đấy nó thường quá. Thầy phải vượt lên trên
cái biên giới của mình, thầy phải đi đây đi đó, thầy phải chia sẻ quan điểm của
mình.” Tôi cứ nói với các thầy là “Bên ngoài họ hiểu sai Việt Nam, Việt Nam
không có tiếng nói của các thầy, rồi chúng tôi có thưởng, có hỗ trợ đây. Thầy
có bài đưa đây, chúng tôi dịch cho, chúng tôi tập hợp chúng tôi giới thiệu.” Thực
ra đến bây giờ đi đâu tôi cũng nhấn mạnh đến công bố quốc tế nên nhận thức của mọi
người đã thay đổi. Có lẽ cần phải tiếp tục nữa. Con đường còn rất dài.
Còn với những nhà khoa học
xuất sắc, suy cho cùng, sự vinh danh và ghi nhận về mặt tinh thần quan trọng
hơn tiền bạc. Có phải họ giàu lên vì mấy triệu tiền thưởng đâu? Và họ cũng nói
là cái sự vinh danh và sự ghi nhận của xã hội khiến họ cảm thấy điều họ đang
làm, đang đam mê là quan trọng. Thưởng tiền có quan trọng nhưng không phải quyết
định tất cả.
Việc thực hiện các chính sách có mang lại kết
quả như mong đợi không?
Kết quả rất ấn tượng. Năm
2010 là năm đầu tiên thực hiện, cả trường chỉ có bảy công bố quốc tế thế nhưng
hai năm vừa qua, số lượng công bố quốc tế của trường tăng lên đến 40 công trình
mỗi năm, tức là tăng lên khoảng sáu lần trong sáu năm vừa qua.
Nhưng quan trọng nhất là ở
chỗ nào bây giờ người ta cũng nói đến công bố quốc tế [như một chỉ tiêu đánh
giá năng lực của các nhà khoa học], chứng tỏ là nhận thức của mọi người đã thay
đổi.
Xin cảm ơn ông!