SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tỷ lệ người bệnh bị chiếm cư trực khuẩn gram âm đường ruột kháng Carbapenem và các yếu tố liên quan tại bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh

[23/08/2021 17:08]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Võ Trần Trọng Bình, Phạm Thị Vân Phương - Khoa YTCC, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Huỳnh Minh Tuấn - Khoa Y, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa

Sự gia tăng của trực khuẩn Gram âm đường ruột kháng Carbapenem (Carbapenem resistant Enterobacteriaceae - CRE) đang ở mức báo động về tỷ lệ lưu hành trên thế giới. Chiếm cư CRE được xem là một trong những nguy cơ trong việc phát triển thành các nhiễm khuẩn CRE. Tuy nhiên, các nghiên cứu về chiếm cư CRE vẫn còn hạn chế tại Việt Nam, cụ thể trên đối tượng bệnh nhân nhập Khoa Hồi sức tích cực (Intensive care unit – ICU).

Nghiên cứu nhằm mục tiêu xác định tỷ lệ người bệnh bị chiếm cư CRE tại thời điểm nhập Khoa ICU và các yếu tố liên quan tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (BVĐHYD TPHCM).

Nghiên cứu cắt ngang mô tả được thực hiện trên 372 bệnh án của bệnh nhân nhập mới có tầm soát chiếm cư CRE trong thời gian từ 6-12/2019 tại Khoa ICU, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Thông tin bệnh nhân được ghi nhận thông qua hồi cứu hồ sơ bệnh án.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người bệnh bị chiếm cư CRE tại thời điểm nhập Khoa ICU chiếm 39,5%. Tỷ lệ chiếm cư CRE có liên quan tới các yếu tố: Bệnh nhân có giới tính là nam, thời gian nằm viện trước khi nhập Khoa ICU, có bệnh nền là bệnh phổi mạn và bệnh thận mạn, được điều trị kháng sinh trước khi nhập Khoa ICU, phơi nhiễm nhóm kháng sinh Carbapenem và Polypeptide. Tỷ lệ lưu hành của chiếm cư CRE tại thời điểm nhập Khoa ICU là khá cao. Cần có các giải pháp nhằm phòng ngừa sự chiếm cư CRE, trong đó tuân thủ điều trị bệnh nền nhằm hạn chế số đợt nhập viện và số ngày nằm viện, tuân thủ qui định sử dụng kháng sinh và tầm soát chủ động CRE cho bệnh nhận nhập viện là những biện pháp có thể đề xuất thông qua nghiên cứu này.

ctngoc

Tạp chí Y học TP.HCM, tập 25 số 2/2021
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài