SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiện trạng các loại cá thuộc họ PANGASIIDAE khu vực hạ lưu sông Mekong giai đoạn 2017-2019

[13/07/2023 11:06]

Nghiên cứu: “Đánh giá hiện trạng các loại cá thuộc họ PANGASIIDAE khu vực hạ lưu sông Mekong giai đoạn 2017-2019” do nhóm tác giả: Nguyễn Du, Trần Thúy Vy và Huỳnh Hoàng Huy- Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.

Ảnh minh họa

Sông Mekong chứa đựng một trong những khu hệ cá phong phú và đa dạng nhất trên thế giới (SverdrupJensen, 2002). Quỹ môi trường thiên nhiên Nagao (NEF) và Trường Đại học Cần Thơ (CTU) nghiên cứu khu hệ cá sông Mekong từ 10/2006–3/2013 đã xác định và mô tả 77 họ với 322 loài, bao gồm cả những loài cá kinh tế và những loài có giá trị kinh tế thấp; trong đó 312 loài thuộc vùng nước ngọt và nước lợ, 10 loài cá biển thuộc vùng cửa sông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) (Trần Đắc Định và ctv., 2013). Năm 1993 theo Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương cho rằng có 11 loài cá thuộc họ Pangasiidae tại ĐBSCL nhưng chỉ có 9 loài được định tên. Theo Poulsen và ctv., (2005) về phân bố và sinh thái họ Pangasiidae ở hạ lưu sông Mekong, nêu rõ Helicophagus waandersii (cá Tra chuột) và Pangasius mekongensis (cá Tra ku-nit/ cá Tra bần) phân bố rộng rãi ở hạ lưu sông Mekong nhưng số lượng tương đối ít. Loài Pangasius krempfi (cá Bông lau) thuộc đàn hạ lưu trải qua giai đoạn sống đầu tiên ở khu vực cửa sông, thường đi sâu vào vùng nước mặn. Người ta đã khẳng định nó di cư vượt thác Khone vào thời gian đầu mùa mưa (tháng 5-6) để sinh sản (Roberts, 1993b; Roberts và Baird, 1995). Loài Pangasius conchophilus (cá Hú) đẻ trứng vào đầu mùa mưa ở dòng chính sông Mekong đoạn giữa Kompong Chàm và thác Khone. Ấu trùng sau khi nở trôi theo dòng nước đến vùng ngập ở Cam-pu-chia và ĐBSCL. Loài Pangasius elongatus (cá Dứa nước ngọt) phân bố từ ĐBSCL đến Xayabury ở Lào. Thường gặp ở hạ lưu của các sông lớn (Rainboth, 1996). Khi thành thục, đầu mùa lũ là tín hiệu cho cá di cư ngược dòng đến bãi đẻ và đẻ trứng. Sau khi đẻ ở dòng chính sông Mekong, ấu trùng trôi về vùng ngập phía hạ lưu. Loài Pangasianodon hypophthalmus (cá Tra sông) thường ở các sông lớn (Rainboth 1996), nhưng cũng có thể sống cả ở vùng nước tĩnh lẫn nước chảy. Kết thúc mùa lũ (tháng 10) mức nước hạ xuống cá di cư ra khỏi nơi cư trú vùng ngập vào sông chính. Mùa mưa (sau tháng 5-6) các cá thể thành thục di cư ngược dòng sinh sản. Ấu trùng trôi theo dòng nước từ bãi đẻ ở đoạn giữa Kra-chiê và thác Khone vào các vùng ngập. Loài Pangasius macronema (cá Sát sọc) phân bố khắp lưu vực sông Mekong. Ở hạ lưu chúng phân bố từ Stung Treng ở Campu-chia, xuống đến các sông vùng ĐBSCL. Loài Pangasius pleurotaenia (cá Sắc bầu/ Sát bay) phân bố rộng ở hạ lưu sông Mekong nhưng phổ biến nhất ở trung lưu (Rainboth, 1996). Loài Pangasius larnaudii (cá Vồ đém) phân bố rộng rãi ở sông và vùng ngập trong lưu vực sông Mekong. Khi đến tuổi thành thục, từ nơi ẩn náu mùa khô chúng tiến hành di cư sinh sản ngược dòng vào thời gian bắt đầu mùa mưa (tháng 5-7) (Baird, 1998; Singanouvong et al., 1996). Ấu trùng trôi vào vùng ngập và sinh sống ở đó trong suốt mùa lũ. Loài Pangasius bocourti (cá Basa) phân bố trong toàn lưu vực sông Mekong, sống ở chỗ có ghềnh và sông sâu nước chảy chậm. Vào mùa mưa, cá di cư ngược dòng lên thượng nguồn tìm các bãi đẻ, ấu trùng trôi dạt xuống sông Tiền và sông Hậu. Loài Pangasius sanitwongsei (cá Vồ cờ) hiện nay ngày càng hiếm và loài Pangasianodon gigas (cá Tra dầu) đặc biệt hiếm. Hai đối tượng này đã từng là đối tượng khai thác quan trọng nhưng hiện không còn giữ được vị trí đó nữa là vì khai thác quá mức, thay đổi nơi cư trú, điều kiện thủy văn hoặc suy thoái quần đàn ngoài tự nhiên. Chính vì vậy khảo sát này được thực hiện nhằm phân tích, đánh giá biến động về thành phần loài, kích cỡ và sản lượng các loài cá họ Pangasiidae khu vực hạ lưu sông Mekong trong 3 năm 2017 – 2019.

Đánh giá hiện trạng các loài cá thuộc họ Pangasiidae khu vực hạ lưu sông Mekong giai đoạn 2017 - 2019 được thực hiện tại 8 huyện (An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Thoại Sơn, Phong Điền, Vũng Liêm, Tp. Trà Vinh và Tiểu Cần) thuộc 4 tỉnh thành (An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Vĩnh Long) với 5 vùng sinh cảnh chính (ruộng ngập lụt, kênh rạch, sông nhánh, sông chính và ven biển). Số liệu thu thập từ tháng 01/2017 đến tháng 12/2019 thông qua nhật ký khai thác của 21 hộ dân, sử dụng 2 loại ngư cụ khai thác chính (lưới rê và lưới rê 3 màng). Kết quả khảo sát cho thấy sản lượng khai thác và kích cỡ của các loài cá thuộc họ Pangasiidae có xu hướng giảm theo thời gian. Trong 3 năm khai thác được 13 loài cá thuộc họ Pangasiidae, cụ thể vào năm 2017 với 10 loài đạt 30.287 cá thể, năm 2018 với 11 loài đạt 25.183 cá thể và năm 2019 với 12 loài nhưng chỉ còn 3.861 cá thể. Hầu hết các loài cá khai thác được tập trung chủ yếu ở dòng chính của sông với kích cỡ lớn, trong khi đó ở ruộng ngập lụt sản lượng khai thác ít hơn với kích cỡ nhỏ hơn. Trong đó, loài Pangasius krempfi, Pangasius conchophilus và Pangasius elongates tập trung chủ yếu tại vùng sinh cảnh ven biển; loài Pangasianodon hypophthalmus và Pangasius larnaudiei tập trung tại vùng sinh cảnh ruộng ngập lụt. Việc xây dựng các công trình thủy điện trên sông chính ở thượng nguồn tác động đến lưu lượng nước và mức nước, làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi cá di cư trên sông chính ở hạ lưu, đặc biệt là các loài thuộc họ Pangasiidae.

Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 17/2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài