SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát tính kháng sinh của các chủng vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp tại Bệnh viện Đà nẵng

[21/07/2023 10:24]

Nghiên cứu nhằm khảo sát tính kháng sinh của các chủng vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp tại Bệnh viện Đà nẵng.

Với mong muốn góp phần tăng hiệu quả điều trị, giảm chi phí và đồng thời hạn chế sự lan truyền của vi khuẩn kháng thuốc gây viêm phổi, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Khảo sát tính kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp tại Bệnh viện  Đà Nẵng” với mục tiêu: Xác định tỷ lệ nhiễm vi khuẩn, tính kháng thuốc của các chủng vi khuẩn phân lập được ở người bệnh đến khám viêm phổi tại Bệnh viện  Đà Nẵng.

Hiện nay, các bệnh về viêm phổi do vi khuẩn vẫn chiếm vị trí đứng đầu trong bệnh học phổi ở Việt Nam, cả về tỉ lệ mắc lẫn tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên, việc kiểm soát các loại bệnh này đã và đang chịu sự tác động bất lợi của sự phát triển và lan truyền tính trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Đối tượng nghiên cứu:

 89 chủng vi khuẩn phân lập được từ những bệnh nhân bị viêm phổi đã được chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện  Đà Nẵng.

Phương pháp nghiên cứu:

 - Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.

- Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu nghiên cứu:

+ Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu toàn bộ.

+ Cỡ mẫu: 89 chủng vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp và phân lập được tại Bệnh viện  Đà Nẵng từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2021.

- Xử lý số liệu: Sử dụng phần mềm Microsoft Excel 2010.

Kết quả nghiên cứu Trong 89 chủng vi khuẩn phân lập được, vi khuẩn Gram âm chiếm 93%; vi khuẩn Gram dương chiếm 7%. Pseudomonas aeruginosa đề kháng trên 30% với các kháng sinh nhóm A và B. Acinetobacter baumannii đề kháng trên 80% các kháng sinh trong nhóm aminoglycoside, nhóm cephalosporin và nhóm carbapenem. Klebsiella pneumoniae sinh ESBL với tỷ lệ 70,83%. Tỷ lệ MRSA của các chủng Staphylococcus aureus là 100%, vi khuẩn đề kháng hoàn toàn với hầu hết kháng sinh nhóm A nhưng nhạy cảm với vancomycin và linezolid.

Tỷ lệ phân lập vi khuẩn Gram âm là 83 chủng chiếm 93%; vi khuẩn Gram dương có 6 chủng chiếm 7%. Trong đó, tỷ lệ phân lập được MRSA là 100% và tỷ lệ sinh ESBL của K. pneumoniae là 70,83%. Kết quả kháng sinh đồ cho thấy, hầu hết vi khuẩn Gram âm gây bệnh kháng với các kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 2, 3 và 4 với tỷ lệ đề kháng trên 30%. Đặc biệt, nhóm thuốc carbapenem – nhóm kháng sinh thường sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn sinh ESBL, có tỷ lệ K. pneumoniae đề kháng từ 30 đến 42%. Trong nghiên cứu, chưa thấy có sự đề kháng của MRSA với vancomycin và linezolid.

Tạp chí y dược học cần Thơ số 58/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài