SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiệu quả của giống lúa cải tiến SHPT2 trong điều kiện ngập mặn tại đồng bằng sông Hồng

[17/11/2019 12:36]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Đào Văn Khởi, Hà Quang Dũng (Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia) và Chu Đức Hà, Lê Hùng Lĩnh (Viện Di truyền Nông nghiệp) nghiên cứu.

Ảnh: Internet

Ngập úng là một trong những yếu tố phi sinh học chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng (Nishiuchi et al., 2012). Đây cũng được xem là một trong những thách thức lớn nhất đối với sản xuất lúa gạo và tình hình an ninh lương thực trên toàn thế giới (Ahmed et al., 2013). Ở Việt Nam, tình trạng ngập úng có thể ảnh hưởng đến 30 - 50% diện tích trồng lúa hiện nay, đe dọa trực tiếp đến đời sống của nông dân (Lê Hùng Lĩnh và ctv., 2017). Vì vậy, cải tiến các giống lúa nhằm tăng cường khả năng chịu ngập được xem như một giải pháp chiến lược cho ngành sản xuất lúa gạo hiện nay.Trong nghiên cứu trước đây, giống lúa thuần Khang dân 18 (KD18) đã được cải tiến thành công bằng cách tích hợp gen chịu ngập Sub1 từ giống PSB-Rc68 thông qua kỹ thuật chọn giống sử dụng chỉ thị phân tử kết hợp lai trở lại (Lê Hùng Lĩnh và ctv., 2017). Giống lúa KD18 cải tiến (SHPT2) đã được xác định có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày, năng suất đạt 6,3 tấn/ha vào vụ Xuân 2014 (Đào Văn Khởi và ctv., 2015). Hơn nữa, giống SHPT2 có khả năng chịu ngập tốt trong điều kiện ngập nhân tạo, tỷ lệ sống đạt 89%, cao hơn so với đối chứng KD18 (tỷ lệ sống ~ 15%) (Đào Văn Khởi và ctv., 2015; Lê Hùng Lĩnh và ctv., 2017). Tuy nhiên, những ghi nhận của giống SHPT2 trong thực tế, đặc biệt là điều kiện ngập trong sản xuất vẫn chưa được tiến hành. Trong nghiên cứu này, kết quả phân tích và đánh giá đặc tính nông sinh học và khả năng kháng bệnh của giống SHPT2 trong điều kiện ngập trên đồng ruộng và ngoài sản xuất đã được xem xét.

Nghiên cứu cho thấy, giống SHPT2 có các đặc điểm nông sinh học, năng suất, mức độ nhiễm sâu bệnh hại gần như không khác biệt so với giống KD18 khi được khảo nghiệm trong điều kiện sản xuất bình thường ở Hưng Yên và Hải Dương vào vụ Mùa 2013. Khi xử lý ngập nhân tạo trên đồng ruộng, tỷ lệ sống của giống SHPT2 đều cao hơn 80%. Theo dõi sau ngập cho thấy, sự khác biệt về số bông/m2 của giống SHPT2so với KD18 đã thể hiện sự vượt trội về năng suất của giống cải tiến trong điều kiện ngập nhân tạo trên đồng ruộng tại Hưng Yên và Hải Dương vào vụ Mùa 2013.Trong điều kiện ngập ngoài sản xuất, giống SHPT2 vẫn vượt trội về tỷ lệ sống. Các tính trạngnông sinh học của 2 giống tương đương nhau. Giống SHPT2 có số bông/m2 đạt 172,9 - 185,7 cao hơn hẳn so với KD18, dẫn đến năng suất thực thu của SHPT2 cũng ưu thế hơn so với KD18. Mức độ nhiễm sâu bệnh hại của 2 giống đều tương đương nhau trong điều kiện ngập ngoài sản xuất. Qua đó, nhóm tác giả khuyến cáo gieo trồng giống SHPT2 tại một số vùng hay bị ngập úng

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 02/2018
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài