Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ cần lưu ý gì?
Sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hàng loạt chiến dịch trấn áp mạnh mẽ nhằm loại bỏ những thành phần có liên hệ với phong trào Gulen. Đối tượng bị bắt giữ là thành viên hoặc có liên hệ với Tổ chức khủng bố Fethullah (FETO – tên gọi Phong trào Gulen từ sau cuộc đảo chính hụt). Vấn đề cần lưu tâm là việc bắt giữ này chưa dừng lại ở các cơ quan nhà nước, quân đội, cảnh sát, cơ quan tư pháp mà vẫn tiếp tục mở rộng sang các doanh nhân và đóng cửa các doanh nghiệp cung cấp tài chính cho FETO
Theo Hürriyet Daily News, các
nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hàng trăm doanh nghiệp trong cuộc điều tra
âm mưu đảo chính và ra lệnh tạm giam đối với hàng chục doanh nhân, một số người
trong số này đã bị bắt giam. 4.262 công ty và các tổ chức đã phải đóng cửa với
cáo buộc có quan hệ với FETO - tổ chức được cho là đứng sau âm mưu đảo chính.
Một vài ví dụ có thể kể ra ở đây:
Ngày 23/7, một hội đồng quản trị ủy thác được bổ nhiệm để điều hành tập đoàn
Naksan ở Gaziantep,
bao gồm tới trên 56 công ty con thành viên và sử dụng khoảng 7.000 lao động.
Các chủ sở hữu của công ty là các ông Cahit Nakıpoğlu và Taner Nakıpoğlu đã bị
bắt giữ vào cuối tháng này.
Ngày 18/8, các công tố viên ở
Istanbul ra lệnh tịch thu các tài sản của 187 nghi phạm, bao gồm cả ông Rızanur
Meral - Chủ tịch Liên đoàn các doanh nhân và nhà công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ
(TUSKON), ông Ömer Faruk Kavurmacı - Chủ tịch Tập đoàn Aydinli, ông Nurettin Eroğlu
– Chủ tịch tập đoàn Eroğlu và hai người anh em điều hành hai chuỗi cửa hàng
bánh ngọt Güllüoğlu Baklava. Ông Eroğlu - người đứng đầu công ty sử dụng
16.000 lao động - sau đó đã được thả tự do. Các ông Nejat Güllü và Kavurmacı
vẫn đang bị giam giữ.
Tổng cộng 102 nhân viên của Tập đoàn
Akfa Holding với 44 công ty con thành viên bị bắt giữ vào ngày 26/8, trong số
đó 32 người đã bị đề nghị tòa án ra lệnh bắt. Khoảng 18 trong số đó đã có lệnh
bắt giữ vì những cáo buộc "là một thành viên của tổ chức khủng bố, tạo ra
nguồn tài chính cho tổ chức này và rửa tiền".
Một cuộc điều tra cũng đã tiến hành
đối với các chủ sở hữu của chuỗi siêu thị A101 với mạng lưới hơn 6.000 cửa hàng
trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ vì các giao dịch đáng ngờ của A101 với Akfa Holding. Ông
Turgut Aydın và con trai là Yaşar Aydın đã được thả tự do vào ngày 19/8 sau khi
bị các công tố viên thẩm vấn.
Hay như cựu CEO Giám đốc điều hành
của Tổ hợp hóa dầu Petkim là ông Sadettin Korkut cũng đã bị bắt tại tỉnh İzmir
vào đầu tháng 8. Khoảng 200 nhân viên tại Petkim - doanh nghiệp thuộc sở hữu
của công ty dầu khí nhà nước của Azerbaijan - SOCAR - cũng bị đình
chỉ công tác.
Thời gian tới, việc bắt giữ doanh
nhân và tịch thu tài sản có thể sẽ còn tiếp tục diễn ra do nhiều
doanh nhân và doanh nghiệp từng ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen đã tham
gia TUSKON. Tổ chức này tập hợp các doanh nhân cũng như nhà công
nghiệp lớn của Thổ Nhĩ Kỳ với 55.000 thành viên, tổ chức hoạt động chặt chẽ như
một cơ quan xúc tiến thương mại và công nghiệp với văn phòng đặt ở một số thị trường
quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước ngoài.
Liên quan đến những giao dịch có thể
ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này, việc
bắt giữ các doanh nhân và đóng cửa các doanh nghiệp nói trên có thể gây rủi ro,
gián đoạn kinh doanh cho các đối tác của các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, cho
dù sau khi bắt giữ các doanh nghiệp của người bị bắt đều được bổ nhiệm những
người ủy nhiệm điều hành để tiếp tục vận hành hoạt động của các doanh nghiệp.
Hiện đã có trường hợp doanh nghiệp xuất
khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ ngừng hoạt động, không thể liên hệ và do đó dẫn đến mất
nguồn cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.
Vì vậy, các doanh nghiệp của Việt
Nam xuất khẩu sang nước này cần lưu ý giữ liên hệ và trao đổi thường xuyên để
nắm tình hình của đối tác, nhằm có biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời nâng cao
tính an toàn trong thanh toán đối với các đơn hàng xuất khẩu như: sử dụng điều
kiện thanh toán thư tín dụng không hủy ngang trả ngay (L/C at sight) để giảm
thiểu rủi ro.