SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Người thu gom và quản trị chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản tại đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Thừa Thiên Huế

[25/07/2022 16:23]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Văn Chung, Lê Thị Hoa Sen,Nguyễn Tiến Dũng,Hoàng Dũng Hà,Trần Cao Úy,Lê Chí Hùng Cường, Lê Việt Linh - rường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện.

Ảnh minh họa

Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được bước tiến lớn trong những năm gần đây, vớidiện tích 6.100 ha và sản lượng 16,2 nghìn tấn năm 2020. Điều này đã góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân tham gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, 2020). Thành tựu này có sự đóng góp đáng kể từ hoạt động nuôi trồng thủy sản ở đầm phá Tam Giang, khi diện tích nuôi trồng chiếm hơn 50% tổng diện tích, cũng như thu hút sự tham gia của hơn 100.000 người dân ven đầm phá (Tuyen và cs., 2010).

Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên đầm  phá  Tam  Giang  đã được  thực  hiện trong khoảng 3 thập kỷ gần đây, với sự đa dạng trong hình thức nuôi trồng như nuôi chắn sáo, nuôi thấp triều và nuôi cao triều, với phương thức nuôi xen ghép hay nuôi chuyên tôm sú. Bên cạnh những giá trị văn hóa, lịch sử vùng đầm phá mang lại, giá trị các sản phẩm thủy sản cũng trở nên nổi tiếng khi tạo được lợi thế cạnh tranh, về mặt chất lượng, so với các sản phẩm của địa phương khác.

Nghiên cứu được thực hiện tại 4 xã, thị trấn bao gồm, Quảng Công, Phú Xuân, Hải Dương, Sịa, thuộc huyện Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà và thành phố Huế. Những xã được chọn gắn liền với hoạt động nuôi trồng thủy sản sớm xuất hiện trên đầm phá và có diện tích nuôi trồng khác nhau. Dựa trên báo cáo kinh tế xã hội của các xã đã chỉ ra sự khác biệt về diện tích như sau:  xã  Phú  Xuân  662,72  ha,  xã  Quảng Công 126,29 ha, thị trấn Sịa 49,1 ha và xã Hải Dương 21,3 ha. Các điểm nghiên cứu có sự đa dạng các hình thức nuôi bao gồm nuôi chắn sáo, nuôi thấp triều, nuôi cao triều hay nuôi xen ghép, nuôi chuyên tôm sú.

Đối tượng nghiên cứu là sự liên kết giữa các tác nhân và quản trị chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản, trong đó việc thu thập thông tin được thực hiện dựa trên các tác nhân  chính  tham  gia vào chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản. Thông qua dòng chảy sản phẩm thủy sản, kết hợp với sử dụng phương pháp chọn mẫu quả bóng tuyết (snowball sampling approach). 55 đối tượng nghiên cứu  được  chọn  bao  gồm  25  người  nuôi trồng thủy sản, 13 người thu gom, 6người am hiểu tại cộng đồng, 5 cán bộ quản lý cấp xã và 6 cán bộ quản lý cấp huyện và tỉnh. Cách tiếp cận quả bóng tuyết được sử dụng trong xác định và lựa chọn người cung cấp thông tin nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác và phù hợp với mục tiêu nghiên cứu. Cụ thể, đối tượng cung cấp thông tin này sẽ giới thiệu những đối tượng cung cấp thông tin tiếp theo dựa trên mối quan hệ sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị (Noy, 2008). Người nuôi trồng được lựa chọn dựa trên sự đa dạng của hình thức nuôi, cũngnhư kinh nghiệm, quy mô và mức độ thành công trong nuôi trồng. Người thu gom được lựa chọn dựa trên thông tin mà người nuôi trồng cung cấp để đảm bảo tính chính xác của thông tin và khai thác chi tiết các mắt xích chính trong chuỗi giá trị.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự kiểm soát của người thu gom được thể hiện trong dòng chảy sản phẩm thủy sản, khi tất cả sản phẩm phải qua người thu gom trước khi phân phối qua các kênh tiêu thụ khác nhau. Mỗi người thu gom đều xây dựng một ranh giới và phạm vi hoạt động cụ thể, khi mỗi người có một nhóm người nuôi trồng chuyên cung ứng thủy sản và một nhóm người bán buôn, bán lẻ sẵn sàng thu mua. Với chiến lược thu mua toàn bộ sản phẩm, hỗ trợ tài chính cho người nuôi trồng và người bán buôn, bán lẻ, xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và ràng buộc đã giúp người thu gom trở thành tác nhân quản trị chuỗi.

ctngoc

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp, tập 6/2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài