SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát thành phần loài thực vật bậc cao theo các loại đất ở vùng đồng lụt hở, tỉnh An Giang

[12/04/2018 08:55]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Hải Lý và Nguyễn Hữu Chiếm - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Cánh đồng An Giang (Ảnh: Phú Thịnh).

Tỉnh An Giang có vị trí đặc biệt trong tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với địa hình đặc trưng gồm đồi núi và đồng bằng nằm ven hai sông lớn là sông Tiền và sông Hậu. Dựa vào bản đồ sinh thái nông nghiệp ở ĐBSCL (Nguyễn Hiếu Trung và ctv., 2012), tỉnh An Giang có ba vùng sinh thái chính là vùng đồi núi, một phần vùng đồng lụt hở (thuộc đồng bằng của hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên) và vùng đồng lụt ven sông. Vùng đồng lụt hở, tỉnh An Giang với ba loại đất chính là đất phèn hoạt động nông, đất phèn hoạt động sâu, đất than bùn phèn (Phân Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp miền Nam, 2003), có độ sâu ngập trên 0,5 m và ngưỡng độ mặn từ 0-2 g/l (Nguyễn Hiếu Trung và ctv., 2012). Thêm vào đó, hệ thực vật tại một số khu vực của vùng đồng lụt hở, tỉnh An Giang có các loài đặc trưng cho đất chua phèn ngập nước (Nguyễn Đức Thắng, 2003). Nhiều nghiên cứu cho rằng đặc điểm lý hóa của đất sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của thực vật (Nguyễn Nghĩa Thìn, 2008; Shabani et al., 2011) và ở mỗi loại đất khác nhau sẽ có thành phần loài và mức độ đa dạng thực vật khác nhau (Nguyen Thi Ngoc An, 1997). Mặc dù tài nguyên thực vật tại An Giang đã được nghiên cứu trước đây (Võ Văn Chi, 1991; Nguyễn Đức Thắng, 2003) nhưng các nghiên cứu này chỉ chú trọng vào đa dạng thành phần loài, chưa mô tả sự phân bố thực vật theo từng loại đất ở khu vực đồng lụt hở, tỉnh An Giang. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự đa dạng loài thực vật và các yếu tố ảnh hưởng đến các chỉ số đa dạng theo các loại đất ở vùng đồng lụt hở, tỉnh An Giang. Đây là cơ sở cho nghiên cứu sâu về ảnh hưởng của các yếu tố lý hóa đến sự ưu thế của các nhóm loài.

Mùa lúa chín (Ảnh: vngo.vn).

Để đánh giá sự đa dạng và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến các chỉ số đa dạng, nghiên cứu đã khảo sát thành phần loài thực vật bậc cao ở vùng đồng lụt hở, tỉnh An Giang theo ba loại đất là đất phèn nông (ĐPN), phèn sâu (ĐPS) và than bùn phèn (ĐTB). Về sa cấu, cả ba loại đất có thành phần sét cao hơn thịt và cát. pHKCl dao động từ 3,98±0,09 đến 4,62±0,06 và EC từ 353,33±5,23 µS/cm và 531,50±53,01 µS/cm (p>0,05). Đất than bùn phèn có hàm lượng chất hữu cơ (CHC) cao (11,74±0,46%OM), trong khi hàm lượng Ca2+ và Mg2+ lại thấp hơn so với hai loại đất còn lại (8,76±1,37 meq Ca2+/100g và 1,36±0,19 meq Mg2+/100g) (p<0,05). Về thực vật, ĐPS có sự đa dạng hơn ĐPN và ĐTB với 108 loài, thuộc 101 chi và 46 họ. Họ phổ biến và đa dạng loài là Poaceae và Fabaceae. Nhóm cây thuốc và cây ăn được có sự đa dạng loài cao. Cây nông nghiệp có khoảng 38 loài (chiếm 60,32%), trong đó lúa (Oryza sativa) có sự xuất hiện cao nhất (64,3%). Ở ĐPN (huyện Tri Tôn) còn tìm thấy nguồn gen quý thích ứng với điều kiện ngập lũ là lúa ma (Oryza rufipogon) và giống lúa mùa nổi. Đặc điểm hóa lý đất và tác động con người đã ảnh hưởng đến các chỉ số đa dạng ở vùng sinh thái đồng lụt hở.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ - Số Môi trường 2017
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài