SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng phân hủy và hóa hướng động theo dầu nhớt

[26/09/2021 15:12]

Dầu nhớt là một hỗn hợp gồm 73 - 80% hydrocarbon không vòng, 11 - 15% hydrocarbon đơn vòng và 4 - 8% hydrocarbon đa vòng hoặc phân cực được sử dụng để phủ quanh các phần chuyển động của thiết bị nhằm giảm thiểu ma sát, tránh trầy xước các bộ phận của máy, rửa sạch cặn carbon và hạt vi mô, chống ăn mòn và làm mát thiết bị.

Ảnh minh họa: Internet

Trong quá trình sản xuất, vận chuyển, sử dụng, và tồn trữ thì sự rò rỉ dầu nhớt là không tránh khỏi. Dầu nhớt có thể làm tắc nghẽn các khoảng trống trong đất gây giảm sự thông khí và sự lưu thông của nước trong đất gây thoái hóa đất. Dầu nhớt có thể len lỏi trong các phân tử đất để đi vào môi trường nước gây ảnh hưởng đến sinh vật thủy sinh và sức khỏe cộng đồng. Do đặc tính không tan trong nước nên dầu nhớt hình thành một lớp màng bao phủ mặt nước từ đó làm giảm lượng oxy hòa tan vào nước, giảm độ chiếu sáng gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Sự ô nhiễm hydrocarbon, đặc biệt là các hydrocarbon có vòng thơm đang được tập trung nghiên cứu do các hợp chất này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Khi người bị phơi nhiễm hydrocarbon đa vòng thơm trong thời gian dài có thể bị ung thư da hoặc ung thư dạ dày. Do đó, nhóm tác giả Lê Hửu Nhẩn, Nguyễn Thị Ánh Tuyết và Nguyễn Thị Phi Oanh (Trường Đại học Cần Thơ) đã thực hiện nghiên cứu nhằm phân lập và tuyển chọn các dòng vi khuẩn bản địa có khả năng khoáng hóa và hóa hướng động theo dầu nhớt.

Từ ba mẫu đất nhiễm dầu nhớt thu ở nội ô thành phố Cần Thơ, 43 dòng vi khuẩn (gồm 27 dòng Gram âm và 16 dòng Gram dương) phát triển trong môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung dầu nhớt (1% v/v) đã được phân lập. Các dòng vi khuẩn đều có khả năng sinh trưởng trong môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung Tween 80 (1% v/v), trong đó, 3 dòng GS20, GS21 và GS38 có khả năng phát triển mật số nhanh hơn so với các dòng vi khuẩn khác. Sau 3 ngày nuôi cấy trong môi trường khoáng tối thiểu bổ sung dầu nhớt (2% v/v), dòng GS20 có khả năng khoáng hóa dầu nhớt tạo ra khí CO2 cao nhất, đạt hiệu suất sinh khí CO2 là 93,4%, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) so với dòng GS21 và GS38 với hiệu suất tích lũy CO2 lần lượt là 72,9% và 54,9%. Kết quả khảo sát khả năng hóa hướng động của 3 dòng vi khuẩn GS20, GS21 và GS38 cho thấy chỉ có dòng vi khuẩn Gram âm GS38 có khả năng hóa hướng động theo dầu nhớt.

nhnhanh

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, Số 1 (2021)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài