SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhân giống cây dâu tây nhật (fragaria ananassa “penihuble”) từ nuôi cấy đỉnh sinh trưởng

[23/08/2019 16:46]

Nghiên cứu do tác giả Trần Thị Ngọc Lan -Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm đồng thực hiện nhằm mục tiêu nhân giống hàng loạt cây con từ nuôi cấy đỉnh sinh trưởng qua con đường phát sinh phôi sinh dưỡng với giống dâu tây Nhật nhập nội có giá trị kinh tế cao.

Đối tượng nghiên cứu là các ngó của giống dâu tây (Fragaria ananassa “Penihuble”), có xuất xứ từ Nhật, là các giống dâu cho trái to, ngọt và đẹp được nhập nội.

Cây dâu tây (Fragaria ananassa) thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae) là loại cây cho quả ngon, màu sắc và hương thơm quyến rũ, được sử dụng làm thực phẩm với nhiều món ăn ngon, đa dạng. Quả của cây dâu tây giàu chất khoáng, các hợp chất nhóm flavonoid... chống oxi hóa, giàu các loại vitamin nhóm B và đặc biệt là lượng vitamin C khá cao, cao hơn cả cam, dưa hấu. Đây là đặc điểm ưu việt của quả dâu tây, giúp tăng sức đề kháng, chống nhiễm trùng, nhiễm độc, cảm cúm, tốt cho tim mạch và chống stress. Quả dâu tây cũng chứa nhiều acid ellagic, được xem là chất kháng ung thư (ICAR news, 2005). Vì vậy, đây là loại quả có tiềm năng kinh tế lớn. Trong các giống dây tây, giống dâu tây Nhật nhập nội cho quả to, màu sắc đỏ, đẹp, đặc biệt có độ ngọt và mùi hương hấp dẫn. Tuy nhiên, trong nhân giống dâu tây, phương pháp nhân giống sinh dưỡng từ ngó dâu thường dễ nhiễm bệnh và thoái hóa giống, phương pháp gieo hạt thường cho cây biến dị, quả nhỏ.

Đối tượng nghiên cứu là các ngó của giống dâu tây (Fragaria ananassa “Penihuble”), có xuất xứ từ Nhật, là các Các ngó dâu tây được bỏ các lá ngoài, có chiều dài từ 1 cm – 1,25 cm, rửa sạch dưới vòi nước đang chảy, rửa lại bằng nước rửa chén Sunlight, rửa lại dưới vòi nước đang chảy, khử trùng trong tủ cấy bằng ethanol 900, rửa nước đã hấp vô trùng, khử trùng tiếp bằng HgCl2 0,1% trong 6 phút, bỏ bớt các lá ngoài, chỉ còn lại các chồi mang từ 4 - 5 lá non, rửa nước đã hấp vô trùng 3 lần. Nuôi cấy các chồi này trong môi trường MS bổ sung 30 g/l sucrose, 7 g/l agar, cường độ ánh sáng 2000 lux và độ ẩm không khí 70%, ủ trong điều kiện chiếu sáng 16/24 giờ ở 37οC trong 7 ngày nhằm tiêu diệt virus (nếu có). Nuôi cấy 1 mẫu/bình có thể tích 250 ml với 20 ml môi trường nuôi cấy.

Các chồi đã được nuôi in vitro như trên được tách tiếp các lá bao chồi, rửa nước đã hấp vô trùng 3 lần, dùng dao và kẹp tách lấy đỉnh sinh trưởng mang từ 2 - 3 lá sơ khởi (thao tác được thực hiện dưới kính lúp) và cấy vào môi trường MS bổ sung BA (0, 0,5 hoặc 1 mg/l), có kết hợp hay không kết hợp NAA (0, 0,2 mg/l), 30 g/l sucrose và 7 g/l agar. Mỗi nghiệm thức gồm 5 mẫu. Nuôi cấy 1 mẫu/bình có thể tích 250 ml với 20 ml môi trường nuôi cấy. Theo dõi sự sống sót, sự phát sinh mô sẹo, phôi sinh dưỡng hay chồi  của mẫu cấy sau 15 ngày và 30 ngày nuôi cấy.

Các mô sẹo dâu tây hình thành từ nuôi cấy đỉnh sinh trưởng (50 mg/mẫu) được nuôi cấy tiếp tục trên môi trường MS bổ sung 30 g/l sucrose, 7 g/l agar và các nồng độ khác nhau của BA (0, 0,5 mg/l) và NAA (0, 0,2 mg/l). Nuôi cấy 5 mẫu có khối lượng 50 mg/bình, thể tích 250 ml với 40 ml môi trường nuôi cấy. Mỗi nghiệm thức gồm 5 bình. Quan sát và thu nhận số liệu về tỷ lệ tăng trưởng (khối lượng mô sẹo sau nuôi cấy/khối lượng mô sẹo trước nuôi cấy), số phôi sinh dưỡng trung bình hình thành sau 30 ngày nuôi cấy.

Các phôi sinh dưỡng thu nhận từ các thí nghiệm trên được nuôi cấy trên 3 loại môi trường: MS. ¾ MS và ½ MS bổ sung 20 g/l sucrose, 1 g/l than hoạt tính (AC) và 7 g/l agar để khảo sát sự sinh trưởng, hình thành cây và phát triển của các phôi này. Nuôi cấy 20 mẫu/bình có thể tích 500 ml với 70 ml môi trường nuôi cấy. Quan sát và thu nhận số liệu về tỷ lệ hình thành cây con (số phôi hình thành cây con trên số phôi nuôi cấy *100), chiều cao, màu sắc của cây, số lá, số rễ và chiều dài rễ trung bình/cây sau 30 ngày nuôi cấy.

Cây con từ nuôi cấy in vitro được giữ nguyên trong bình, chuyển ra ngoài vườn ươm trong 1 tuần để thích ứng. Sau đó, cây con được lấy ra, rửa sạch môi trường bám lên rễ, trồng trong các loại giá thể: vỏ trấu hun, đất sạch (Tribat 10 kg/bao) hay hỗn hợp tro trấu hun và đất sạch (tỷ lệ 1:1), có độ ẩm 85%. Cây được trồng trong các bầu nhựa polyethylene, đường kính bầu 8 cm; tưới cây 2 lần/ngày. Quan sát sự sống sót và sự sinh trưởng của cây dâu tây. Số liệu được thu nhận sau 30 ngày nuôi trồng.

Làm các loại tiêu bản về mô sẹo với việc cắt lát theo chiều ngang mẫu mô sẹo cần quan sát, ngâm trong dung dịch javel 10% trong 15 phút, rửa nước, ngâm trong dung dịch acid acetic 45%  trong 15 phút, rửa nước, nhuộm màu bằng thuốc nhuộm hai màu đỏ carmin và xanh iod trong 15 phút, rửa nước và quan sát trên kính hiển vi quang học Olympus, Nhật với độ phóng đại 40 - 400 lần. Quan sát đỉnh sinh trưởng cây dâu tây ở độ phóng đại 100 lần.

Qua con đường vi nhân giống cây dâu tây cho thấy, nuôi cấy đỉnh sinh trưởng cây dâu tây đã hình thành mô sẹo (tỷ lệ đạt 60%) trên môi trường MS bổ sung 0,2 mg/l NAA, 0,5 mg/l BA. Các mô sẹo này được nhân lên với tỷ lệ tăng trưởng đạt 8,56 lần, hình thành phôi sinh dưỡng với số phôi trung bình là 15,78 phôi/mẫu trên môi trường MS bổ sung 0,5 mg/l BA. Môi trường ½ MS là phù hợp cho các phôi dâu tây phát triển thành cây con với tỷ lệ hình thành cây con đạt 100% mà không cần bổ sung CĐHSTTV. Trong nuôi trồng ex vitro, hỗn hợp đất sạch Tribat và trấu hun (tỷ lệ 1:1) là giá thể thích hợp để trồng cây trong điều kiện tự nhiên, tỷ lệ sống sót đạt 72,33%.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học An Giang. 19, 19-27
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài