SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá đặc điểm nông sinh học và khả năng kết hợp của một số dòng thuần ngô đường

[21/06/2020 11:05]

Nghiên cứu này đánh giá đặc điểm nông sinh học và khả năng kết hợp của 15 dòng thuần ngô đường bằng phương pháp lai đỉnh.

Ảnh: Internet

Ngô đường (Zea maysL. subsp saccharata Sturt.) được sử dụng rộng rãi trên thế giới như một loại thực phẩm phổ biến và có giá trị, bởi hàm lượng đường và dinh dưỡng trong hạt cao, giàu protein, chất béo, vitamin và các nguyên tố vi lượng. Sản phẩm chính từ ngô đường là bắp tươi: để luộc, chế biến đông lạnh, chế biến kẹo và làm sữa ngô rất giàu dinh dưỡng nên từ lâu đã là nguồn lương thực, thực phẩm không thể thể thiếu trong căn bếp của các gia đình khu vực Đông Nam Á và nhiều khu vực khác trên thế giới. Gần đây, vai trò của ngô đường càng được nâng lên nhờ giá trị dinh dưỡng của nó và những thành tựu trong việc nghiên cứu chọn tạo và mở rộng những giống lai cho năng suất khá cao mà vẫn giữ được chất lượng đặc biệt của nó. Năm 2016, Việt Nam sản xuất ngô đường đóng hộp và đông lạnh xuất khẩu đạt khoảng 9.692 tấn với giá trị đạt 9.462.000 USD (FAOSTAT, 2018). Hiện nay, nhu cầu hạt giống ngô đường cho sản xuất khá lớn, tuy nhiên các giống ngô đường lai chọn tạo trong nước còn rất hạn chế, chủ yếu là giống nhập khẩu, giáhạt giống rất cao (700.000 - 900.000 đồng/kg). Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm tác giả Nguyễn Văn Diện, Nguyễn Thị Nhài và Đặng Ngọc Hạ của Viện Nghiên cứu Ngô nhằm mục tiêu đánh giá đặc điểm nông sinh học chính và khả năng kết hợp của 15 dòng ngô đường, chọn lọc được các dòng có khả năng kết hợp tốt đồng thời tìm ra những tổ hợp lai tốtnhằm phát triển giống mới phục vụ sản xuất.

Thời gian nghiên cứu: Tạo dòng từ năm 2012 - 2017; đánh giá dòng và tạo THL trong vụ Thu 2017 và Xuân 2018; khảo sát THL trong vụ Xuân 2018 và vụ Thu 2018. Nghiên cứu được thực hiện tại Viện Nghiên cứu Ngô, Đan Phượng - Hà Nội trong điều kiện đất phù sa cổ, không được bồi đắp hàng năm.

Kết quả đánh giá 15 dòng trong vụ Thu 2017 và vụ Xuân 2018 cho thấy các dòng có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt là HD52 (16,1 - 17,7 tạ/ha), HD07 (15,8 - 16,2 tạ/ha) và HD15 (14,3 - 15,7 tạ/ha). Việc tạo tổ hợp lai giữa 15 dòng thuần với 2 cây thử được thực hiện trong vụ Thu năm 2017. Ba mươi tổ hợp lai đỉnh được khảo sát trong 2 vụ: Xuân 2018 và Thu 2018 tại Đan Phượng, Hà Nội. Kết quả khảo sát cho thấy năng suất bắp tươi của tổ hợp lai HD07/HD11 đạt 171,9 - 176,5 tạ/ha, vượt 2 đối chứng là Sugar 75 và Đường lai 20 trong cả vụ Xuân 2018 và Thu 2018. Các dòng HD07, HD10, HD15 và HD19 có giá trị khả năng kết hợp chung cao, các dòng có phương sai khả năng kết hợp riêng cao là HD48, HD30, HD19 và HD37.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 03/2019
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài