SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề xã hội ở Hải Dương hiện nay

[27/07/2023 15:01]

Những năm gần đây Hải Dương đã đạt những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng chứng kiến những vấn đề xã hội cả cũ và mới có xu hướng gia tăng, gây thách thức không nhỏ đối với tăng trưởng và phát triển hài hòa kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong những năm tới với xu hướng phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội là rất quan trọng nhằm phát triển bền vững địa phương. Trong bài viết, xuất phát từ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, từ nguồn dữ liệu thứ cấp của Tổng cục thống kê, Cục thống kê Hải Dương công bố gần đây, bằng các phương pháp thống kê, tổng hợp và phân tích,... tác giả đã có những đánh giá, làm rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội ở Hải Dương hiện nay, thực trạng và những vấn đề đặt ra. Từ đó tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra góp phần đưa kinh tế - xã hội Hải Dương ngày càng phát triển những năm tiếp theo.

Kết hợp phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là một nội dung cơ bản trong đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, quá trình thực hiện đường lối này đã đem lại những thành tựu to lớn, kinh tế tăng trưởng nhanh, đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề xã hội bức xúc, xác lập và củng cố từng bước sự ổn định chính trị - xã hội. Đặc biệt ở Hải Dương đã những bước phát triển đột phá. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ấy, những tác động của sự tăng trưởng kinh tế cũng đặt ra các vấn đề xã hội cần phải giải quyết. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xuất phát từ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, từ nguồn số liệu thứ cấp của Tổng cục thống kê, Cục thống kê Hải Dương công bố gần đây, bằng các phương pháp thống kê, tổng hợp và phân tích,... tác giả đã có những đánh giá, chỉ ra các vấn đề xã hội cơ bản cần giải quyết như: Vấn đề dân số, lao động và việc làm; giảm nghèo; tệ nạn xã hội; thực hiện các chính sách xã hội trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và dịch bệnh Covid-19, việc phát triển kinh tế vẫn đảm bảo phát triển hài hòa vấn đề xã hội đang là vấn đề cần tiếp tục giải quyết để đưa Hải Dương trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại.

Vai trò quyết định của phát triển kinh tế đối với giải quyết vấn đề xã hội

Kinh tế có bước tăng trưởng nhanh, GDP bình quân hằng năm ở mức cao có ảnh hưởng không nhỏ tới chỉ số GRDP dẫn đến các vấn đề xã hội như chỉ số sử dụng lao động một số ngành tăng mạnh, các chỉ số giáo dục, y tế đều có những mặt tích cực. Thành tựu phát triển kinh tế đạt được đã tạo ra cơ sở vật chất cho quá trình thực hiện chính sách xã hội, giải quyết nhiều vấn đề xã hội, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, lâu dài của đời sống xã hội, văn hóa, tinh thần của nhân dân như: Giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, đền ơn đáp nghĩa, xử lý ngăn ngừa các tệ nạn xã hội,... Có thể nói, giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế với chính trị và xã hội, giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội trong phát triển mà Đảng ta đã đưa ra.

Tuy nhiên, trong xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang có những tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, thì phát triển kinh tế theo xu hướng số hóa (kỷ nguyên số) đã trở thành mục tiêu chiến lược không chỉ của đất nước mà còn cả với các địa phương trong thời gian tới. Vì vậy, cần đặc biệt chú ý chiến lược lấy phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế làm cơ sở cho giải quyết các vấn đề xã hội. Phát huy mọi tiềm năng phát triển kinh tế nhanh và bền vững là cơ sở để giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết các tệ nạn xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí, giải quyết việc làm,...

Tuy nhiên, không thể đặt mục tiêu phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà phát triển kinh tế phải gắn với sự tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, chất lượng cuộc sống của mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội được nâng cao. Mục tiêu đó chỉ có thể thực hiện được khi có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh với việc cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng môi trường sống. Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý dưới sự tác động ngày cành mạnh mẽ của khoa học công nghệ cần được ưu tiên hàng đầu. Nhiệm vụ đó phải đặt trong mối quan hệ với bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, ổn dịnh chính trị, phát triển văn hóa từ đó giải quyết tốt các vấn đề xã hội đã và đang phát sinh trong quá trình phát triển. Các mục tiêu này không thể tách rời nhau, phát triển kinh tế sẽ không đạt hiệu quả nếu không đạt được mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, không đi liền với mục tiêu phát triển con người. Có thể khẳng định phát triển kinh tế là quan trọng nhất, quyết định nhất, nếu không đạt được mục tiêu kinh tế sẽ không đạt được các mục tiêu xã hội.

Vai trò của giải quyết tốt các vấn đề xã hội với phát triển kinh tế

Dưới góc độ chính trị - xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế thể hiện ở các khía cạnh:

Thứ nhất, giải quyết tốt các vấn đề xã hội là một trong những nội dung cơ bản thúc đẩy phát triển kinh tế ổn định và bền vững. Việc giải quyết các vấn đề xã hội như: Việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện các chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nghèo sẽ đưa kinh tế phát triển đạt được những thành tựu quan trọng như: thu nhập bình quân đầu người/tháng năm sau tăng so với năm trước, tỷ lệ dân số đô thị được cung câp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung, tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ có hố xí hợp vệ sinh cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, bên cạnh đó nếu sự phát triển kinh tế thấp sẽ dẫn đến tỷ lệ lao động thiếu việc làm tăng, các giá trị văn hóa, tinh thần, các truyền thống đạo đức có nguy cơ bị xuống cấp,... Từ đó cho thấy giải quyết tốt các vấn đề xã hội sẽ tạo điều kiện để thực hiện công bằng và ổn định xã hội, điều này đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.

Thứ hai, giải quyết tốt các vấn đề xã hội góp phần phát huy vai trò của con người trong quá trình phát triển. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội có vai trò ngày càng to lớn trong việc phát huy nhân tố con người, điều này được thể hiện:

  • Con người là một thực thể xã hội, sống và hoạt động trong xã hội, trong tiến trình phát triển của lịch sử, con người bị quy định bởi những mối quan hệ, đồng thời thông qua hoạt động thực tiễn, con người tác động vào xã hội như là một chủ thể thúc đẩy xã hội tiến lên. Nhân tố con người đóng vai trò là chủ thể của đời sống xã hội, nó bảo đảm sự phát triển xã hội.
  • Nội dung nhân tố con người đư­ợc hiểu cả tiêu chí về số lượng và chất lượng của dân số và lao động. Do đó, trong quá trình phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội hướng đến phục vụ quá trình phát triển kinh tế cần phát huy hết khả năng của con người, của cộng đồng như: Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ của năm sau luôn tăng hơn so với năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm. Điều này trước hết phải khai thác có hiệu quả cả số lượng và chất lư­ợng của dân số và lao động
  • Nhân tố con người với yếu tố nhân cách phản ánh những giá trị xã hội trong một điều kiện lịch sử cụ thể. Nhân cách đảm bảo cho con người thực hiện tốt chức năng xã hội của nó, phản ánh khả năng sáng tạo, tính tích cực của con người trong hoạt động thực tiễn. Với ý nghĩa nâng cao vai trò nhân tố con người, cần phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội đó là phương tiện mạnh mẽ để nâng cao tính tích cực chính trị - xã hội, tính tích cực lao động của quần chúng nhân dân trong lao động sản xuất, trong việc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, phải tạo ra được thái độ, ý thức làm việc tích cực của mỗi cá nhân, cũng như toàn xã hội. Trong điều kiện cụ thể, để tạo ra tâm lý an tâm, phấn khởi, năng động, tích cực của người lao động, cần phải giải quyết tốt những vấn đề xã hội như: Việc làm, thu nhập, công bằng, bình đẳng, dân số, phân hóa giàu nghèo, giải quyết các tệ nạn xã hội,... kích thích mạnh mẽ người lao động nâng cao ý thức, tính tích cực chính trị - xã hội, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội phát triển.

THỰC TRẠNG MỐI QUAN HỆ GIỮA PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ XÃ HỘI Ở HẢI DƯƠNG HIỆN NAY VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐẶT RA

Vấn đề dân số, lao động và việc làm

Thứ nhất, nhu cầu việc làm tăng so với khả năng giải quyết đang bị hạn chế, trong khi tiềm năng phát triển kinh tế, tạo việc làm còn rất lớn, chưa được khai thác đúng mức và sử dụng có hiệu quả.

Thứ hai, nhu cầu về lao động có trình độ ngày càng tăng, trong khi trình độ chuyên môn của người lao động của Hải Dương còn thấp trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế số như hiện nay.

Thứ ba, thất nghiệp, thiếu việc làm tạo áp lực tiêu cực cho xã hội (di dân tự do, tệ nạn xã hội,...). Đó là vấn đề vừa cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài cần từng bước giải quyết.

Vấn đề giảm nghèo

Giảm nghèo là vấn đề đã trở thành mối quan tâm không chỉ của Hải Dương mà còn là mối quan tâm của toàn xã hội.

Thứ nhất, sự phân hóa giàu nghèo là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường, sự tăng lên của số người giàu và mức độ giàu là phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, phù hợp với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phân người dân còn sống ở điều kiện nghèo. Nên vấn đề đặt ra là tập trung giảm bớt hộ nghèo và khuyến khích làm giàu chính đáng.

Thứ hai, giải quyết mối quan hệ giàu - nghèo thực chất là giải quyết một vấn đề xã hội để đạt đư­ợc mục tiêu công bằng xã hội, song phải thông qua phát triển kinh tế đặt trong mối quan hệ giải quyết xã hội.

Thứ ba, tỷ lệ nghèo tập trung ở các đối tượng chính sách, vùng nông thôn, các đối tượng yếu thế,... từ đó vấn đề đặt ra cần tập trung các nguồn lực đưa bộ phận này vươn lên làm giàu một cách chính đáng.

Vấn đề tệ nạn xã hội

Thứ nhất, bên cạnh những mặt tích cực của nền kinh tế thị trường, Hải Dương cũng còn tồn tại những mặt trái, mặt tiêu cực. Sự du nhập của văn hóa phẩm đồi trụy, sự sa sút đạo đức, sự lỏng lẻo trong quan hệ cộng đồng và những hạn chế trong quản lý xã hội dẫn đến xu hướng các tệ nạn xã hội có xu hướng ra tăng ở một số mặt.

Thứ hai, Hải Dương là vùng đất có truyền thống văn hóa với kết cấu làng - xã, thôn - xóm khá vững chắc, ngoài việc đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, thì việc triển khai thực hiện phong trào xây dựng “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”, “khu phố văn hóa” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phòng, chống các tệ nạn xã hội chưa được thực hiện một cách có hiệu quả

MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN THÚC ĐẨY MỐI QUAN HỆ GIỮA PHÁT TRIỂN KINH TẾ VỚI GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ XÃ HỘI Ở HẢI DƯƠNG NHỮNG NĂM TỚI

Nhằm giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo, trong những năm tới Hải Dương cần thực hiện các giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, tận dụng và phát huy thế mạnh về tài nguyên đất, khí hậu, nguồn nước,… để phát triển một nền nông nghiệp với những sản phẩm Ocop mang thương hiệu của địa phương gắn liền với thị trường trong và ngoài nước và phát triển du lịch trải nghiệm thưởng thức sản phẩm nông nghiệp mới bên cạnh các sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu như: Vải Thanh Hà, gà đồi Chí Linh, nếp cái hoa vàng Văn An, nếp cái hoa vàng An Lạc, cam Côn Sơn, cà rốt tươi Nhân Huệ, mật ong đặc sản Chí Linh, trứng gà Cẩm Đông; rượu nếp Phú Lộc ở xã Cẩm Vũ và 7 sản phẩm của Công ty TNHH Garlica Việt Nam ở thị trấn Lai Cách gồm tỏi đen, nước ép tỏi đen, bánh đa tỏi đen, bánh đa cá rô đồng tỏi đen, mì ăn liền tỏi đen, rượu vang tỏi đen,... qua đó giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho người dân.

Thứ hai, phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống gắn với quá trình đô thị hóa, tạo việc làm, hạn chế di chuyển lao động ở nông thôn ra thành thị. Đi đôi với việc phát triển làng nghề truyền thống, Hải Dương cần xuất phát từ nhu cầu thị trường để phát triển các mặt hàng mới, các ngành nghề mới. Đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản do địa phương tạo ra từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy nhanh sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và giải quyết vấn đề lao động, việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Khôi phục chỉnh trang các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nhằm thu hút khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tạo việc làm cho lao động tại địa phương và gìn giữ bản sắc văn hóa xứ Đông.

Thứ ba, phát triển công nghiệp theo hướng các ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao tại các khu, cụm công nghiệp, trên cơ sở khai thác các lợi thế về vị trí chiến lược khi Hải Dương nằm trên nhiều tuyến đường giao thông vận tải huyết mạch của trung tâm kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, qua đó tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động gắn với giảm nghèo một cách hiệu quả.

Nhóm giải pháp giải quyết mối quan hệ giữa phát triển dân số, lao động, việc làm và phát triển kinh tế.

Hải Dương là tỉnh có quy mô dân số khá cao, tuy những năm gần đây tỷ lệ tăng dân số đã giảm, song hiện nay mật độ dân số và số người trong độ tuổi lao động của tỉnh vẫn tương đối cao. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến giải quyết vấn đề lao động và việc làm. Để giải quyết mối quan hệ này cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, ổn định quy mô, giải quyết việc làm từng bước nâng cao chất lượng dân số. Trong bối cảnh cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch hiện đại hơn, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ sẽ có nhiều ngành nghề chuyển đổi sang sử dụng công nghệ dẫn đến một lực lượng lao động cần chuyển đổi ngành nghề để đáp ứng nhu cầu của công việc, một số lao động dôi dư do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, việc kiểm soát quy mô dân số ổn định trên cơ sở duy trì tỷ lệ sinh phù hợp có vai trò rất quan trọng. Trong một chừng mực nào đó, nó có ảnh hưởng quyết định đến các vấn đề kinh tế - xã hội khác, điều tiết quy mô dân số sẽ là tiền đề để giải quyết việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, với đặc điểm người lao động được tạo đầy đủ công ăn, việc làm họ sẽ có thu nhập để đầu tư nâng cao trình độ văn hóa, điều này sẽ kéo theo tuổi kết hôn trung bình sẽ tăng lên, số lần sinh và số người sinh sẽ giảm xuống. Điều đó góp phần giảm tốc độ tăng dân số. Mặt khác việc làm đầy đủ và ổn định là điều kiện để tăng trưởng kinh tế và hạn chế sự gia tăng các tệ nạn xã hội. Để có những giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động Hải Dương cần: Một là, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tập trung các ngành có lợi thế nhằm khai thác các nguồn lực qua đó tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động. Hai là, tái đào tạo lại lao động theo sự chuyển dịch cơ cấu lao động để giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững. Ba là, trợ giúp xúc tiến việc làm thông qua các dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ bên cạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp, tổ chức các hội trợ việc làm thường xuyên hơn do chính quyền địa phương tổ chức để thu hút lao động, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực gắn với nền kinh tế số. Điều này đòi hỏi Hải Dương cần tập trung các nguồn lực tại chỗ, huy động xã hội hóa các nguồn lực để phát triển nâng cao hơn nữa chất lượng ngành giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu mới. Đăc biệt là nguồn lao động có trình cao có kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ mới trong thực tiễn, qua đó đẩy mạnh khả năng tiếp cận, sử dụng khoa học công nghệ cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với đó chất lượng đào tạo của tỉnh được nâng lên sẽ nâng cao trình độ văn hóa của người dân qua đó họ có cơ hội tiếp cận và sử dụng công nghệ trong quá trình chuyển đổi số hiện nay. Đối với lực lượng lao động chuyển dịch từ lao động phổ thông, lao động từ các ngành truyền thống sử dụng chân tay trong các ngành truyền thống sang lao động kỹ thuật cao ở các ngành, các lĩnh vực mới cần có chiến lược đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiện đại của tỉnh. Để thực hiện nhiệm vụ này tỉnh cần hỗ trợ liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp một cách chặt chẽ hơn nữa cả về chiến lược đầu tư, chương trình, nội dung đào tạo và sử dụng nguồn lao động đã qua đào tạo đó một cách hiệu quả, tránh lãng phí các nguồn lực. Qua đó góp phần giải quyết được một lượng lớn lao động dôi dư khi nền kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ, qua đó góp phần giảm thiểu các vấn đề xã hội do tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm gây ra cho quá trình phát triển.

Nhóm giải pháp thực hiện chính sách khuyến khích làm giàu chính đáng, gắn với việc giúp đỡ hộ nghèo vươn lên từ sản xuất và thực hiện công bằng xã hội

Để thực hiện được nhiệm vụ này Hải Dương cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, phải đổi mới từ nhận thức đến thực tiễn, coi một bộ phận dân cư giàu có chính đáng là hợp quy luật và cần thiết cho sự phát triển. Sự hình thành những nhóm xã hội giàu có, đủ vốn, đủ kinh nghiệm, có bản lĩnh kinh doanh trong thị trường để làm nòng cốt cho sự phát triển kinh tế. Bộ phần giàu có này sẽ tạo dựng các doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Thứ hai, thực hiện hỗ trợ có hiệu quả các hộ nghèo phát triển sản xuất hướng đến thoát nghèo bền vững cần tập trung: Một là, đối với vùng nông thôn cần điều chỉnh, bổ sung giao, thuê đất có khả năng phát triển nông nghiệp, giao rừng, mặt nước, hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho các hộ nghèo phát triển sản xuất. Hai là, tạo điều kiện hỗ trợ các hộ nghèo tiếp cận với các nguồn vốn thông qua hệ thống tín dụng, hệ thống ngân hàng. Chính quyền các địa phương có chính sách bảo đảm các khoản thế chấp, tín chấp để người nghèo có điều kiện thuận lợi vay vốn sản xuất với lãi suất được hỗ trợ.

Thứ ba, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới nhằm hỗ trợ hộ nghèo trong sản xuất, chăn nuôi, thu hoạch và bảo quản. Đặc biệt khi các hộ nghèo là những hộ không có nghề, phần lớn có trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo nghề. Do đó, việc đào tạo nghề, hướng dẫn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất và hiệu quả sản xuất của hộ nghèo là rất quan trọng.

Giải quyết vấn đề xã hội bao giờ cũng chịu sự chi phối, ràng buộc của những điều kiện và hoàn cảnh kinh tế. Khả năng và thực trạng của nền kinh tế luôn đặt ra những giới hạn không thể vượt quá đối với việc thực thi các chính sách xã hội. Ngư­ợc lại, giải quyết tốt các vấn đề xã hội sẽ tạo nên không chỉ sự ổn định chính trị xã hội, sự phát triển lành mạnh các quan hệ xã hội, mà còn phát huy nguồn lực con người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế Hải Dương đang có những chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao trong nhiều năm liên tục, xã hội ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội bức xúc được giải quyết. Quá trình kết hợp giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội đã được thể hiện trên nhiều lĩnh vực và bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ. Mặc dù có nhiều tiến bộ, song về cơ bản Hải Dương vẫn chưa thoát khỏi tình trạng một số địa phương còn quy mô sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp, trình độ phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Trong khi đó lại phải giải quyết nhiều vấn đề xã hội vừa cơ bản, vừa cấp bách có tính quyết định tới quá trình phát triển như: Dân số, việc làm, tỷ lệ hộ nghèo, y tế, giáo dục, các tệ nạn xã hội,... Để phát triển kinh tế mà vẫn bảo đảm giải quyết được các vấn đề xã hội trong những năm tới Hải Dương cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp qua đó sớm đưa Hải Dương thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại.

tapchikhcn.saodo.edu.vn - số 1(80) năm 2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài