SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tình hình gây hại, đặc điểm hình thái và sinh học của sâu đục trái Citripestis sagittiferalis gây hại bưởi ở đồng bằng sông Cửu Long

[22/06/2018 16:06]

Nghiên cứu do các tác giả: Trần Trọng Dũng, Phạm Văn Sol, Châu Nguyễn Quốc Khánh, Trần Vũ Phến và Lê Văn Vàng - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Sâu đục trái cây có múi (Citripestis sagittiferalis Moore (Lepidoptera: Pyralidae)) được ghi nhận là loài sâu hại quan trọng trên cây có múi có nguồn gốc ở Đông Nam Á, phân bố chủ yếu ở Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunei, Indonesia và Việt Nam (Waterhouse et al., 1993; Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen, 2011; Muniappan et al., 2012). Theo Tổ chức Sức khỏe Cây trồng Úc, loài C. sagittiferella được xếp vào nhóm côn trùng gây hại trên cây có múi với mức tác động kinh tế cao, tương đương với sự gây hại của ruồi đục trái cây (Bactrcera tyroni và Ceratitis capitata) và rầy chổng cánh (Diaphorina citri) (Plant Health Australia, 2009). Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sự gây hại của loài C. sagittiferella chỉ được ghi nhận từ tháng 10 năm 2011, bắt đầu trên bưởi Năm Roi  tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, sau đó lan ra nhanh chóng và trở thành đối tượng gây hại quan trọng trên khắp các vùng trồng bưởi. Ngoài các tỉnh ở ĐBSCL (Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, TP Cần Thơ), loài C. sagittiferella còn được ghi nhận gây hại ở các tỉnh Khánh Hòa và Bình Phước. Ấu trùng mới nở của loài C. sagittiferella đục vào ăn phá bên trong trái, gây nên hiện tượng xì mủ và rụng trái (Nguyễn Thị Thu Cúc, 2015). Sâu đục trái tấn công trái bưởi từ lúc trái còn non cho tới trái chín, gây thiệt hại rất lớn về năng suất và chất lượng thương phẩm (Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen, 2011). Loài C. sagittiferella còn được ghi nhận là đối tượng gây hại quan trọng trên trái cam mật, cam sành, cam xoàn, quít đường, chanh núm, chanh không hạt, chanh giấy, hạnh và chúc (Citrus hystrix). 

Nhằm cung cấp thông tin cơ bản cho các chương trình quản lý phòng trừ loại dịch hại này, một số đặc điểm cơ bản về tình hình gây hại, đăc ̣ điểm hình thái và sinh học của sâu đục trái cây có múi đã được khảo sát qua việc phỏng vấn trực tiếp nông hộ; nghiên cứu ngoài đồng và trong phòng thí nghiệm. Kết quả điều tra ngoài đồng cho thấy có 14 loài côn trùng và môt loài nḥ ện tấn công bưởi Năm Roi, trong đó các loài C. sagittiferella, Phyllocnistis citrella, Prays endocarpa và Bactrocera dorsalis xuất hiện nhiều nhất với tần suất >50%. Tỷ lệ trái bị nhiễm dao động trong khoảng 2,28 – 3,63%, trong đó tỷ lệ trái bị hại có đường kính 5-10 cm là 3,52% trong khi tỷ lệ trái bị hại có đường kính <5 cm và > 10 cm lần lượt là 1,95% và 2,96%. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, vòng đời của C. sagittiferella trung bình là 29,54 ngày, trong đó giai đoạn trứng là 4,09 ngày, ấu trùng là 13,44 ngày, nhộng là 10,13 ngày và thành trùng cái từ vũ hóa đến đẻ trứng đầu tiên là 1,85 ngày.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 52, Phần B(2017)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài