SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực hiện nuôi thâm canh tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp cá nâu (Scatophagus argus) ở các mật độ khác nhau

[14/07/2023 08:51]

Nghiên cứu: “Thực hiện nuôi thâm canh tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp cá nâu (Scatophagus argus) ở các mật độ khác nhau” do nhóm tác giả: Hoàng Thị Thanh Nga, Lý Văn Khánh- Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh minh họa

Hiện nay, các mô hình nuôi thủy sản kết hợp đang được nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình. Theo Tạ Văn Phương và ctv., (2006), nghiên cứu mô hình nuôi kết hợp sò huyết trong ao nuôi tôm sú cho thấy khả năng làm sạch môi trường và hấp thu vật chất hữu cơ rất lớn. Nguyễn Thanh Thảo và ctv., (2006), mô hình nuôi kết hợp cá rô phi trong ao tôm sú bước đầu cho kết quả tốt hơn về chất lượng nước so với nuôi đơn, các yếu tố thủy lý hóa ổn định và sự phát triển của tảo thích hợp cho sinh trưởng của tôm nuôi. Cá nâu được nuôi phổ biến trong các mô hình quảng canh kết hợp với các đối tượng khác ở vùng nước lợ (Nguyễn Thanh Phương và ctv., 2005). Trong các đối tượng nuôi kết hợp hiện nay thì cá nâu là đối tượng có nhiều triển vọng trong nuôi ghép với tôm sú ở các mô hình quảng canh cải tiến và mô hình tôm rừng. Việc đưa cá nâu vào nuôi rộng rãi sẽ góp phần làm đa dạng đối tượng nuôi, giảm áp lực lên đối tượng tôm sú, đồng thời làm tăng tính hiệu quả và bền vững cho nuôi trồng thủy sản. Chính vì vậy, nghiên cứu “Thực nghiệm nuôi thâm canh tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp cá nâu (Scatophagus argus) ở các mật độ khác nhau” được thực hiện.

Nghiên cứu nhằm xác định mật độ cá nâu thích hợp trong mô hình nuôi kết hợp với tôm sú. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 nghiệm thức mật độ cá nâu (i) 0 con/m3 (đối chứng), (ii) 8 con/m3 , (iii) 12 con/m3 . Tôm sú được nuôi kết hợp ở tất cả các nghiệm thức với mật độ 40 con/ m3 , mỗi thí nghiệm được lặp lại 3 lần. Bể thí nghiệm có thể tích 0,5m3 , độ mặn 10‰, khối lượng tôm trung bình ban đầu là 0,39g, cá nâu có khối lượng ban đầu17,1g. Sau 90 ngày nuôi, các yếu tố môi trường nước nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của tôm sú và cá nâu. Kết quả cho thấy, tôm sú đạt kích cỡ trung bình 2,97-5,98g/con, tỷ lệ sống 90-100% và sinh khối 114-239g/m3 . Khối lượng tôm sú ở nghiệm thức đối chứng (không thả cá nâu) là cao nhất (5,98g) nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) so với nghiệm thức 8 cá nâu+40 tôm sú (5,29g). Tỷ lệ sống của tôm ở nghiệm thức 8 cá nâu+40 tôm sú là thấp nhất (90%). Tuy nhiên, khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) so với 2 nghiệm thức còn lại. Như vậy, trong nghiên cứu này nuôi kết hợp cá nâu với tôm sú ở mật độ 8 cá nâu+40 tôm sú trên bể 0,5 m3 cho thấy sự tăng trưởng tốt nhất cho tôm sú lẫn cá nâu.

Các yếu tố thủy lý hóa trong thí nghiệm đều nằm trong khoảng giới hạn thuận lợi cho tôm sú và cá nâu phát triển. Tốc độ tăng trưởng của tôm sú ở nghiệm thức nuôi ghép với 8 con cá nâu/m3 tốt nhất không khác biệt so với nghiệm thức không nuôi ghép với cá nâu. Tỷ lệ sống của tôm không khác nhau giữa các mật độ nuôi ghép cá nâu. Sinh khối của tôm sú ở nghiệm thức nuôi ghép với 8 con cá nâu/m3 cao nhất không khác biệt so với nghiệm thức không nuôi ghép với cá nâu. Cá nâu không ảnh hưởng đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú trong mô hình nuôi ghép. Có thể nuôi ghép tôm sú với 8 con cá nâu/m3 nhằm tăng thêm thu nhập trong cùng 1 diện tích.

Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 9/2017
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài