SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghên cứu lực bóp cơ tay thuận và các yếu tố liên quan trên sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học y dược Cần Tho năm 2022

[14/07/2023 15:15]

Nghiên cứu nhằm Đánh giá lực bóp cơ tay thuận và tìm hiểu các yếu tố liên quan với lực bóp cơ tay thuận trên sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2022.

Sinh viên năm thứ nhất thuộc độ tuổi bước vào giai đoạn đầu trưởng thành về mặt phát triển thể chất và sinh lý. Việc đánh giá sức khỏe thể chất trong giai đoạn này là cần thiết để có những can thiệp phù hợp giúp sinh viên đảm bảo sức khỏe trong thời gian học tập ở bậc đại học, đặc biệt là thời gian học tập kéo dài ở sinh viên khối ngành khoa học sức khỏe. Đo lường LBCT thuận là một trong các chỉ số quan trọng nhằm đánh giá tình trạng thể lực ở học sinh, sinh viên tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thấp (dưới 50%) sinh viên có LBCT thuận được ghi nhận đủ tiêu chuẩn theo qui định của Bộ Giáo dục và đào tạo . Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm các mục tiêu như sau: Đánh giá LBCT thuận của sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2022.Tìm hiểu các yếu tố liên quan đến LBCT thuận của sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2022.

Lực bóp cơ tay (LBCT) là một chỉ số đơn giản và tin cậy để kiểm tra sức mạnh cơ bắp, không chỉ thể hiện chức năng của nhóm cơ tay trước mà còn phản ảnh sức mạnh tổng thể của cơ xương và thể lực . Giá trị LBCT thay đổi đáng kể theo giới tính, tuổi tác, thành phần cấu trúc cơ thể (tỷ lệ khối cơ, mỡ, xương) và chủng tộc. Ngoài ra, LBCT ở tay thuận tăng lên liên quan kích thước cơ gia tăng lên co hoạt động cơ trong quá trình chuyển động tay không đối xứng như mang tạ bằng một tay, ném bóng, hoặc cầm vợt trong thể thao. Giá trị LBCT thấp được sử dụng để chẩn đoán suy mòn cơ, đặc trưng bởi sự mất dần khối lượng cơ xương và sức mạnh tổng quát cùng với hiệu suất thể chất giảm. Thực hiện đo LBCT là một bài kiểm tra ít tốn kém và dễ thực hiện, nhưng có thể giúp tiên lượng sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác. Trong đó, các nghiên cứu cho thấy LBCT đóng vai trò quan trọng để giải thích mối liên quan đến nguy cơ gãy xương do giảm mật độ xương, suy dinh dưỡng, giảm chất lượng cuộc sống, và nguy cơ tử vong do bệnh mạn tính.

Đối tượng nghiên cứu:

  Sinh viên năm thứ nhất hệ đại học chính quy (năm học 2021 – 2022), đang học tại Trường Đại Học Y Dược Cần Thơ thời gian từ tháng 7/2022 – 9/2022.

 Phương pháp nghiên cứu:

- Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.

- Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu tỷ lệ theo số lượng sinh viên năm thứ nhất các nhóm ngành đại học chính quy tại Trường Đại Học Y Dược Cần Thơ.

- Phương pháp thu thập số liệu: Phỏng vấn trực tiếp bằng bộ câu hỏi soạn sẵn có cấu trúc và sử dụng máy Inbody Dial đo thành phần cơ thể gồm cân nặng, chiều cao, tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể và dụng cụ Hand Grip cơ học đo LBCT thuận.

Kết quả nghiên cứu Trung bình lực bóp cơ tay thuận của sinh viên là 25,7 ± 9,9 (kg). Tỷ lệ sinh viên có lực bóp cơ tay thuận mức độ đạt là 8,3% và mức tốt là 2,8%. Phân tích hồi qui logistic các yếu tố liên quan đến lực bóp cơ tay thuận ở sinh viên cho thấy: lực bóp cơ tay thuận mạnh hơn ở nam so với nữ (OR = 3,3, p = 0,002); Chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 23 kg/m2 so với các nhóm BMI từ 18,5 – 23 kg/m2 (OR = 8,9, p = 0,003); và tỷ lệ phần trăm mỡ của cơ thể bình thường so với nhóm có tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể thấp/hoặc cao (OR = 3,8, p = 0,001).

Phần lớn sinh viên năm thứ nhất có LBCT thuận chưa đạt chuẩn theo qui định ở cả nam và nữ sinh viên. Nghiên cứu nhận thấy LBCT thuận có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với giới tính, chỉ số BMI, và tỷ lệ phần trăm mỡ của cơ thể. Những can thiệp về chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực là giải pháp nền tảng nhằm đạt được tình trạng dinh dưỡng cân bằng của sinh viên, thông qua đánh giá các số đo nhân trắc. Qua đó, sức khỏe thể chất của sinh viên nói chung và LBCT thuận nói riêng được cải thiện.

Tạp chí y dược học Cần Thơ, số 60/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài