SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng vacxin dại Rabisin trên chó tại Kiên Giang và Cần Thơ

[16/08/2023 16:29]

Nghiên cứu do hai tác giả Lưu Thị Như Mộng và Trần Ngọc Bích thuộc Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Bệnh dại là bệnh viêm não tuỷ cấp tính ở động vật có vú do virus dại gây nên. Virus dại thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus. Bệnh dại lây truyền chủ yếu từ nước bọt của động vật bị dại sang cho người qua vết cắn ở da và niêm mạc. Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi đã phát bệnh thì tỷ lệ tử vong ở động vật và người là 100%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (2017), bệnh dại xuất hiện ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chó là nguồn bệnh chính gây tử vong ở người, chiếm tới 99% số ca mắc bệnh dại trên người. Bệnh gây chết hàng chục ngàn người hàng năm, chủ yếu là ở châu Á và châu Phi với hơn 95% số người chết do bệnh dại trên toàn thế giới.

Trong những năm gần đây, bệnh dại luôn xảy ra ở Việt Nam và gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và kinh tế của con người. Để phòng chống bệnh dại, ngày 13/2/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193-QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT- TTg ngày 6/7/2017 yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại trên toàn quốc nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình quốc gia.

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn thú y và y tế của địa phương, tình hình bệnh dại có chiều hướng gia tăng trong năm 2020. Cụ thể: trong gần 7 tháng đầu năm 2020, cả nước đã ghi nhận 48 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 22 tỉnh, thành phố, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (4 ca); đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2019 đến nay đã phát hiện 27 trường hợp chó, mèo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dại (bao gồm các tỉnh: Cà Mau 22 ca, Kiên Giang 2 ca, Trà Vinh 2 ca và Bạc Liêu 1 ca). Tuy nhiên, từ trước đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về dại trên chó ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khảo sát đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng vacxin dại Rabisin trên chó tại Kiên Giang và Cần Thơ đã được thực hiện bằng phương pháp ELISA với bộ kit SERELISA® Rabies Ab Mono Indirect.

Kết quả khảo sát cho thấy 65,87% chó sau tiêm phòng có kháng thể bảo hộ. Tỷ lệ bảo hộ chó nuôi ở khu vực nội thành (73,79%) cao hơn ở khu vực ngoại thành (60,40%). Tỷ lệ chó có kháng thể bảo hộ theo độ tuổi thấp nhất là chó nhỏ hơn 1 năm tuổi (49,18%), kế đến là chó 1-3 năm tuổi (67,71%) và cao nhất là chó trên 3 năm tuổi (74,74%). Thời gian sau tiêm phòng càng dài thì tỷ lệ chó đáp ứng miễn dịch càng thấp: giai đoạn dưới 6 tháng là 86,59%; từ 6 đến 12 tháng là 59,63% và trên 12 tháng là 49,18%. Khả năng đáp ứng miễn dịch của giống chó nội (58,99%) thấp hơn giống chó ngoại (74,34%). Tuy nhiên, giới tính không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng.

Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, Tập XXIX Số 4 năm 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài