SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tuyển chọn và ứng dụng dòng vi khuẩn lactic lên men dưa bồn bồn muối chua

[26/09/2021 17:08]

Bồn bồn có tên khoa học là Typha orientalis còn gọi là cỏ nến, là loài cây rẻ tiền và dễ tìm để làm rau củ muối chua, đã được người dân Nam Bộ biết đến như một loại rau dại và đã trở thành một thứ đặc sản của một số tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu. Không chỉ là một loại rau sạch, tốt cho sức khỏe bồn bồn còn được chế biến thành dưa bồn bồn, một loại dưa của người dân Nam Bộ nhưng lại trở thành một thứ đặc sản vùng miền và được nhiều người ưa chuộng.

Ảnh minh họa: Internet

Vi khuẩn lactic (LAB – lactic acid bacteria) có ứng dụng khá rộng rãi trong thực tiễn và có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu cũng như trong sản xuất thực phẩm, dược phẩm và công nghiệp hóa chất. Chúng là nhóm vi khuẩn được ứng dụng nhiều trong lên men các sản phẩm dưa muối chua, là nhóm vi khuẩn có lợi cho con người, giúp kích thích hoạt động hệ miễn dịch và cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột có lợi cho sức khỏe

Trên cơ sở đó, nhóm các tác giả Huỳnh Ngọc Thanh Tâm, Lê Quang Nghĩa, Nguyễn Trường Thành và Lê Thị Kim Đồng (Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ) đã tiến hành thực hiện nghiên cứu nhằm phân lập, tuyển chọn và định danh được dòng vi khuẩn lactic có khả năng sinh ra hàm lượng acid lactic cao từ cây bồn bồn, đồng thời ứng dụng lên men dưa bồn bồn và tìm ra nghiệm thức tối ưu cho quá trình lên men đạt hiệu quả cao.

Từ nguồn mẫu bồn bồn được thu tại tỉnh Cà Mau, dòng CMT2 cho hàm lượng acid cao nhất được tuyển chọn trong 21 dòng vi khuẩn lactic được phân lập. Kết quả định danh bằng phương pháp 16S rRNA cho thấy dòng CMT2 tương đồng 99% với dòng Lactobacillus plantarum đã được đăng ký trên GenBank với mã số MN841920. Sau 6 ngày lên men dưa bồn bồn, thông qua phần mềm Design Expert 7.0 với mô hình Box–Behnken, đã xác định được nghiệm thức tối ưu cho quá trình lên men dưa bồn bồn là pH 4,87, nồng độ muối 4,08%, mật số vi khuẩn 5,1 x 108 tế bào/mL với hàm lượng lactic acid đạt 5,71 g/L.

nhnhanh

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 6 (2020)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài