SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của chế độ ăn lên sinh trưởng, mức độ phân đàn, hệ số chuyển đổi thức ăn, tỉ lệ sống và năng suất của cá chim vây vàng nuôi thương phẩm

[18/07/2023 20:24]

Cá chim vây vàng được tìm thấy nhiều ở vùng biển mở thuộc Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Tại khu vực châu Á cá chim vây vàng phân bố ở Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Đây là loài cá nổi, rộng muối, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt thuộc vùng biển ấm. Mặc dù là loài ăn mồi thiên về động vật, song trong quá trình nuôi cá chim vây vàng không ăn thịt đồng loại, có thể nuôi được với mật độ cao, cá cũng sử dụng tốt các loại thức ăn công nghiệp và là loài có giá trị kinh tế (giá bán từ 4 - 6 USD/kg) nên đã trở thành đối tượng nuôi hấp dẫn ở nhiều nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương như Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Cá chim vây vàng được nuôi bằng nhiều hình thức như nuôi lồng, ao đất. Nhiều nghiên cứu về nuôi thương phẩm các loài cá chim thuộc giống Trachinotus đã được công bố loài Trachinotus carolinus, loài Trachinotus blochii và loài Trachinotus ovatus.

Thức ăn công nghiệp sử dụng cho nuôi thương phẩm loài cá này có hàm lượng protein từ 43 – 45%, lipid 10% được coi là phù hợp. Hiện nay, Việt Nam đã chủ động sản xuất được giống cá chim vây cung cấp cho nuôi thương phẩm và đối tượng này đang được chú trọng phát triển nuôi thương phẩm (nuôi lồng và nuôi trong ao) phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Để tăng năng suất cá nuôi thì một trong những yếu tố quyết định là xác định chế độ cho cá ăn hợp lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa những nghiên cứu về chế độ cho ăn ở giai đoạn nuôi thương phẩm cá c him vây vàng.

Do vậy, việc nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của khẩu phần thức ăn, số lần cho ăn lên sinh trưởng, mức độ phân đàn, hệ số thức ăn, tỉ lệ sống và năng suất của cá chim vây vàng nuôi thương phẩm là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả nuôi loài cá này.

Thí nghiệm được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của chế độ cho ăn lên sinh trưởng, hệ số CVL, FCR, tỉ lệ sống, năng suất của cá chim vây vàng nuôi thịt. Cỡ cá thả L=16,1 ± 0,35 cm, W= 64,4 ± 2,32 g, cho ăn 3 chế độ: (1) 2 % BW; (2) 4% BW; (3) 6% BW và cỡ L=15,8 ± 0,41 cm, W=54,3 ± 2,44 g, cho ăn: (1) 1 lần/ngày; (2) 2 lần/ngày; (3) 3 lần/ ngày, nuôi 240 ngày, n=3.

Khẩu phần thức ăn không ảnh hưởng lên tỉ lệ sống và hệ số phân đàn của cá, tuy nhiên khẩu phần thức ăn lại ảnh hưởng lên sinh trưởng, hệ số thức ăn và năng suất của cá chim vây vàng ở giai đoạn nuôi thương phẩm. Số lần cho cá ăn 1, 2 hoặc 3 lần/ngày không ảnh hưởng lên hệ số phân đàn và tỉ lệ sống của cá, nhưng tăng số lần cho ăn lại cải thiện được sinh trưởng và hệ số FCR của cá. Từ đó, có thể cho cá thịt ăn 2 lần/ngày từ 4% BW đến 6% BW.

Tạp chi Khoa học - Công nghệ Thủy sản
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài