SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của độ kiềm lên chu kỳ lột xác, tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của hậu ấu trùng tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii)

[31/05/2020 10:15]

Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii), còn gọi là tôm lớn nước ngọt hay tôm Malaysia, là một loài tôm nước ngọt có nguồn gốc ở vùng Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương và bắc Úc.

Ảnh: Internet

Tôm càng xanh cũng giống như các loài giáp xác khác phải trải qua các lần lột xác để tăng trưởng. Tôm càng xanh thường lột xác vào ban đêm. Chu kỳ lột xác bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như giai đoạn phát triển, giới tính, dinh dưỡng và mật độ nuôi. Các yếu tố môi trường như hàm lượng can-xi, nhiệt độ, độ mặn, pH, oxy hòa tan ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lột xác của tôm. Trong đó, độ kiềm là yếu tố quan trọng và có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tôm càng xanh.

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Hồng Lan, Nguyễn Quỳnh Nga và Lê Văn Trúc thực hiện nhằm xác định độ kiềm thích hợp cho tăng trưởng và tỷ lệ sống của hậu ấu trùng tôm càng xanh.

Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức được thiết kế với độ kiềm lần lượt là 60, 90, 120 mg CaCO3/L và đối chứng (khoảng 40 mg CaCO3/L) thông qua hai hệ thống. Một hệ thống được thiết kế trong các ly nhựa 330 ml (chứa 300 ml nước) với mật độ 1 ấu trùng/ly, 30 ly cho mỗi nghiệm thức nhằm đánh giá ảnh hưởng của độ kiềm đến chu kỳ lột xác, tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của hậu ấu trùng. Hệ thống thứ 2 là 12 bể nuôi với mật độ 100 ấu trùng/bể để kiểm chứng tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng. Sau 42 ngày nuôi, tôm trải qua 5 lần lột xác với thời gian lột xác dao động từ 6,21 đến 10,59 ngày.

Kết quả cho thấy độ kiềm ảnh hưởng đến tất cả các thông số quan sát được. Ở độ kiềm 120 mg CaCO3/L, tôm có chu kỳ lột xác ngắn hơn và tỷ lệ lột xác đồng đều hơn so với các nghiệm thức còn lại (p<0,05). Trong hệ thống ly, tôm có chiều dài và tốc độ tăng trưởng ở độ kiềm 120 mg CaCO3/L khác biệt có ý nghĩa thống kê so với các độ kiềm khác (p<0,05). Trong hệ thống bể, không có sự khác biệt về chiều dài và tốc độ tăng trưởng giữa các nghiệm thức (p>0,05), nhưng ở độ kiềm 120 mg CaCO3/L tôm có kích thước đồng đều và có tỷ lệ sống cao hơn so với những bể khác (p<0,05). Như vậy, trong khoảng độ kiềm 40 - 120 ppm, tôm phát triển tốt nhất ở độ kiềm 120 ppm. Ở độ kiềm này, tôm có chu kỳ lột xác ngắn hơn, tỷ lệ lột xác cao hơn, tốc độ tăng trưởng tốt hơn và tỷ lệ sống cao hơn so với các nghiệm thức khác.

Theo Tạp chí NN&PTNT, Số 18/2019 (nhnhanh)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài