SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiệu quả kỹ thuật và tài chính của mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến và tôm – lúa tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau

[30/08/2018 16:02]

Đánh giá hiệu quả kỹ thuật và tài chính của mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến và tôm – lúa tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau

Bản đồ thu mẫu - huyện Thới Bình, Cà Mau

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm của cả nước. Năm 2015, toàn vùng có 621.000 ha diện tích nuôi tôm (chiếm 91,2% diện tích thả nuôi cả nước), sản lượng tôm đạt 484.000 tấn (chiếm 81,0% sản lượng tôm nuôi cả nước); trong đó, 89,3% diện tích nuôi là tôm sú (554.392 ha). Đặc biệt, diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến (QCCT) là 539.477 ha (bao gồm nuôi tôm – lúa (T – L), tôm rừng, tôm QCCT, quảng canh kết hợp), chiếm 92,0% diện tích nuôi tôm sú toàn vùng. Tuy nhiên, sản lượng tôm nuôi của hình thức này còn thấp. Nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đang chiếm một vị trí hết sức quan trọng đối với kinh tế của vùng và cả nước, tạo công ăn việc làm, thu nhập và phát triển kinh tế xã hội (Tổng cục Thủy sản Việt Nam, 2016). Cà Mau là tỉnh có tiềm năng lớn về kinh tế thủy sản, diện tích nuôi tôm đứng đầu khu vực ĐBSCL và cả nước. Năm 2014, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh là 266.735 ha bao gồm nuôi tôm thâm canh, QCCT, T – L, tôm - rừng và nuôi kết hợp các loại cá, cua. Sản lượng tôm đạt 150.000 tấn. Thới Bình là một trong những huyện có diện tích sản xuất T – L, cũng như các mô hình QCCT lớn nhất tỉnh Cà Mau và chịu ảnh hưởng bởi hai nguồn mặn nước từ biển Đông và nguồn nước từ biển Tây. Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất T – L giai đoạn 2009 – 2012, định hướng đến năm 2015” của Thới Bình đã phát huy hiệu quả. Năm 2012, năng suất tôm của huyện đã tăng khoảng 15%, tạo tiền đề vững chắc cho đề án phát triển ở những năm tiếp theo. 

Tuy nhiên, sự thay đổi cơ cấu sản xuất tôm và tôm lúa của huyện Thới Bình còn mang tính tự phát, chưa phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Do đó, việc đánh giá tình hình sản xuất của mô hình nuôi tôm sú QCCT và T – L; phân tích các tác động của yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng đến năng suất, lợi nhuận của hai mô hình tại khu vực này là rất cần thiết nhằm cung cấp thông tin cho các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất của mô hình nuôi tôm sú QCCT và T – L.

Nghiên cứu được thực hiện qua việc phỏng vấn trực tiếp 123 hộ nuôi tôm sú QCCT và 141 hộ nuôi T-L tại 4 khu vực của hai vùng chịu ảnh hưởng của hai nguồn nước mặn từ biển Đông và Vịnh Thái Lan ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Kết quả cho thấy mô hình QCCT có mật độ thả tôm cả năm 9,29±3,78 con/m2/năm (4,02±1,19 đợt/năm). Năng suất tôm là 558,40±113,01 kg/ha/năm cho lợi nhuận 93,81±21,02 triệu /ha/năm. Mô hình tôm – lúa, mật độ thả tôm trung bình là 5,39±2,38 con/m2/năm (3,36±0,96 đợt/năm). Năng suất tôm trung bình là 491,90±156,99 kg/ha/năm, lợi nhuận 95,41±29,01 triệu đồng/ha/năm. Trong cả hai mô hình nuôi QCCT và T-L: mật độ thả tôm sú, số lần thả giống, sử dụng ao vèo để ương tôm và tỉ lệ diện tích thực vật ảnh hưởng tới năng suất tôm muôi và lợi nhuận của mô hình; trong khi đó ở mô hình T – L, việc thả thêm tôm càng xanh vào mùa mưa làm tăng năng suất và lợi nhuận. Mô hình nuôi tôm QCCT có lợi nhuận cao và phát triển mạnh ở các khu vực gần biển và thay thế mô hình nuôi T – L, mô hình nuôi T – L có xu hướng dịch chuyển sâu vào nội địa do sự xâm nhập mặn ngày càng sâu.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 3, Phần B(2018)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài