SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của mai dương (Mimosa pigra L.) trong khẩu phần lên mức ăn vào và khả năng sinh trưởng của dê thịt

[14/09/2018 10:45]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hồng - Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học An Giang và Dương Nguyên Khang - Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh: Sưu tầm

Cây Mai dương còn gọi là Ngưu Ma Vương, Trinh nữ nhọn, Mắc cỡ Mỹ, tên khoa học là Mimosa pigra L, thuộc họ Mimosaceae, có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Mai dương được xem là một trong những loài cỏ dại nguy hiểm ở vùng đất ngập nước nhiệt đới do tăng trưởng phát triển vượt trội của chúng. Ngoài những nghiên cứu tìm giải pháp phòng ngừa sự gây hại của cây Mai dương, đã có những nghiên cứu tận dụng cây này để chống xói mòn, làm phân xanh, thuốc chữa bệnh và làm cây thức ăn cho gia súc. Hàm lượng tannin trong cây Mai dương từ 5 đến 9%, protein thô từ 17,9 đến 21,21% cho thấy đây là nguồn thức ăn tốt cho chăn nuôi dê.

Nghiên cứu được tiến hành trên 16 dê đực lai (Bách Thảo x cỏ) giai đoạn sinh trưởng (15,7±0,54 kg), được bố trí theo thừa số 2 nhân tố với 4 nghiệm thức. Nhân tố thứ nhất bổ sung Mai dương đáp ứng tannin ở mức 30 g/kg vật chất khô, hoặc không bổ sung Mai dương, nhân tố thứ 2 với khẩu phần cơ bản là Rau muống hoặc cỏ Lông tây. Rau muống và cỏ Lông tây được cho ăn tự do ở mức 120% lượng ăn vào. Tất cả khẩu phần được bổ sung thức ăn hỗn hợp 120 g/con/ngày. Thí nghiệm được tiến hành tại Trại thực nghiệm Trường Đại học An Giang từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015 (105 ngày).

Kết quả chỉ ra rằng mức ăn vào của vật chất khô, chất hữu cơ và protein thô gia tăng khi bổ sung Mai dương trong khẩu phần (p<0,05). Mức tăng trọng bình quân/ngày và hệ số chuyển hóa thức ăn cũng gia tăng ở khẩu phần có bổ sung Mai dương (p<0,05). Kết quả của nghiên cứu cho thấy có cải thiện dinh dưỡng bởi sử dụng Mai dương trong khẩu phần đồng thời làm gia tăng mức ăn vào và hệ số chuyển hóa thức ăn và từ đó làm gia tăng tăng trọng của dê tăng trưởng.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 48, Phần B (2017) (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài