SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố liên quan bệnh động mạch chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường type 2

[14/07/2023 15:41]

Nghiên cứu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và khảo sát một số yếu liên quan đến bệnh động mạch chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những vấn đề sức khỏe chính của toàn cầu. Một trong những biến chứng đáng chú ý của ĐTĐ đó là bệnh động mạch chi dưới (BĐMCD) với di chứng tàn phế do cắt cụt chi. Theo Mohamad A. Hussain và cộng sự, có đến 75,6% bệnh nhân (BN) mắc ĐTĐ biến chứng ĐMCD bị cắt cụt chi. Tỷ lệ BĐMCD ở bệnh nhân ĐTĐ type II đang tăng dần trong cộng đồng, nghiên cứu của Trần Phúc Khả (2020) có đến 66,7% bệnh nhân mắc BĐMCD mãn tính. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Nguyễn Hoài Mảnh (2010) và Nguyên Trân Trân (2014) đã đưa ra được tỷ lệ bệnh động mạch chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 lần lượt là 0,1333 và 0,218. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh đang có xu hướng tăng dần trong cộng đồng Việt Nam. Việc đánh giá các triệu chứng lâm sàng, hình ảnh trên siêu âm điển hình các yếu tố nguy cơ (YTNC) chính dẫn đến BĐMCD là cần thiết. Vì vậy, chúng tôi thực hiện đề tài nghiên cứu “Khảo sát đặc điểm lâm sàng và yếu tố liên quan bệnh động mạch chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc insulin” với mục tiêu mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và khảo sát một số yếu liên quan đến bệnh động mạch chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.

Đối tượng nghiên cứu:

-  Bệnh nhân đã được chẩn đoán đái tháo đường type 2 và được siêu âm Doppler động tĩnh mạch chi dưới khi đến khám hoặc đang điều trị tại bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trong thời gian từ tháng 7 năm 2021 đến tháng 10 năm 2022.

Phương pháp nghiên cứu:

 - Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích

- Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện.

- Phương pháp thu thập và xử lý số liệu: Dữ kiện được thu thập bằng phỏng vấn và quan sát. Dữ liệu được nhập và phân tích bằng phần mềm thống kê SPSS 25.0. Kiểm định 𝒳2 cho thống kê phân tích các biến định tính với mức ý nghĩa thống kê là p < 0,05. Sử dụng Odd Ratio (OR, 95% khoảng tin cậy - KTC) để đánh giá các yếu tố liên quan đến bệnh.

Kết quả nghiên cứu tỷ lệ bệnh động mạch chi dưới là 81,1%. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là tê chi (88,4%), đau cách hồi (72,1%) và lạnh chi (48,8%); có 9,3% bệnh nhân có vết thương độ I theo phân độ Wagner. Trên siêu âm hẹp độ I (69,8%), độ II (16,3%). Hẹp tại vùng cẳng chân là cao nhất (63,16%), kế đến là đùi (15,78%), và có 84,6% bệnh nhân hẹp từ 2 động mạch trở lên. Các yếu tố liên quan đến bệnh động mạch chi dưới chưa có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Tỷ lệ BĐMCD ở bệnh nhân ĐTĐ không phụ thuộc insulin tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là 81,1%. Triệu chứng tê chi chiếm tỉ lệ cao nhất (88,4%), đau cách hồi (72,1%) và lạnh chi (48,8%); có 9,3% bệnh nhân có vết thương độ I theo phân độ Wagner. Kết quả siêu âm Doppler động mạch chi dưới ghi nhận có 30,2% bệnh nhân hẹp mức độ II trở lên, trong đó 84,6% bệnh nhân hẹp từ 2 động mạch trở lên, đa số hẹp tại vùng cẳng chân (63,16%). Chưa tìm thấy các yếu tố liên quan đến BĐMCD ở bệnh nhân ĐTĐ type 2.

Tạp chí y dược học Cần Thơ, số 60/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài