SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu chọn tạo giống lúa chống chịu mặn, năng suất cao cho tỉnh Kiên Giang

[22/08/2018 14:28]

Nghiên cứu: “Chọn tạo giống lúa chống chịu mặn, năng suất cao cho tỉnh Kiên Giang” do nhóm tác giả: Nguyễn Trung Tiền, Phạm Thị Xim, Nhâm Thị Thu Thủy – Trung tâm Giống Nông Lâm ngư nghiệp Kiên Giang thực hiện.

Để chọn tạo ra giống lúa chống chịu mặn (CCM), năng suất (NS) cao, phẩm chất tốt phục vụ sản xuất (SX) lúa tỉnh Kiên Giang, phương pháp lai tích hợp được áp dụng. Con lai được chọn lọc theo phương pháp phả hệ, trồng dồn, nuôi cấy túi phấn (NCTP). Sau khi có 46 dòng thuần, chọn dòng CCM qua kiểu gen bằng chỉ thị phân tử SSR với 2 mồi RM3412 và RM206 là 2 mồi được chọn ra sau khi thanh lọc 9 mồi của chỉ thị phân tử SSR gồm RM206, RM8094, RM3412, RM3412b, RM10745, RM493, RM315, RM336 và RM7075. Kết quả chọn ra 30 dòng thuần có kiểu gen CCM. Ứng dụng chỉ thị phân tử BADH2 với 4 mồi ESP, IFAP, INSP và EAP đã cho thấy có 13 dòng có kiểu gen mùi thơm.

Thực hiện thanh lọc mặn (TLM) giai đoạn mạ 30 dòng thuần có kiểu gen CCM này với mức độ mặn 6‰, kết quả chọn ra được 13 dòng thuần CCM giai đoạn mạ. Thí nghiệm trắc nghiệm NS hậu kỳ và thanh lọc mặn (TLM) giai đoạn sinh trưởng mức độ 4‰ trong nhà lưới được tiến hành song song và đã chọn ra được 8 dòng thuần có kiểu gen và kiểu hình CCM, một số dòng có kiểu gen mùi thơm. Các dòng này được đặt tên: GKG31, GKG32, GKG33, GKG34, GKG35, GKG36, GKG38 và GKG39. Khảo nghiệm cơ bản (KNCB) tại Trại Giống Lúa Mỹ Lâm thuộc vùng nước ngọt, giống GKG35 có NS cao nhất (7 T/ha), kế đến là GKG31 (6,35 T/ha) so với giống đối chứng (ĐC) OM5451 đạt 5,54 T/ha. Khảo nghiệm sản xuất (KNSX) tại 3 điểm đất nhiễm mặn thuộc huyện An Biên và Hòn Đất tỉnh Kiên Giang cho thấy giống GKG35 đạt 4,28 T/ha và GKG31 đạt 4,19 T/ha, giống OM5451 đạt 3,65 T/ha. Các giống lúa còn lại có năng suất cao hơn giống ĐC là: GKG32, GKG34, GKG38 và GKG39, đây là các giống có khả năng CCM giai đoạn mạ, mức độ 6‰, tuy nhiên đặc tính nông học chưa đạt, cần phải cải thiện thêm, chúng có thể được dùng để làm vật liệu lai cho các chương trình chọn tạo giống CCM trong thời gian tới.

Tạp chí nông nghiệp và phát triển nông thôn số 13/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài