SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu kích thích cá chành dục (Channa gachua HAMILTON, 1822) sinh sản

[18/07/2018 14:36]

Nghiên cứu do các tác giả: Hồ Mỹ Hạnh Bộ môn Thủy sản, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ; Bùi Minh Tâm và Dương Thúy Yên - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Cá chành dục (Channa gachua Hamilton, 1822) là loài cá nước ngọt, hiện diện ở ao, đìa, kênh rạch, phân bố rộng ở châu Á (Mai Đình Yên và ctv., 1992; Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993; Sanjay Molur & Sally Walker, 1998; Trần Đắc Định và ctv., 2013). Cá chành dục thích hợp cho nghề cá kiểng do cá có màu sắc đẹp và kích thước nhỏ (Talwar and Jhingran, 1992). Các công trình nghiên cứu về cá chành dục mới chỉ dừng lại đặc điểm hình thái và phân loại (Nguyễn Văn Hảo, 2005) hình thái phân loại và định danh (Hồ Mỹ Hạnh và Bùi Minh Tâm, 2015), một số đặc điểm sinh học dinh dưỡng và sinh sản (Hồ Mỹ Hạnh và Bùi Minh Tâm, 2014).

Các công trình nghiên cứu trên cá lóc bông (Channa micropeltes), lóc đen (Channa striatus) đã ghi nhận có thể tiêm HCG với liều 20003000UI/kg cá đực, 500UI/kg cá cái hoặc LHRHa với liều 50 µg/kg, 60 µg/kg và 70 µg/kg cá cái đều thu được các chỉ tiêu sinh sản khá cao (Bùi Minh Tâm và ctv. 2008, Paray et al. 2014).

Nếu như cá lóc bông, cá lóc đen được nghiên cứu khá toàn diện thì cá chành dục (Channa gachua), hầu như chưa được chú ý, đặc biệt là nghiên cứu về lĩnh vực sản xuất cá giống. Trong xu thế đa dạng hóa các loài vật nuôi và nhu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, việc nghiên cứu các đối tượng vật nuôi mới đưa vào sản xuất là rất cần thiết. 

Nghiên cứu kích thích cá chành dục sinh sản nhằm xác định loại và liều lượng kích thích tố cho hiệu quả trong sinh sản. Thí nghiệm 1: HCG đơn với liều cho cá đực và cái cái 1.000 IU/kg và 1.500 IU/kg, chỉ tiêm 1 lần. Thí nghiệm 2: Hỗn hợp HCG và não thùy (5mg) với 4 liều tiêm 500 IU/kg, 1.000 IU/kg, 1.500 IU/kg và 2.000 IU/kg cá đực và 500 UI/kg cá cái, cá đực tiêm 2 lần. Thí nghiệm 3: LHRHa + Domperidone với 3 liều tiêm 60 µg/kg, 80 µg/kg và 100 µg/kg cá đực và 50µg/kg + Dom + 1 não cho cá cái, cá đực được tiêm 2 lần. Mỗi nghiệm thức trong các thí nghiệm được lặp lại 3 lần. Kết quả, tất cả kích thích tố đều có tác động đến sự sinh sản của cá, trong đó HCG + 5 mg não thùy, liều 2000 IU/ kg cá đực và 500 IU/kg cá cái cho hiệu quả sinh sản về thời gian hiệu ứng (44,4 giờ, nhiệt độ 26,5-28 oC), tỷ lệ cá sinh sản (66,7%), tỷ lệ trứng nở (51,2%). Cá chành dục có thể sinh sản tốt trong điều kiện không tiêm kích thích tố với tỷ lệ đẻ, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ trứng nở cao và tỷ lệ cá dị hình thấp.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 53, Phần B(2017)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài