SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiệu quả của fluralaner cung cấp qua đường uống trong việc kiểm soát mạt và cải thiện phúc lợi ở gà đẻ

[30/06/2021 10:15]

Mục tiêu của đề tài là nhằm đánh giá hiệu quả diệt mạt của sản phẩm Exzolt (thành phần chính là fluralaner) và đồng thời giúp cải thiện phúc lợi trên gà mái đẻ. Tiến hành theo dõi và ghi nhận các chỉ tiêu về năng suất chăn nuôi, đánh giá mức độ nhiễm mạt, số lượng trứng có chấm đỏ, các biểu hiện về tập tính của gà mái trước và sau khi sử dụng thuốc Exzolt bằng việc quan sát qua camera.

Ngành chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam đang ngày càng phát triển, nhiều trại chăn nuôi gà đẻ công nghiệp được đầu tư máy móc hiện đại và thực hiện đầy đủ quy trình vệ sinh sát trùng trong và ngoài trại. Những bệnh do vi khuẩn hay do vi rút được đặc biệt quan tâm bằng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh nhưng thỉnh thoảng bệnh vẫn xảy ra và năng suất chăn nuôi cũng chưa được tối ưu. Một vấn đề quan trọng mà hầu như các trại chăn nuôi gà đẻ thường không quan tâm đến là mạt gà. Mạt gà có liên quan đến năng suất cũng như tình trạng sức khỏe của gia cầm.

Mạt gà (Dermanyssus gallinae) đã được mô tả trong nhiều thập kỷ là mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp sản xuất trứng, gây ra những tác hại nghiêm trọng về sức khỏe và phúc lợi động vật. Đây là loại côn trùng. hút máu, sống trong chuồng, xung quanh chuồng hoặc ký sinh ngay trên da của gà mái, từ đó dẫn đến các phản ứng tự nhiên của gà mái nhằm loại bỏ mạt ra khỏi cơ thể như: lắc mình, duỗi cánh, gãi đầu, rỉa lông, rỉa cánh,… quá trình này kéo dài sẽ khiến gà mái bị căng thẳng và tình trạng nhiễm mạt có thể cao đến mức dẫn đến thiếu máu và thậm chí gây chết. Sự phá hoại cũng có thể dẫn đến suy giảm chất lượng trứng (thông qua việc làm mỏng vỏ và đốm trên vỏ trứng) và suy giảm năng suất trứng. Ngoài ra, mạt gà có thể đóng vai trò là một véc tơ truyền lây nhiều loại vi rút và vi khuẩn gây bệnh như bệnh ký sinh trùng máu, bệnh thương hàn, bệnh xoắn khuẩn. Gà nhiễm mạt được cho là giảm phúc lợi vì gia tăng tình trạng căng thẳng, từ đó làm cho gà dễ mắc bệnh hơn và hơn nữa nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng mạt còn có thể tấn công vào các vật chủ khác, bao gồm cả con người, gây ra các tổn thương trên da. Trên người, thường bị mạt cắn ở bàn tay, cẳng tay, sau lưng hoặc trên cổ, tại nơi mạt cắn thường bị viêm da, ngứa dữ dội, nổi ban đỏ và có thể tìm thấy mạt tại những vùng bị tổn thương.

Trên thực tế, việc điều trị mạt thật sự rất khó khăn, chi phí cao và thường không đạt hiệu quả cao. Các sản phẩm điều trị thường chỉ diệt được mạt chứ không diệt được trứng của chúng, vì vậy cần phải điều trị lần thứ hai, cách một vài ngày sau khi điều trị lần thứ nhất để hiệu quả diệt mạt cao hơn.

Nghiên cứu được thực hiện trên gà mái đẻ Isa Brown từ 45 tuần tuổi tại trại gà đẻ lâu năm ở khu vực Đông Nam Bộ. Trại được đánh giá là có hiện diện của mạt, và toàn bộ trại (10 ngàn gà) được khảo sát liên tục trong 2 tháng. Trong trại được lắp 4 carema quan sát. Đây là các camera hồng ngoại (có thể ghi hình trong điều kiện không có ánh sáng) lắp cố định và ghi hình liên tục trên hệ thống lưu trữ CCTV. Vị trí lắp đặt camera trên thành chuồng nuôi gà hoặc trên nóc trại sao cho trong vùng quan sát của camera có thể theo dõi rõ được từ 3 lồng nuôi gà (mỗi chuồng nuôi từ 3 - 4 gà mái đẻ). Video quan sát từ camera được ghi lại trong thẻ nhớ gắn trong camera. Để thực hiện việc phân tích video cần 1 máy vi tính, 1 thiết bị giúp máy vi tính có thể đọc được dữ liệu ghi trong thẻ nhớ.

Thuốc diệt mạt Exzolt được cung cấp bởi công ty MSD Animal Health Vietnam. Mỗi mL Exzolt chứa 10 mg fluralaner, dạng dung dịch, được cấp qua đường uống, sử dụng trong điều trị mạt trên gia cầm với liệu trình sử dụng là dùng hai lần liên tiếp, lần thứ hai cách lần thứ nhất 7 ngày. Liều lượng là 0,5 mg fluralaner cho mỗi kg trọng lượng cơ thể gia cầm (tương đương 0,05 mL Exzolt). Kết quả cho thấy trại khảo sát nhiễm mạt rất nặng với mức độ nhiễm trung bình là 1,79 trên thang điểm 0 - 2. Sau liệu trình điều trị mạt bằng thuốc Exzolt, trại khảo sát đã không còn sự hiện diện của mạt trên gà mái đẻ, đồng thời hiệu quả của thuốc được tiếp tục duy trì và kéo dài nhiều tuần sau đó. Việc sử dụng thuốc diệt mạt Exzolt không ảnh hưởng đến lượng thức ăn ăn vào hằng ngày và tỷ lệ gà chết và loại thải. Tỷ lệ trứng có chấm đỏ giảm rõ rệt. Đặc biệt, các chỉ tiêu về tập tính gây khó chịu cho gà mái đẻ đều giảm xuống rõ rệt so với lúc chưa sử dụng thuốc diệt mạt. Đây là lý do khuyến cáo sử dụng sản phẩm này trong việc kiểm soát mạt trên gà đẻ.

Nghiên cứu thực địa cho thấy việc sử dụng thuốc diệt mạt Exzolt để điều trị mạt là có hiệu quả, thời gian tác động của thuốc rất nhanh và hiệu quả tiêu diệt mạt của thuốc còn kéo dài nhiều tuần sau đó. Bên cạnh đó, thuốc còn tác động tích cực đến việc nâng cao năng suất chăn nuôi và cải thiện rõ rệt các hành vi của gà đẻ liên quan đến phúc lợi động vật trong chăn nuôi.

Theo Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 1/2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài