SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng nghiêm phát epley trong điều trị chóng mặt tự thế kịch phát lành tính

[14/07/2023 14:37]

Nghiên cứu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng, đánh giá kết quả điều trị sau khi thực hiện nghiệm pháp Epley ở bệnh nhân chóng mặt tư thế kịch phát lành tính và tìm các yếu tố liên quan với kết quả điều trị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính bằng nghiệm pháp Epley.

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là một trong những rối loạn tiền đình ngoại biên thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ 20% - 30% [1]. Hiện nay, điều trị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính dựa trên cơ sở sinh lí bệnh bằng thao tác tái định vị sỏi ống bán khuyên sau của Epley hay thao tác đu đưa của Semont khi thực hiện một lần giảm chóng mặt từ 70% đến 90% bệnh nhân, tuy nhiên một số trường hợp đòi hỏi phải lặp lại đến khi hết chóng mặt hoàn toàn. Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là bệnh thường gặp hàng ngày tại phòng khám ngoại trú và nội trú khoa nội 2, Bệnh viện Đa Khoa (BVĐK) tỉnh Sóc Trăng, phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng bằng thuốc. Vì lí do trên, chúng tôi tiến hành đề tài “Ứng dụng nghiệm pháp Epley trong điều trị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính” với mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, đánh giá kết quả điều trị sau khi thực hiện nghiệm pháp Epley ở bệnh nhân chóng mặt tư thế kịch phát lành tính và tìm các yếu tố liên quan với kết quả điều trị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính bằng nghiệm pháp Epley.

Đối tượng nghiên cứu:

 Tất cả các trường hợp chóng mặt kịch phát tư thế lành tính được nhập vào khoa Nội 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng

Phương pháp nghiên cứu:

- Thiết kế nghiên cứu: Mô tả hàng loạt ca.

- Phương pháp thu thập số liệu: Tất cả bệnh nhân chóng mặt được hỏi bệnh sử và khám chẩn đoán là BPPV, thỏa tiêu chuẩn chọn mẫu. Thu thập thông tin của bệnh nhân dựa vào bảng thu thập số liệu. Chúng tôi sẽ ghi nhận các dấu hiệu lúc nhập viện và theo dõi điều trị bằng nghiệm pháp Epley sau khi thực hiện và sau 24 giờ.

- Phương pháp thống kê: Dữ liệu thu thập sẽ được xử lý và phân tích bằng phần mềm SPSS 22.0. Các biến phân loại (định tính) được trình bày dưới dạng số và phần trăm, trong khi các biến liên tục (định lượng) được trình bày dưới dạng trung bình và độ lệch chuẩn. Hồi qui logistic nhằm tìm mối liên quan giữa đặc điểm chung của mẫu nghiên cứu và hiệu quả điều trị bằng nghiệm pháp của Epley. Các phép kiểm thực hiện với OR, khoảng tin cậy (CI) 95% với p ≤ 0,05 để chỉ ra ý nghĩa thống kê.

Kết quả nghiên cứ cho thấy nữ giới nhiều hơn nam giới với tỷ số nữ: nam = 2:1. Tuổi thấp nhất trong nghiên cứu là 27 tuổi; cao nhất là 72 tuổi. 46,7% bệnh nhân có triệu chứng chóng mặt xoay tròn chiếm tỷ lệ cao nhất. Triệu chứng kèm theo thường gặp nhất là buồn nôn 56,7%, nôn (13,3%), ù tai (26,7%), giảm thính lực (6,7%). Tỷ lệ hết chóng mặt là 70% (21 bệnh nhân); Tỷ lệ cải thiện triệu chứng là 16,7% (5 bệnh nhân); Tỷ lệ không cải thiện (thất bại) chiếm 13,3% (4 bệnh nhân). 29 bệnh nhân thuộc ống bán khuyên sau, 1 bệnh nhân thuộc ống bán khuyên trước. Không tìm được mối liên quan giữa các đặc điểm chung của mẫu nghiên cứu với kết quả điều trị bằng nghiệm pháp Epley.

Nghiên cứu của chúng tôi ứng dụng nghiệm pháp Epley trong điều trị BPPV, cỡ mẫu 30 bệnh nhân. Kết quả cho thấy tỷ lệ thành công của nghiệm pháp Epley trong điều trị BPPV của nhóm nghiên cứu rất cao. Dựa vào kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy chẩn đoán BPPV bằng nghiệm pháp Dix-Hallpike, nên áp dụng nghiệm pháp Epley để điều trị cho những bệnh nhân chóng mặt tư thế kịch phát lành tính ống bán khuyên sau tại bệnh viện.

Tạp chí y dược học Cần Thơ, số 60/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài