SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản: Báo động “đỏ”

[18/07/2016 15:19]

Chỉ tính riêng trong quý I/2016, có khoảng 31 lô hàng thủy sản xuất khẩu, tuy nhiên có tới 10 lô vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh bị các đối tác như Nhật, Liên minh châu Âu... báo động “đỏ”.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm” diễn ra mới đây, ông Kim Văn Tiêu- Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia - cho biết: Tính từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2015, cả nước đã có gần 32.000 tấn hàng thủy sản bị trả về do nhiễm kháng sinh cấm, vi sinh và các loại tạp chất khác, cũng như vi phạm một số quy định nhập khẩu.

Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), hiện cả nước có hơn 470 DN chế biến thủy sản, trong đó gần 33% tập trung ở khu vực Nam bộ vẫn chưa tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu vệ sinh công nghiệp và thiếu thiết bị kiểm tra vệ sinh an toàn cho sản phẩm. Các chế tài trong kiểm tra, giám sát chưa đủ sức răn đe nhằm hạn chế tái diễn vi phạm từ người nuôi, đại lý thu mua, cơ sở chế biến thức ăn thủy sản, chủ tàu…

Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, trên thực tế, nhiều người nuôi sử dụng kháng sinh không nắm rõ thành phần, tác dụng của thuốc, việc lựa chọn kháng sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Mặt khác, do việc nuôi tôm thẻ chân trắng khó khăn, tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ khoảng 30 - 35% nên người nuôi đã lạm dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh cho tôm. Nhiều cơ sở trộn kháng sinh vào thức ăn liên tục trong thời gian dài, chưa chú ý yêu cầu về thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi bán, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Nhằm hạn chế nạn lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT đã đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi an toàn. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi áp dụng công nghệ sinh học trong mô hình nuôi tôm theo VietGAP.

Ngoài ra, theo ông Kim Văn Tiêu, để kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về lưu thông, phân phối, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ, phát triển và nhân rộng các chuỗi cung cấp thủy sản an toàn…

Để không bị loại khỏi cuộc chơi, nhiều chuyên gia cho rằng, việc nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học hoặc VietGAP là cần thiết.

baocongthuong.com.vn (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ