Giật mình con số gần 1/3 cà phê trên thị trường không có caffeine
Theo khảo sát của Vinastas, có đến hơn 30% cà phê trên thị trường có lượng caffeine rất thấp, lượng cà phê này chủ yếu ở các quán vỉa hè, quán cóc.
Cà phê là thức uống thông dụng, được nhiều người
ưa chuộng ở Việt Nam
Theo những tin tức mới nhất trên báo An Ninh Thủ Đô, trong
tháng 6 và tháng 7/2016, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
(Vinastas) đã thực hiện chương trình khảo sát hàm lượng caffeine trong 253 mẫu
cà phê đen tại 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam gồm: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và
Sóc Trăng.
Mẫu khảo sát được mua ngẫu
nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà
phê khác nhau gồm: Cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc);
căn tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy. Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy, số
mẫu không phát hiện caffeine là 5/253 mẫu (chiếm 1,98%) và chủ yếu ở các tỉnh
phía Nam.
Tuy nhiên, tổng số mẫu cà
phê không phát hiện có caffeine hoặc có lượng caffeine rất thấp, chiếm tới
30,04% trong tổng số 253 mẫu khảo sát. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người
uống cà phê mà không có cà phê. Cà phê mua từ các quán vỉa hè, căn tin bệnh viện
và xe đẩy cho thấy lượng caffeine nhỏ hơn rất nhiều so với các loại hình kinh
doanh khác.
Riêng mẫu mua tại các
quán lớn (nhà lịch sự) cho kết quả 100% số mẫu khảo sát có hàm lượng caffeine lớn
hơn 1000mg/L. Đối với mẫu cà phê mua tại các quán nhỏ và quán cóc, kết quả thử
nghiệm cho thấy số lượng mẫu có hàm lượng caffeine không phát hiện và rất thấp
chiếm 27,7%. Trong khi đó, số mẫu có hàm lượng caffeine không phát hiện và rất
nhỏ trên tổng các mẫu khảo sát mua tại xe đẩy, căn tin bệnh viện và vỉa hè chiếm
tới 47,54%.
Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó
Tổng thư ký Vinastas cho biết: "Đợt khảo sát nhanh này mới đưa ra bức phác
thảo về cà phê đang được những người bình dân uống. Cần có những nghiên cứu về
nhiều chỉ tiêu hơn, ở địa bàn rộng hơn để có bức tranh đầy đủ hơn về cà phê pha
ở Việt Nam, nhất là về chất lượng, vệ sinh an toàn của đồ uống phổ biến
này".
|
Tuy nhiên, tình trạng cà phê giả, cà phê độn
ngũ cốc,… đang khiến người tiêu dùng đặc biệt lo ngại |
Trao đổi với báo Giáo Dục
Việt Nam, theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, hiện nay có hai loại cà phê: Cà phê nguyên chất
100% và cà phê độn ngũ cốc rang cháy. Việc độn đậu nành, bắp rang cháy vào cà
phê hoàn toàn không độc bởi nó cũng tương tự như ăn cơm độn khoai, độn bắp vậy.
“Tuy nhiên nếu người bán
bán cà phê trộn đậu trộn bắp nhưng khẳng định họ bán cà phê nguyên chất 100%
thì đó không còn là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà là vấn đề gian lận
thương mại”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh,
chính thói quen uống cà phê pha sẵn, cà phê bột của người Việt tạo điều kiện
cho gian lận thương mại phát triển vì có nhiều loại ngũ cốc rang lên màu sắc rất
giống cà phê, vị cũng giống cà phê nhưng giá thành lại rẻ hơn cà phê thật rất
nhiều. Mặt khác, thói quen uống vị cà phê đậm đắng pha sẵn tạo điều kiện cho
các cơ sở sản xuất cà phê độn chất thêm phụ gia để phù hợp thị hiếu của người
tiêu dùng.
Để được dùng cà phê
nguyên chất, ông Thịnh cho rằng: Như các nước khác từng áp dụng, tất cả người
bán cà phê nên được khuyến khích bán cà phê hạt đã rang, người mua có thể dễ
dàng xác định đó có phải là cà phê thật hay không và xem quá trình rang xay tại
chỗ. Áp dụng cách thức này sẽ tránh việc độn ngô, đậu nành vào, đảm bảo cà phê
nguyên chất 100%. Nếu có lừa thì người bán chỉ lừa được những người uống cà phê
tách ngoài đường.
|
Cà phê kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến
sức khỏe mà còn gây thiệt hại về kinh tế |
“Đối với doanh nghiệp lớn, thì
giải pháp đầu tiên là tự khai. Chi cục tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu doanh nghiệp
kê khai, đóng dấu là sử dụng hay không cà phê 100%, sau đó sẽ sử dụng tiêu chuẩn
kỹ thuật để kiểm tra xem doanh nghiệp có gian lận hay không và công bố công
khai trước người tiêu dùng. Nếu sai thì tố cáo trước công chúng và cảnh cáo các
doanh nghiệp gian lận”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Từ phân tích của PGS.TS
Nguyễn Duy Thịnh đặt ra vai trò minh bạch hàm lượng caffein trong các sản phẩm
cà phê có mặt trên thị trường là rất lớn. Bởi không chỉ liên quan đến sức khỏe
mà người tiêu dùng cần được sử dụng sản phẩm đúng với chất lượng và giá trị thực
sự của nó.