SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến sinh trưởng và phẩm chất của cây sen thơm (Plectranthus hadiensis var. tomentosus (Benth. ex E. Mey.) Codd) trồng chậu tại thành phố Hồ Chí Minh

[13/07/2023 09:46]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Lý Trí Hiệp, Lê Thị Mỹ Hạnh, Hồ Ngọc Như Tiền, Lê Nhựt Tiến và Phạm Thị Thùy Dương thuộc Khoa Nông Học, Trường Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Cây sen thơm (Plectranthus hadiensisvar.To-mentosus(Benth. ex E. Mey.) Codd) hay còn gọi là Nhất Mạt Hương có nguồn gốc từ Nam Phi, được trồng nhiều ở miền Nam Ấn Độ và những khu vực có khí hậu ôn hòa trên thế giới (Nguyen& ctv., 2020). Cây sen thơm là cây kiểng lá, thân thảo, mọng nước, có mùi thơm đặc trưng và được dùng để trang trí hoặc làm quà tặng. Mỗi chậu cây sen thơm không chỉ cần đẹp mà còn phải phong phú về hình dáng và có giá thành hợp lý. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải cải thiện biện pháp kỹ thuật trong canh tác sen thơm trồng chậu. Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sinh trưởng và phẩm chất của cây sen thơm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiệu suất sử dụng phân bónViệt Nam chưa cao, chỉ 45 đến 50% đối với đạm và khoảng 60% đối với kali (Nguyen, 2013). Cây sen thơm, khi được cung cấp đủ đạm sẽ làm tăng hoạt động quang hợp, bộ lá xanh mướt, khi thiếu hay thừa đạm có thể làm cây mẫn cảm và bệnh hại. Cây trồng cũng có nhu cầu kali hữu dụng khá cao. Khi thiếu kali, các triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên ở những lá dưới, phát triển dần đến các lá bên trên nếu thiếu kali nghiêm trọng. Vì vậy, việc tìm ra lượng đạm và kali phù hợp là rất cần thiết, giúp cho cây sinh trưởng, phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến sinh trưởng và phẩm chất của cây sen thơm (Plectranthus hadiensis) trồng chậu tại TP. Hồ Chí Minh.

Thí nghiệm được tiến hành từ tháng 04 đến tháng 06 năm 2021 tại trại thực nghiệm Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với ba lần lặp lại. Yếu tố thứ nhất gồm 3 liều lượng phân đạm (0,50; 1,00 (đối chứng) và 2,00 g N/chậu), yếu tố thứ hai gồm 4 liều lượng phân kali (0,25; 0,50; 1,00 (đối chứng) và 2,00 g K2O/chậu). Kết quả thí nghiệm cho thấy, cây sen thơm được bón lượng đạm và kali là 0,50 g N/chậu và 1,00 g K2O/chậu cho kết quả tốt nhất về chiều cao cây (16,65 cm), đường kính thân (5,45mm), số cành cấp 1 (10,09 cành/cây), đường kính tán (20,13 cm), số lá (201,04 lá/cây), chiều dài và chiều rộng lá (35,06 và 24,13 mm), độ bền (40,00 ngày), tỷ lệ chậu đạt thương phẩm (94,67%). Tổng thu là 29.933 nghìn đồng/1000 chậu đạt tỷ suất lợi nhuận cao nhất (1,32 lần) mang lại hiệu quả kinh tế cao tại thời điểm 60 ngày sau trồng.

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Số 4 (2022)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài