SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo hướng hội nhập quốc tế

[05/08/2020 09:44]

Truy xuất nguồn gốc (TXNG) có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, đời sống xã hội toàn dân nói chung.

Tại Việt Nam, TXNG là hoạt động còn khá mới, tuy nhiên, hoạt động này đã và đang được triển khai nhanh chóng tại các Bộ, ngành và địa phương. TXNG giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể quản lý tốt chất lượng sản phẩm, từ khâu nuôi trồng, chế biến đến quá trình vận chuyển và phân phối. Doanh nghiệp có thể nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời sự cố xảy ra đối với sản phẩm, đồng thời giúp xác định và khoanh vùng chính xác sản phẩm có vấn đề để thực hiện kịp thời các hành động triệu hồi hoặc loại bỏ sản phẩm khỏi chuỗi cung ứng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Truy xuất nguồn gốc giúp tiếp cận dễ dàng với các nguồn thông tin qua các thiết bị di động (smart phone) 

Thông qua hệ thống TXNG, người tiêu dùng Việt Nam có khả năng tiếp cận dễ dàng với các nguồn thông tin qua các thiết bị di động (smart phone) khá phổ biến hiện nay: xác định được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, đồng thời có thể nhận được cảnh báo, hướng dẫn kịp thời từ phía người sản xuất hoặc cơ quan chức năng khi có sự cố xảy ra đối với sản phẩm.

TXNG giúp các cơ quan quản lý kiểm soát thông tin sản phẩm được sản xuất và lưu thông trên thị trường, giúp xác định chính xác, kịp thời nguyên nhân khi sự cố về chất lượng xảy ra, cũng như vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan.

Thực tế, hoạt động TXNG và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc tại Viêt Nam đang tồn tại một số vấn đề khó khăn, bất cập, cụ thể: TXNG mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và một số địa phương, thị trường lớn;

Hệ thống TXNG mang tính khép kín, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống TXNG này có thể tham gia với các hệ thống TXNG khác, do thường sử dụng các mã phân định có cấu trúc tự đặt, chỉ có giá trị phân định trong phạm vi nội bộ, mà không sử dụng các mã phân định đơn nhất toàn cầu. Việc tự đặt các mã phân định (sản phẩm, địa điểm, các bên tham gia) không đơn nhất, có thể xảy ra trường hợp trùng mã giữa các hệ thống TXNG;

TXNG đòi hỏi tính chuẩn hóa cao, yêu cầu các bên tham gia TXNG cần thống nhất dùng chuẩn chung. Tuy nhiên, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún gây hạn chế cho việc thống nhất giữa các bên tham gia TXNG. Thói quen và ý thức làm việc không tuân thủ quy trình, ngại ghi chép cũng là yếu tố hạn chế thành công của các doanh nghiệp Việt Nam khi xây dựng hệ thống TXNG.

Với những bất cập trong thực trạng triển khai hoạt động TXNG và áp dụng tem TXNG thời gian vừa qua, đồng thời để bắt kịp xu hướng phát triển và triển khai TXNG trên thế giới, ngày 19/01/2019 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG”.

Với mục tiêu là: Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về TXNG; Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TXNG để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa; Nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về TXNG thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin TXNG của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về TXNG.

Hệ thống TXNG theo TCVN 12850:2019, là hệ thống bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái của sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng và an toàn của sản phẩm.

Để vận hành có hiệu quả trong chuỗi cung ứng, một hệ thống TXNG phải luôn đảm bảo các nguyên tắc: Nguyên tắc “một bước trước, một bước sau”: Mỗi cơ sở (tham gia chuỗi cung ứng) phải lưu giữ thông tin để đảm bảo khả năng nhận diện được cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoặc công đoạn trước và tiếp theo trong quá trình sản xuất, chế biến và phân phối đối với một sản phẩm được truy xuất”;

Nguyên tắc “minh bạch”: Khả năng nhận biết và tiếp cận các thông tin (dữ liệu) chính xác trong chuỗi cung ứng (kể cả người tiêu dùng), bao gồm việc tự nguyện cung cấp dữ liệu TXNG cho đối tác thương mại và người tiêu dùng. Nguyên tắc minh bạch cho phép xác định các kết nối giữa nhà cung cấp và khách hàng theo loại sản phẩm và các mức độ truy xuất các kho thông tin dựa trên sự kiện và khả năng liên kết logic các sự kiện liên quan;

Quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo.

Nguyên tắc “sẵn có thông tin”: Thông tin về các bên có liên quan (bên bán, giao nguyên vật liệu đầu vào trực tiếp cho mình và bên mua, nhận hàng); đối tượng TXNG chính (tên, chủng loại, số lượng, ngày giờ sản xuất, hạn sử dụng, lô sản xuất,…); nơi xảy ra các hoạt động hoặc sự kiện (nơi sản xuất, lưu kho, phân phối); sự kiện và thời gian xảy ra các sự kiện, phải luôn đảm bảo sẵn có để các bên tham gia TXNG (nội bộ và bên ngoài) truy xuất thuận lợi (theo các mức độ truy xuất);

Nguyên tắc “Sự tham gia của các bên”. Theo TCVN 12850:2019, Hệ thống TXNG phải đáp ứng các yêu cầu: Yêu cầu về khả năng tương tác, Yêu cầu về tính đa dạng, Yêu cầu về định danh, Yêu cầu về xác định phạm vi của hệ thống, Yêu cầu về quản lý hệ thống, Yêu cầu về thông tin và khả năng trao đổi thông tin, Yêu cầu về thông tin trong chuỗi cung ứng. Yêu cầu về thông tin TXNG qua chuỗi cung ứng, Yêu cầu về quản lý thông tin…

TXNG là xu hướng tất yếu của thị trường. TXNG tạo thuận lợi cho các bên liên quan truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác, tạo cơ hội để doanh nghiệp thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm, là bằng chứng để các cơ quan nhà nước xử lý các vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chống gian lận thương mại. TXNG cũng tạo lòng tin của khách hàng thông qua sự minh bạch thông tin về sản phẩm, hàng hóa. TXNG, vì vậy, vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm của các doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, trong việc tham gia vào các quá trình xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống TXNG thống nhất trong cả nước.

Để đến năm 2025, nhiệm vụ của “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG” có thể đạt các chỉ tiêu đặt ra: Tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống TXNG áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống TXNG của doanh nghiệp trong nước và quốc tế; Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia bảo đảm kết nối 100% hệ thống TXNG của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.

Theo vietq.vn (Ha Linh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ