SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khả năng nhạy với kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh đốm trắng nội tạng trên cá lóc (Channa striata) ở Trà Vinh

[25/09/2018 14:03]

Nghiên cứu do các tác giả: Đoàn Thị Minh Châu - Sinh viên ngành Bệnh học Thủy sản (Khóa 40), Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, Lưu Hồng Mai - Sinh viên ngành Bệnh học Thủy sản (Khóa 39), Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ và Từ Thanh Dung - Bộ môn Bệnh học thủy sản, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất thủy sản, hàng năm cung cấp trên 52% sản lượng thủy sản cả nước. Năm 2016, vùng ĐBSCL có diện tích nuôi thủy sản ước tính đạt 772 nghìn ha, trong đó sản lượng cá nuôi đạt trên 2,5 triệu tấn, tăng 65,1 nghìn tấn so với cùng kì năm trước (Tổng cục Thống kê, 2016). Điều đó cho thấy nghề nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đang tăng trưởng khá mạnh. Cá lóc là loài động vật thủy sản được nuôi phổ biến ở ĐBSCL do thịt cá lóc thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên nghề nuôi cá lóc chủ yếu là tự phát, theo mô hình thâm canh với mật độ cao, không tuân thủ đúng qui trình kỹ thuật nuôi và quản lý dịch bệnh thủy sản. Chính vì vậy, tình hình dịch bệnh thường xảy ra là điều khó tránh khỏi gây ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá lóc ở ĐBSCL. 

Vi khuẩn Aeromonas schubertii lần đầu tiên được phát hiện gây bệnh trên người bởi HickmanBrenner et al. (1988). Tuy nhiên, có rất ít thông tin liên quan đến khả năng gây bệnh của vi khuẩn A. schubertii trên các loài cá (Yu et al., 2009). Năm 2010, A. schubertii gây bệnh trên cá lóc bông (Channa maculata) với tỉ lệ chết cao gây thiệt hại nghiêm trọng đối với kinh tế nghề cá ở Trung Quốc (Chen et al., 2012). Vài năm gần đây, một tác nhân gây bệnh trên cá lóc nuôi ở ĐBSCL nói chung và Trà Vinh nói riêng với dấu hiệu bệnh lí là đốm trắng trên gan, thận, tỳ tạng được xác định là do vi khuẩn A. schubertii (Dung et al., 2018) tương tự nghiên cứu của Chen et al. (2012). Mặc dù bệnh mới xuất hiện nhưng có tỉ lệ chết cao và khó điều trị gây thiệt hại lớn cho hộ nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi thường sử dụng hóa chất và kháng sinh không đúng qui định để điều trị bệnh dẫn đến hiện tượng kháng  kháng sinh trong các loài vi khuẩn gây bệnh trên cá (Dung et al., 2009). Theo Liu and Li (2012) A. schubertii gây bệnh trên cá lóc tại Trung Quốc (Ophiocephalus argus) nhạy với kháng sinh sulfamethoxazole/trimethoprim, oxytetracycline, nhóm phenicol, aminoglycoside, quinolones;  kháng với ampicillin, clindamycin, rifampicin, vancomycin,... Yano et al. (2015) cho biết vi  khuẩn A. schubertii trên tôm nhạy với  gentamicin, tetracycline, chloramphenicol, trimethoprim/sulphamethoxazole, nhóm cephalosporin, beta-lactam, quinolon; kháng với ampicillin, ampicillin–sulbactam, clindamycin, erythromycin. Hiện tượng giảm tính nhạy với thuốc làm cho việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém hơn.

Cho đến nay, việc nghiên cứu tính nhạy cảm với thuốc kháng sinh của vi khuẩn A. schubertii gây bệnh đốm trắng nội tạng trên cá lóc (Channa striata) ở Trà Vinh chưa được thực hiện. Vì vậy, kết quả của nghiên cứu này nhằm cung cấp thông tin mới nhất về tính nhạy của vi khuẩn A. schubertii với các loại kháng sinh, góp phần đánh giá được các loại kháng sinh thích hợp để điều trị bệnh khi cần thiết đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nghề.

Tất cả 24 chủng vi khuẩn được kiểm tra các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa trước khi tiến hành làm kháng sinh đồ với 15 loại kháng sinh. Sau đó 4 chủng đại diện được chọn để xác định nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) với 4 loại kháng sinh (colistin, doxycycline, erythromycin, amoxicillin) bằng phương pháp pha loãng trong môi trường lỏng. Kết quả cho thấy đa số vi khuẩn A. schubertii nhạy cảm cao với kháng sinh doxycycline (83,33%) và colistin (79,17%); kháng cao với oxytetracycline (79,17%), florfenicol (79,17%), erythromycin (70,83%) và novobiocin (62,5%); và kháng hoàn toàn với ampicillin, amoxicillin và rifampicin. Kết quả xác định MIC cho thấy 4 chủng vi khuẩn A. schubertii nhạy cao với colistin (MIC = 0,25-0,5 μg/mL) và doxycycline (MIC = 4 μg/mL), kháng với erythromycin (MIC= 8 μg/mL) và kháng hoàn toàn với amoxicillin (MIC = 512 μg/mL).

Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài