SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát hoạt tính kháng vi sinh từ dịch chiết vỏ măng cụt Lái Thiêu (Garcinia mangostana)

[26/09/2021 17:00]

Măng cụt (Garcinia mangostana) là trái cây đặc sản nổi tiếng từ lâu đời của vùng đất Lái Thiêu – Bình Dương. Là một trong những tỉnh trồng nhiều măng cụt nhất Việt Nam, diện tích măng cụt hiện nay tại Bình Dương đạt trên 1.009 ha với sản lượng hàng năm đạt 2.672 tấn (Cục Thống kê Bình Dương, 2018).

Bên cạnh sự thơm ngon, bổ dưỡng của thịt quả, vỏ trái măng cụt còn chứa rất nhiều loại hoạt chất có giá trị tốt cho sức khỏe mà nổi bật nhất phải kể đến nhóm chất xanthone, chiếm gần 1/3 tổng số các dẫn xuất xanthone được tìm thấy ở thực vật. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhóm chất xanthone có tiềm năng về gây độc trên các dòng tế bào ung thư, kháng oxy hóa, kháng viêm và kháng khuẩn (Jennifer et al., 2019; Nguyễn Diệu Liên Hoa, 2019). Các nghiên cứu trước đây tại Việt Nam tập trung nhiều vào việc phân lập các hoạt chất có trong vỏ măng cụt và kháng một số dòng ung thư. Năm 2009, Nguyễn Trí Hiếu và ctv. đã phân lập được βmangostin và 3-O-methyl-normangostin từ vỏ trái măng cụt. Đỗ Thanh Xuân và ctv. (2011) cũng đã cô lập được α-mangostin và g-mangostin từ vỏ trái măng cụt. Những nghiên cứu về khả năng kháng một số dòng vi khuẩn gây bệnh cũng đã được thực hiện trên những hợp chất tinh sạch được từ vỏ trái măng cụt (Đỗ Thanh Xuân và ctv., 2011; Đỗ Thị Tuyên và ctv., 2012). Hoạt chất α-mangostin cũng đã được nghiên cứu bổ sung vào nước xúc miệng và thuốc chống ung thư (Hoàng Đức Hậu và ctv., 2017; Mai Thị Hiên, 2011). Nghiên cứu này tập trung vào việc đánh giá hoạt tính kháng Staphylococcus aureus của vỏ trái măng cụt trồng ở khu vực thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Trên cơ sở đó, các thông số của quá trình chiết như tỷ lệ ethanol/nước; thời gian và nhiệt độ chiết; nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) và nồng độ diệt khuẩn tối thiểu (MBC) được khảo sát. Việc tận dụng nguồn vỏ trái măng cụt để tạo ra các sản phẩm có tính kháng khuẩn sẽ giúp nâng cao giá trị kinh tế của loại trái cây đặc sản này cho địa phương.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả: Nguyễn Ngọc Ly, Vũ Hoàng Yến và Trần Ngọc Hùng đang công tác tại Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Nguyên liệu được sử dụng làm thực nghiệm trong nghiên cứu này là Vỏ măng cụt được thu nhận tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương; vỏ tươi, không có biểu hiện sâu bệnh; vỏ được phơi khô, xay nhuyễn thành bột mịn. Các loài nấm bệnh thực vật thử nghiệm bao gồm Colletotrichum gloeosporioides, Fusarium sp. được phân lập từ các loại cây trồng bị bệnh, do phòng thí nghiệm Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Thủ Dầu Một cung cấp. Các loài vi khuẩn thử nghiệm bao gồm Bacillus sp.; E. coli; Staphylococcus aureus; Vibrio paraheamolyticus do phòng thí nghiệm Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Thủ Dầu Một cung cấp.

Phương pháp tiến hành nghiên cứu: Đánh giá khả năng kháng vi sinh vật của vỏ măng cụt; Ảnh hưởng các yếu tố đến khả năng thu nhận hoạt chất kháng Staphylococcus aureus từ vỏ măng cụt; Xác định nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) và nồng độ diệt khuẩn tối thiểu (MBC) của dịch chiết vỏ măng cụt.

Số liệu thu thập được xử lý thống kê ANOVA bằng phần mềm Stargraphic Centurion 15. So sánh trung bình bằng kiểm định one-way ANOVA.

Kết luận Dịch chiết nước vỏ măng cụt trồng tại Bình Dương có khả năng kháng nhiều loại vi khuẩn và nấm bệnh thực vật tốt hơn so với khi chiết bằng ethanol. Hiệu quả thu nhận hoạt chất kháng khuẩn từ vỏ măng cụt tốt nhất khi chiết trong hỗn hợp dung môi chứa 30% ethanol và 70% nước. Đường kính vòng kháng Staphylococcus aureus đạt 9,6 mm khi chiết ở 50oC trong thời gian 5 giờ. Giá trị MIC và MBC đối với S. aureus của vỏ măng cụt chiết ở điều kiện thích hợp lần lượt đạt 56,25 và 112,5 µg/ mL.

ntdien

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số 1B (2021): 93-98
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài