SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của môi trường nuôi cấy đến khả năng nhân giống in vitro cây Thông đất (Huperzia squarrosa (G. Forst.) Trev.)

[31/05/2020 12:33]

Thông đất (Huperzia squarrosa (G. Forst.) Trev.) thuộc chi Huperzia Bernh, họ Thông đất (Lycopodiaceae), lớp Lycopodiopsida. Thông đất thường phân bố trong các rừng thưa, mọc trên các cây thân to, đá ẩm. Cây thường phân bố ở Trung bộ và Bắc bộ.

Ảnh: Internet

Ở Việt Nam hiện nay nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến dược liệu ngày càng tăng cao, phần lớn các cây dược liệu được trồng rải rác, không tập trung, phân tán nhỏ lẻ và chưa có nhiều nghiên cứu về bảo tồn và phát triển. Thông đất là một loài quý hiếm, được xếp vào sách đỏ thuộc loài có nguy cơ tuyệt chủngcần được bảo vệ, phát triển. Đặc biệt, trong cây Thông đất có các chất alcaloid như Huperzine A (Hup A) có tác dụng chữa các bệnh Alzheimer, Parkinson, teo não và sa sút trí tuệ. Việc nhân giống Thông đất theo phương pháp tự nhiên hiện nay mất thời gian rất lâu và hiệu quả nhân giống thấp vì vậy cần có những phương pháp nhân giống vô tính Thông đất tạo ra số lượng cây giống lớn trong thời gian ngắn, không phụ thuộc vào mùa vụ, cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh.

Nghiên cứu do các tác giả Trần Thị Thu Hà, Hoàng Ngọc Hà, Nguyễn Thị Trang, Lê Văn Phúc, Ngô Thị Tính và Khuất Hữu Trung thực hiện nhằm xác định môi trường phù hợp nhất đảm bảo cho hệ số nhân cao, chất lượng chồi tốt và tỷ lệ cây giống sống cao.

Vật liệu vào mẫu được lấy các đoạn thân chồi bánh tẻ từ cây đầu dòng Thông đất tại Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp có xuất xứ từ Na Hang – Tuyên Quang được lựa chon có hàm lượng huperzin A cao (27,92 μg/g). Các chồi được lấy từ cây khỏe, không sâu bệnh, đang trong thời kỳ phát triển để tạo mẫu sạch in vitro.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sát khuẩn bề mặt mẫu cấy bằng cồn 70% trong 1 phút, khử trùng bằng dung dịch H2O2 20% trong 15 phút, khử trùng bằng dung dịch H2O2 15% trong 20 phút, khử trùng bằng dung dịch cefotaxim 100 mg/l trong 30 phút sau 04 tuần nuôi cấy trên môi trường nuôi cấy khởi động (MS + 30 g/l sucrose+ 7 g/l aga)cho tỉ lệ mẫu sống không nhiễm đạt 68,76%. Nhân nhanh chồi Thông đất tốt nhất trên môi trường MS bổ sung 3 mg/l BA + 0,5 mg/l Kinetin + 0,2 mg/l NAA + 100ml/l ND+ 20g/l sucroza + 7 g/l aga cho tỉ lệ mẫu tái sinh tạo cụm 96,67%, hệ số nhân chồi 2,60 lần sau 08 tuần nuôi cấy. Môi trường ra rễ tốt nhất đối với chồi cây Thông đất là 1/2MS + 1 mg/l IBA + 20g/l sucrose + 7 g/l aga. Sau 8 tuần nuôi cấy cho kết quả hình thành 4,0 rễ/mẫu.

Theo Tạp chí NN&PTNT, Số 18/2019 (nhnhanh)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài