SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát hàm lượng phenolic tổng, flavonoid tổng và tác dụng chống oxy hóa của vỏ quả gấc

[20/07/2023 15:18]

Gấc là loại trái cây nhiệt đới theo mùa được trồng khá phổ biến ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Malaysia. Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng quả gấc là một nguồn giàu các hợp chất có hoạt tính sinh học tốt như carotenoid, polyphenol và acid béo thiết yếu. Ngoài ra, chiết xuất từ quả gấc thể hiện hoạt tính chống ung thư, chống viêm và chống oxy hoá. Các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào phần thịt, màng hạt và hạt gấc, ít các nghiên cứu về vỏ quả gấc. Nhằm tận dụng hết các thành phần của quả gấc và có cơ sở khoa học cho việc sử dụng vỏ quả gấc như một nguồn nguyên liệu hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến tác dụng chống oxy hoá, nghiên cứu này đã xác định hàm lượng phenolic tổng, flavonoid tổng và đánh giá tác dụng chống oxy hóa của vỏ quả gấc.

Đối tượng nghiên cứu

Vỏ quả gấc sau khi thu hái được rửa sạch, sấy khô, xay nhỏ và bảo quản ở điều kiện khô ráo để tiến hành các thí nghiệm.

Phương pháp chiết xuất dược liệu

Mẫu bột dược liệu (100g) được ngâm chiết bằng methanol ở nhiệt độ phòng sau đó lọcchất rắn, thu được dịch chiết. Dung môi methanol được cất thu hồi dưới áp suất giảm thu được cao tổng methanol (MCM) 40g. Tiếp theo, phần cao tổng methanol này được phân tán trong nước, sau đó chiết lần lượt với các dung môi n-hexan, ethyl acetat (chiết 3 lần, 100mL/ lần). Gộp các phân đoạn dịch chiết để loại dung môi dưới áp suất giảm, thu được các cao phân đoạn n-hexan (MCH) 15,2g; cao ethyl acetat (MCE) 12,6g và cao nước (MCW) 7,1g.

Phương pháp xác định hàm lượng phenolic tổng

Hàm lượng phenolic tổng trong cao chiết dược liệu được định lượng bằng phương pháp quang phổ sau khi phản ứng với thuốc thử Folin-Ciocalteu ở điều kiện tránh ánh sáng. Lấy 0,2mL dịch chiết đã pha loãng ở nồng độ thích hợp trộn với 0,8mL nước cất trong ống nghiệm, sau đó thêm 1ml thuốc thử FolinCiocalteu 10%. Hỗn hợp được trộn đều, sau 5 phút, thêm 2,5ml Na2CO3 7,5%. Lắc đều hỗn hợp phản ứng được giữ ở nhiệt độ phòng trong 30 phút trước khi đo ở bước sóng 760nm trên máy quang phổ kế (UV-VIS Shimazdu V630, Japan). Mẫu chuẩn và các mẫu thử tiến hành tương tự nhau, mỗi thí nghiệm lặp lại 3 lần để tính giá trị trung bình. Hàm lượng phenolic tổng của cao chiết được tính dựa trên phương trình đường chuẩn acid Gallic. Kết quả được thể bởi miligam acid Gallic tương đương (mg GAE)/g cao chiết.

Phương pháp xác định hàm lượng flavonoid tổng

Hàm lượng flavonoid tổng được xác định bằng phương pháp quang phổ sau khi tạo phức với AlCl3. Lấy 1ml dịch chiết đã pha loãng ở nồng độ thích hợp trộn với 0,5ml AlCl3 10% và 0,5ml nước. Hỗn hợp được ủ trong 10 phút ở nhiệt độ phòng sau đó đem đo ở bước sóng 428nm, sử dụng máy quang phổ kế (UV-VIS Shimazdu V630, Japan). Cách tiến hành mẫu chuẩn và các mẫu thử là tương tự nhau, mỗi thí nghiệm lặp lại 3 lần để tính giá trị trung bình. Hàm lượng flavonoid tổng của cao chiết được tính dựa trên phương trình đường chuẩn Quercetin. Kết quả được thể hiện bởi miligam Quercetin tương đương (mg QE)/ g cao chiết.

Phương pháp đánh giá tác dụng chống oxy hóa

Hoạt tính chống oxy hóa được đánh giá bằng cách đo hoạt tính trung hòa gốc tự do thông qua phản ứng mất màu tím của dung dịch 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH) trong methanol. Chuẩn bị hỗn hợp phản ứng gồm: 1ml dung dịch DPPH 0,135mM và 1ml dung dịch thử ở các nồng độ khác nhau, lắc đều và để yên trong bóng tối 30 phút. Độ hấp thụ quang học được đo ở bước sóng 517nm (UV-VIS Shimazdu V630, Japan). Mỗi thí nghiệm tiến hành 3 lần để tính giá trị trung bình. Đối chứng dương sử dụng trong thí nghiệm là Quercetin, được tiến hành thí nghiệm tương tự như mẫu thử. Mẫu trắng là MeOH. Kết quả báo cáo bởi phần trăm khả năng trung hòa gốc tự do DPPH. IC50 được xác định là nồng độ tối thiểu của dịch chiết trung hòa  được 50% lượng DPPH và được tính dựa vào đường tuyến tính giữa nồng độ của dịch chiết và % DPPH bị trung hòa.

Phương pháp xử lý số liệu

Các thí nghiệm được tiến hành lặp lại 3 lần. Số liệu được phân tích ANOVA bằng phần mềm xử lý số liệu thống kê chuyên dụng IBM SPSS Statistic version 22. Kiểm định Tukey được thực hiện để đánh giá mức độ khác biệt có ý nghĩa giữa các giá trị với mức ý nghĩa p< 0,05.

Kết  quả  nghiên  cứu  lần  đầu  tiên  cung  cấp thông  tin  về  hàm  lượng  phenolic  tổng, flavonoid tổng và  hoạt tính chống oxy hóa trên mô hình trung hòa  gốc tự do DPPH của các cao chiết  từ  vỏ  quả  gấc. Hàm lượng phenolic tổng của cao chiết methanol, n-hexan, ethyl acetat và nước lần lượt là 30,02 ± 0,022; 18,04 ± 0,012; 73,37 ± 0,015; 40,00 ± 0,030mg GAE/g cao. Hàm lượng flavonoid tổng của các cao chiết methanol, n-hexan, ethyl acetat và nước đã được xác định theo thứ tự là 16,74 ± 0,046; 79,60 ± 0,090; 10,90 ± 0,011; 1,25 ± 0,007mg QE/g cao. Khả năng chống oxy hoá của các cao chiết cũng đã được xác định, trong đó cao ethyl acetat và cao nước thể hiện hoạt tính với  IC50 là 35,77 ± 0,536 và 71,03 ± 0,237µg/ml, hai cao chiết còn lại không thể hiện hoạt tính ở mô hình thí nghiệm  nghiên cứu. Các kết quả của nghiên cứu là cơ sở cho việc nghiên cứu sâu hơn cũng như sử dụng vỏ quả gấc như là một nguồn nguyên liệu cung cấp các hợp chất chống oxy hóa trong tự nhiên.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài