SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý: Không chỉ là việc của địa phương

[01/12/2011 12:29]

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cói Nga Sơn và quế Trà My. Câu chuyện này là tín hiệu đáng mừng, thể hiện ý thức của các doanh nghiệp và địa phương trong việc bảo vệ một tài sản sở hữu trí tuệ quý giá

Chỉ dẫn địa lý - một tài sản sở hữu trí tuệ

Cói Nga Sơn (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá) là cây chủ lực về nông nghiệp của huyện này, sản lượng cói ở Nga Sơn lớn nhất nước, 1.500 ha (chiếm khoảng 30% cả nước). Quế Trà My (thuộc huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam) từ lâu đã trở thành vị thuốc vì quế Trà My có hàm lượng tinh dầu cao, chất lượng tốt.

Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc. Quy chế này là căn cứ pháp lý để các cơ quan quản lý bảo hộ việc sử dụng tên Phú Quốc, không cho doanh nghiệp nằm ngoài huyện đảo Phú Quốc sử dụng tên gọi này cho sản phẩm nước mắm. 

Vậy, chỉ dẫn địa lý là gì? Vì sao phải xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý? Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (có hiệu lực từ 1-7-2006), quy định: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”. Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhằm bảo hộ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm gắn với các đặc trưng chất lượng riêng có của sản phẩm đó, nhằm tránh cho người tiêu dùng khỏi nhầm lẫn về chất lượng và xuất xứ của sản phẩm. Vì vậy, chỉ dẫn địa lý được coi là một tài sản trí tuệ.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc cho biết: Theo quy chế của tỉnh Kiên Giang thì doanh nghiệp muốn sử dụng chỉ dẫn địa lý thì phải xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Doanh nghiệp sẽ được kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn thì mới cấp giấy chứng nhận. Để đạt được tiêu chuẩn nước mắm Phú Quốc thì nước mắm phải được chế biến từ cá cơm đánh bắt tại vùng biển Kiên Giang, cá cơm phải chiếm trên 85%, thùng chứa chượp phải làm bằng gỗ, không được dùng thùng nhựa hay chứa chượp trong bể xi măng. Việc dùng loại muối nào, tỷ lệ muối - cá bao nhiêu, ướp chượp như thế nào, pha đấu nước mắm ra sao… cũng phải tuân theo tiêu chuẩn và phải thực hiện toàn bộ tại Phú Quốc.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận, doanh nghiệp có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, in trên bao bì, nhãn sản phẩm, giấy tờ giao dịch, biển hiệu… Doanh nghiệp cũng được cấp tem để dán trên các chai nước mắm như một loại tem chống hàng giả. Như vậy, với quy chế về chỉ dẫn địa lý, các doanh nghiệp nước mắm thực hiện đóng chai nước mắm tại Tp. Hồ Chí Minh thì không được dùng chữ “nước mắm Phú Quốc” trên nhãn hàng hoá. Người tiêu dùng chỉ cần xem trên chai nước mắm có dám tem hay không là phân biệt được hàng thật - hàng giả.

Chạy đua xây dựng chỉ dẫn địa lý

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Việt Nam hiện có trên 180 địa danh nổi tiếng gắn liền với nhiều đặc sản, cần xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ đánh mất đặc sản. Cho đến nay, đã có 26 chỉ dẫn địa lý trong nước được cấp (theo thứ tự thời gian): nước mắm Phú Quốc, chè Shan tuyết Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, hồi Lạng Sơn, vải thiều Thanh Hà, nước mắm Phan Thiết, gạo tám xoan Hải Hậu, cam Vinh, chè Tân Cương, gạo một bụi đỏ Hồng Dân, vải thiều Lục Ngạn, xoài cát Hoà Lộc, chuối ngự Đại Hoàng, quế võ Văn Yên, mắm tôm Hậu Lộc, nón lá Huế, hồng không hạt Bắc Kạn, bưởi Phúc Trạch, thuốc lào Tiên Lãng, gạo nàng Nhen thơm Bảy Núi, hạt dẻ Trùng Khánh, mãng cầu Bà Đen, cói Nga Sơn và quế Trà My.

Thế nhưng, không phải địa danh nào có tiếng cũng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ, quy định: “Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau: 1) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý; 2) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định”.

Như vậy, điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý khá khó khăn và phải qua nhiều thủ tục. Trước tiên, sản phẩm đó phải có nét đặc trưng tạo thành do các yếu tố tự nhiên của vùng (địa lý, khí hậu, nguồn nước, địa chất, hệ sinh thái…). Ngoài ra, vùng địa lý đó còn phải được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ, vẽ ra ranh giới địa lý. Vùng ngoài ranh giới địa lý, không cho ra sản vật đặc trưng như vậy.

Hiện nay, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (thuộc Cục Sở hữu trí tuệ) đã ký hợp đồng thực hiện dự án liên quan đến xây dựng và phát triển các chỉ dẫn địa lý sau: nho Ninh Thuận, xoài Yên Châu, hồ tiêu Quảng Trị… Trong đó, chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận đang chờ cấp văn bằng bảo hộ. Các đặc sản khác, như: cốm Làng Vòng, rượu Làng Vân, kẹo mè xửng Huế, sầu riêng Cái Mơn, vú sữa Lò Rèn… đang trên đường chạy đua xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài