SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của nồng độ phun dung dịch hữu cơ bón lá đến sinh trưởng, năng suất và hiệu quả kinh tế của cây mồng tơi và cải canh

[13/07/2023 09:44]

Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Thị Loan, Khoa Nông Học, Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam thực hiện nhằm xác định nồng độ phun dung dịch hữu cơ bón lá Batraixanh Greco 01S thích hợp cho sản xuất rau mồng tơi và rau cải canh trong vụ Xuân Hè tại Gia Lâm, Hà Nội.

Rau xanh ăn lá là nguồn thực phẩm quan trọng, chứa nhiều dinh dưỡng như vitamin, chất xơ, muối khoáng và axit hữu cơ. Tuy nhiên, chất lượng rau ăn lá trên thị trường hiện đang là vấn đề đáng lo ngại do dễ bị tồn dư các chất độc hại từ thói quen sử dụng phân bón vô cơ, đặc biệt là phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hoá học nhằm kích thích sinh trưởng và tăng năng suất cây trồng. Thói quen này cũng gây ra nhiều vấn đề về môi trường như suy thoái đất, tích luỹ chất độc hại trong đất, ô nhiễm nguồn nước. Ngày nay, nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng được quan tâm nhằm cải thiện chất lượng đất, tăng năng suất cây trồng, đồng thời tạo ra những sản phẩm sạch và chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp tạo thành phân bón hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường, giảm bớt chi phí cũng như sự phụ thuộc vào phân bón vô cơ, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Trong nông nghiệp hiện đại, sử dụng phân bón lá là phương pháp phổ biến và hiệu quả (Al-shaal & El - Ramday, 2017; Wang & ctv., 2019;Brankov & ctv., 2020). Theo Tran (2011), phân bón lá cho hiệu quả sử dụng dinh dưỡng cao do tổng diện tích bề mặt lá tiếp xúc với phân bón cao hơn nhiều lần so với diện tích tán cây che phủ và thời gian vận chuyển dinh dưỡng đến mầm đỉnh của cành nhanh hơn, điều này làm tăng hấp thụ dinh dưỡng qua lá của cây 8 - 20 lần so với qua đất. So với phân bón đất, phân bón lá giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng cây trồng nhanh hơn và thể hiện hiệu quả rõ hơn ở những vùng đất khô, bộ rễ cây trồng kém phát triển,đồng thời giảm khả năng thất thoát dinh dưỡng trong đất, đặc biệt là dinh dưỡng đạm (Krishnas-ree & ctv., 2021). Nhiều nghiên cứu đã kết luậnvề vai trò của phân bón lá trong việc tăng năng suất và chất lượng cây trồng, như lúa mì (Fer-rari & ctv., 2021), cà chua, dưa chuột, cà tím, ớt (Haytova, 2013). Một vấn đề khi sử dụng phân bón lá là nếu sử dụng ở nồng độ cao sẽ gây ra hiện tượng cháy lá trên cây và giảm năng suất cây trồng, do đó thường được khuyến cáo bón ở nồng độ thấp hơn và chia thành nhiều lần bón (Krishnasree & ctv.,2021). Một số nghiên cứu đã kết luận sử dụng phân bón lá mức 30 kg N/ha làm tăng hàm lượng protein trong ngũ cốc tốt nhất; trong khi đó, mức bón 60 kg N/ha có thể gây hiện tượng cháy lá nghiêm trọng trong một số điều kiện môi trường cụ thể (Ferrari & ctv., 2021). Ngoài ra, bón dư đạm, dù ở dạng vô cơ hay hữu cơ, so với nhu cầu của cây có thể gây ra các vấn đề về môi trường như ô nhiễm nguồn nước và suy thoái chất lượng đất (Nguyen & ctv., 2019). Do đó, việc xác định lượng bón tối ưu của các loại phân bón lá cho các loại cây trồng, trong đó có rau ăn lá, cũng rất được quan tâm. Phân hữu cơ bón lá dạng lỏng BatraixanhGreco 01S có nguồn gốc từ những nguyên liệu giàu protein và acid amin như trứng gà, đỗ tương, cá và một số thành phần hữu cơ khác, là một sản phẩm phân bón tự nhiên và cân bằng, ngoài cungcấp các yếu tố đạm, lân, kali cơ bản cho cây còn bổ sung thêm các acid amin cần thiết, giúp tăng năng suất và chất lượng cây trồng, đồng thời cải thiện chất lượng đất. Mục tiêu của thí nghiệm này nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của các nồng độ phun của phân bón lá dạng lỏng BatraixanhGreco 01S đến sinh trưởng, năng suất và hiệu quả kinh tế của hai loại rau ăn lá phổ biến ở Việt Nam là mồng tơi và cải canh.

Hai thí nghiệm trên cây mồng tơi và cải canh được bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên trên đồng ruộng với 05 nghiệm thức tương ứng 5 nồng độ phun dung dịch bón lá:0 - 2 - 3 - 4 - 5 mL/L/lần phun, với 3 lần lặp lại. Lượng dung dịch pha loãng phun cho 1 lần là 1 L/m2; số lần phun cho cây mồng tơi và cải canh lần lượt là 4 và 2. Kết quả cho thấy việc sử dụng dung dịch hữu cơ bón lá cho cây mồng tơi và cải canh làm tăng rõ rệt sinh trưởng và năng suất của hai loại rau này. Phun 3 - 5 mL/L/lần phun trên cây mồng tơi cho năng suất đạt cao nhất từ 15,38 - 16,70 tấn/ha; trong khi đó, phun 3mL/L/lần phun cho cây cải canh có năng suất cao nhất (14,67 tấn/ha). Tỷ suất lợi nhuận đạt cao nhất ở cả 2 cây mồng tơi và cải canh được phun 3 mL/L/lần phun lần lượt là 1,24 và 1,59.

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Số 4 (2022)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài