SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực phẩm hữu cơ có thật sự sạch, an toàn, bổ dưỡng?

[31/07/2018 09:11]

Ở Việt Nam, PGS được xem là hệ thống giám sát đảm bảo chất lượng hữu cơ duy nhất cho thị trường sản phẩm nội địa hiện nay. Những sản phẩm được giới thiệu là hữu cơ nhưng không có chứng nhận PGS thì vẫn là hàng 'tự phong', chưa có tiêu chuẩn nào giám sát và chứng nhận.

Chỉ một cái click chuột trên Google với cụm từ “sản phẩm hữu cơ”, trong 0.45 giây đã thu được 87.200.000 kết quả, từ sản phẩm chăm sóc da cho đến rau củ quả, thịt cá tôm cua…của các công ty lớn đến hàng handmade của cô bé sinh viên. Làm sao để trở thành người tiêu dùng thông thái giữa mê hồn trận organics hay sản phẩm sạch thì không phải ai cũng tỏ tường.

Thực phẩm hữu cơ là gì?

Chỉ cần bước chân ra chợ cóc ở giữa khu tập thể nhóm họp vội buổi sáng hay vào siêu thị lớn nhỏ, thậm chí là của các cô sinh viên, nhân viên công sở bán hàng tay ngang trên facebook cũng thấy rao bán sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm organics hay thực phẩm sạch với những lời quảng cáo: sạch đấy, không cho lợn gà cá tôm ăn cám công nghiệp, chất tăng trọng!  

Sạch đấy, không phun thuốc bảo vệ thực vật đâu…

Người trồng, người bán cũng nghĩ đơn giản không phun thuốc sâu, không hóa chất tăng trưởng nên chúng được cho là hữu cơ. Đây là một sự nhầm lẫn cố tình và cả vô tình vì hiểu sai.Thực phẩm sạch là thực phẩm thu được từ nguồn nuôi trồng, vẫn sử dụng các “đầu vào” là hóa chất như thuốc trừ sâu, chất hóa học tổng hợp…

Nhưng cách sử dụng hóa chất được thực hiện đúng quy trình để sản phẩm ra thị trường chỉ còn dư lượng độc hại dưới mức cho phép, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Cũng vì thế chúng được gọi là sản phẩm “an toàn”. 

Còn thực phẩm hữu cơ phải thu từ nguồn sản xuất không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Sản xuất thực phẩm hữu cơ đòi hỏi thực hiện trong một hệ sinh thái đảm bảo, không được gần các nhà máy công nghiệp, không gần quốc lộ, tại vùng đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại và các chất độc tự nhiên thấp. Nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước giếng sạch, không phải nước sông. Cấm dùng công nghệ biến đổi gene và kể cả công nghệ nano… 

Hiện nay, ở Việt Nam, Dự án “Phát triển khung sản xuất và thị trường cho nông nghiệp hữu cơ” (ADDA) là dự án duy nhất chuyên tập trung về phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuẩn quốc tế. Vì tiêu chuẩn chất lượng sản xuất khắt khe nên nhiều nhóm sản xuất trong dự án đã bị “vỡ” vì nông dân không thể tuân thủ. Thế nên tại Việt Nam lượng thực phẩm hữu cơ chưa thể dồi dào như người ta đang lầm tưởng.

Sản phẩm nào được gọi là thực phẩm hữu cơ?

Nông nghiệp hữu cơ là nền nông nghiệp tạo ra tất cả các sản phẩm đều có nguồn “đầu vào” hữu cơ. Nghĩa là các thực phẩm này có cả động vật, rau quả, trứng, sữa… Trên thế giới, các sản phẩm hữu cơ rất đa dạng từ sữa, thịt, trứng, cá… đến các sản phẩm đã chế biến.

Rau có sâu chứng tỏ không phun thuốc là một quan niệm sai lầm tai hại của nhiều người. Chẳng ít nhà sản xuất tự hào chụp ảnh sâu, cho người tham quan bắt sâu để minh chứng sản phẩm của mình sạch (theo nghĩa không hóa chất).

Thực chất, sản phẩm hữu cơ phải được đánh giá dựa vào cảm quan, màu sắc, tiêu chuẩn kỹ thuật, có hệ tiêu chuẩn để chứng nhận. Trong quy trình sản xuất hữu cơ, sâu cũng phải được chú trọng tiêu diệt, chỉ có điều chúng không bị “khử” bằng hóa chất mà bằng các loại thuốc tự nhiên (dùng tỏi, sả…). Những loại rau có sâu có thể do sâu không chết vì nó đã kháng thuốc hoặc do thuốc trừ sâu được nông dân sử dụng không đúng lúc, đúng cách.

Ngoài ra trên thị trường trôi nổi, sản phẩm có sâu đôi khi còn là sự đánh lừa của người sản xuất và phân phối, họ bắt sâu bỏ lên chính sản phẩm của mình. Hiện nay tại Việt Nam chưa có cơ quan nào chứng nhận hữu cơ cho thị trường nội địa.

Riêng các sản phẩm nằm trong dự án ADDA được tổ chức Hệ thống bảo đảm cùng tham gia - PGS (Participatory Guarantee System) được chứng nhận thì sẽ đảm bảo tính hữu cơ (không phải sản phẩm nào nằm trong dự án ADDA cũng đảm bảo được chứng nhận).

PGS là một hệ thống chứng nhận chung trên thế giới được đặt tại các nước có dự án sản xuất hữu cơ. Ở mỗi nước, PGS có quy trình khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế nhưng cơ bản phải được tổ chức Liên đoàn phong trào hữu cơ quốc tế (IFOAM) thông qua.  

Ở Việt Nam, PGS được xem là hệ thống giám sát đảm bảo chất lượng hữu cơ duy nhất cho thị trường sản phẩm nội địa hiện nay. Khi mua các sản phẩm có chứng nhận PGS có nghĩa là các sản phẩm đã được kiểm chứng, đáng tin cậy. Còn những sản phẩm được giới thiệu là hữu cơ nhưng không có chứng nhận PGS thì vẫn là hàng “tự phong”, chưa có tiêu chuẩn nào giám sát và chứng nhận. 

Cách đọc nhãn sản phẩm hữu cơ: Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Organic sẽ được gắn nhãn “Certified Organic Foods” hoặc có dấu xác nhận tiêu chuần mà sản phẩm được chứng nhận (như USDA- OP, EC).

Chứng nhận này được gắn trên sản phẩm khi và chỉ khi sản phẩm đó: không chứa hormone, không chứa thuốc trừ cỏ, không chứa phân bón hóa học, không bị biến đổi gen, không bị chiếu xạ tiệt trùng, không có hương liệu, phẩm màu và chất bảo quản.

www.khampha.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài