SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm lăm sàng, cận lâm sàng, kết quả điều trị bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp dưới 40 tuổi

[16/06/2023 12:17]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Quang Vũ, Ngô Văn Truyền - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nghiên cứu nhằm đánh giá đặc điểm lâm sàng, tổn thương động mạch vành và kết quả điều trị bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp dưới 40 tuổi.

Trước đây, nhồi máu cơ tim thường xuất hiện ở tuổi trung niên và người lớn tuổi, hầu như ít khi xảy ra người trẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do xơ vữa động mạch diễn ra trong  nhiều năm. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ  nhồi máu cơ tim  ở  người trẻ  chỉ  chiếm khoảng 2%-6% trên tổng số các trường hợp nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, thống kê hiện nay cho thấy những điều này không còn chính xác nữa. Trong những năm gần đây, bệnh mạch vành xuất hiện ngày một nhiều hơn ở nhóm bệnh nhân trẻ, còn trong độ  tuổi lao động. Có thể  nói, nhồi máu cơ tim đang ngày càng trẻ  hóa, không chỉ  đe dọa tính mạng và cuộc sống của người trung niên và cao tuổi mà còn  ảnh hưởng đến người trẻ. Do đó, nghiên cứu “Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả điều trị bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp dưới 40 tuổi” được thực hiện với mục tiêu: Tìm hiểu những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp ở  người trẻ  tuổi, biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng, đặc điểm tổn thương động mạch vành (ĐMV) và kết quả điều trị của bệnh nhân ở nhóm tuổi này để hiểu rõ hơn về đặc điểm của bệnh, cũng như có phương pháp điều trị, dự phòng phù hợp.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 

Đối tượng Nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu: 90 bệnh nhân được chẩn đoán nhồi  máu cơ tim cấp điều trị tại khoa Tim mạch can thiệp bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ từ  tháng 05/2020 đến tháng 05/2022, được chia thành 2 nhóm: ≤ 40 tuổi và > 40 tuổi.

phương pháp nghiên cứu: 

-Phương pháp thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả.

-Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện.

Chẩn đoán NMCT cấp theo định nghĩa toàn cầu lần thứ  4 về  NMCT năm 2018.

Những yếu tố  nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu được chẩn đoán theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt Nam (VNHA) năm 2018, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ  (ADA) năm 2019, Chương trình Giáo dục Quốc gia về  cholesterol-Điều trị  tăng cholesterol ở người lớn (NCEP-ATP III) năm 2001 hoặc dựa trên tiền sử đang điều trị hoặc được chẩn đoán trước đó. Thừa cân-béo phì được định nghĩa khi BMI ≥ 23 kg/m. Mức độ hẹp, tắc động mạch vành được tính dựa trên phần mềm phân tích định lượng, từ đó tính ra thang điểm Gensini. Động mạch vành hẹp có ý nghĩa khi hẹp ≥ 50% thân chung động mạch vành trái hoặc hẹp ≥ 70% động mạch  liên thất trước (LAD), động mạch mũ (LCx), động mạch vành phải (RCA). Điểm GRACE được tính theo mẫu có sẵn.

-Phương pháp thu thập số liệu:  Bệnh nhân được hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng ghi nhận các đặc điểm cơn đau ngực, triệu chứng khác kèm theo, phân độ Killip, cân nặng, chiều cao, mạch, huyết áp, các yếu tốnguy cơ (hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu), được chỉ định các  cận lâm sàng cần thiết (điện tâm đồ, siêu âm Doppler tim, hsTroponinT) và chụp, can thiệp động mạch vành qua da. Thông tin của bệnh nhân, kết quả  cận lâm sàng, chụp mạch vành được ghi nhận vào phiếu thu thập số liệu.

-Phương pháp xử lý số liệu: Phần mềm SPSS Statistics 22, dữ  liệu được thể  hiện dưới dạng phần trăm (%) đối với biến phân loại, trung bình ± độ  lệch chuẩn hoặc trung vị  đối với biến định lượng. Sử dụng T – test hoặc Mann – Whitney để  so sánh 2 trung bình, Chi  –  square hoặc Fisher’s exact test để so sánh  2 tỷ lệ.

Kết quả nghiên cứu Trong 90 bệnh nhân, 43 bệnh nhân (47,8%) ≤ 40 tuổi. Tuổi trung bình trong nhóm này là 35,7 ± 4,5 và nam giới chiếm tỷ  lệ  100%. So với những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân ≤ 40 tuổi ít tăng huyết áp hơn (41,9% so với 80,9%) và ít đái tháo đường hơn (9,3% so với 31,9%). Thể  lâm sàng phổ  biến nhất là  nhồi máu cơ tim  ST chênh lên (67,4%). Bệnh 1 nhánh mạch vành gặp  ở  83,7% bệnh nhân. Vị  trí tổn thương thường gặp nhất là động mạch liên thất trước (69,8%). Tỷ  lệ  thành công về  thủ  thuật là 94,1% và tỷ lệ thành công về lâm sàng là 91,2%.

Bệnh nhân NMCT ≤ 40 tuổi chủ  yếu là nam giới, với các yếu tố  nguy cơ truyền thống: hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, thừa cân béo phì. Tỷ lệ STEMI ở bệnh nhân trẻ tuổi cao hơn so với bệnh nhân lớn tuổi và bệnh 1 nhánh ĐMV chiếm đa số.  Can thiệp mạch vành qua da có tỷ lệ thành công cao và tiên lượng cũng tốt hơn so với bệnh nhân lớn tuổi.

Tạp chí Y dược học Cần Thơ – số 59/2023
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài