SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khoa học công nghệ kiến tạo động lực, không gian mới phát triển TP.HCM

[27/06/2023 08:21]

Nhân lực trình độ cao là yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, về các chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được đề cập tại dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

Động lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

* PHÓNG VIÊN: Các nước phát triển đều dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để đưa nền kinh tế phát triển, ông nhìn nhận ý kiến này thế nào?

* PGS-TS VŨ HẢI QUÂN: Các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia. Thực tế cho thấy, một số quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như Hàn Quốc, Singapore và gần đây là Trung Quốc cũng chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: Nhiều tiềm năng, lợi thế của TP.HCM chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là các chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của TP.HCM thời gian qua chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, chưa kiến tạo được động lực mới, không gian mới cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững của thành phố.

- Ông có nhận xét gì về những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54?

- Việc xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 là cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Trong nhiều nội dung nhằm tạo cơ chế, chính sách vượt trội cho TP.HCM phát triển, tôi đặc biệt quan tâm đến các cơ chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được nêu trong dự thảo.

Nếu các chính sách được thông qua, tôi cho rằng sẽ tháo gỡ nút thắt trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Điều đó sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp TP.HCM thu hút các tập đoàn lớn, các cá nhân, tổ chức quốc tế và trong nước đầu tư, kiến tạo động lực phát triển mới, không gian phát triển mới cho thành phố.

Sinh viên Trường Đại học Sài Gòn (TP.HCM) đang nghiên cứu phát triển máy in vật thể 3D. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xây dựng đội ngũ khoa học tài năng

- Để TP.HCM sánh vai, đủ sức cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực như mục tiêu của Nghị quyết 31, theo ông cần điều gì?

- Tôi lấy ví dụ như Singapore, gần đây có ý kiến nói nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đều chọn đất nước này. Điều này gợi mở để TP.HCM xem xét, từ đó có cơ chế, chính sách thu hút họ, trong đó có chính sách miễn thuế. Ngoài ra, cần có cơ chế cho phép các nhà khoa học, tổ chức khoa học công nghệ thử nghiệm các dịch vụ mới, các ứng dụng mới.

Bên cạnh đó, cần cho phép các thầy, cô giáo, các nhà khoa học công tác trong các đơn vị của các trường đại học được mở doanh nghiệp khởi nguồn. Việc bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi là các cơ sở giáo dục đại học sẽ giúp hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của TP.HCM toàn diện hơn, phát huy hơn nữa vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cho sinh viên, thầy, cô giáo và các nhà khoa học trên địa bàn thành phố.

- Còn về việc “đặt hàng” các học viện, trường đại học đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao?

-  TP.HCM có chính sách dùng nguồn ngân sách của thành phố đầu tư cho các trường đại học, các tổ chức khoa học trên địa bàn. Ngoài ra, TP.HCM có thể dùng ngân sách địa phương “đặt hàng” các trường đại học trung ương đóng trên địa bàn thực hiện nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố. Từ đó, TP.HCM sản sinh ra một đội ngũ tài năng trẻ mới, dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với những rủi ro, thách thức trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

- Để các cơ chế, chính sách mới đó được triển khai hiệu quả thì Đại học Quốc gia TP.HCM có sự chuẩn bị, triển khai như thế nào?

- Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ yêu cầu phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, với sứ mệnh là nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam.

Các hoạt động trọng tâm của chúng tôi đến năm 2030 bao gồm nhiều hoạt động thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, nhất là lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo... để góp phần triển khai thực hiện nghị quyết mới khi được thông qua. Cùng với đó, Đại học Quốc gia TP.HCM đẩy mạnh triển khai chương trình hợp tác toàn diện đã ký kết với TP.HCM.

Đồng thời phối hợp xây dựng và triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ vi mạch; phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu phục vụ phát triển bền vững thành phố.

https://khoahocphothong.vn/ (nhahuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài