SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Điều tra tình hình lưu hành Leptospira trên chó nuôi tại Thành phố Hồ Chí Minh

[16/08/2023 16:34]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Văn Dũng, Lê Việt Bảo, Lê Việt Bảo và Lê Đinh Hà Thanh thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi chó cảnh không ngừng phát triển ở nước ta, đặc biệt là các khu đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Việc phát triển nuôi thú cảnh, gia tăng mật độ nuôi làm tăng nguy cơ nhiễm một số bệnh truyền nhiễm, từ đó ảnh hưởng sức khỏe vật nuôi và đôi khi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến các nước nhiệt đới là bệnh do xoắn khuẩn Leptospira gây ra. Bệnh do Leptospira có thể gây nhiễm trên nhiều loài động vật như trâu, bò, heo, dê, cừu, chó… và người. Trong đó, chó nuôi là loài vật thường xuyên tiếp xúc với con người nên khi thú nhiễm bệnh do Leptospira có thể lây sang con người qua các dịch tiết của thú bệnh. Do đó, việc nghiên cứu sự lưu hành Leptospira trên chó nuôi rất cần thiết nhằm có những thông tin, dữ liệu phục vụ tốt hơn cho công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Ở nước ta, một số nghiên cứu lưu hành Leptospira trên chó tại Cần Thơ, An Giang, Cà Mau và Thành phố Hồ Chí Minh. Những thông tin dữ liệu gần về sự lưu hành Leptospira trên chó chưa được quan tâm nghiên cứu, cập nhật thường xuyên. Nghiên cứu cắt ngang được thực hiện nhằm đánh giá sự lưu hành kháng thể kháng xoắn khuẩn Leptospira trên 1.942 mẫu huyết thanh chó nuôi tại Thành phố Hồ Chí Minh bằng kỹ thuật vi ngưng kết (MAT).

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ chó bị nhiễm bệnh là 22,45%; tỷ lệ nhiễm Leptospira của chó dưới 1 năm tuổi (25,94%) cao hơn nhóm chó trên 1 năm tuổi (20,75%); không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ nhiễm bệnh giữa nhóm chó đực và chó cái, giữa nhóm chó nội và chó ngoại, giữa nhóm chó nuôi ở khu vực nội thành và ngoại thành. Serovar phổ biến nhất là L. bataviae (41,23%), L. copenhogeni (26,24%), L. saxkoebing (9,37%) và L. canicola (6,81%). Hiệu giá kháng thể mẫu dương tính từ 1:100 đến 1:3.200, tập trung chủ yếu ở mức 1:100 (42,76%) và 1: 200 (34,58%). Hai serovar có hiệu giá ngưng kết mức cao nhất (1:3.200) là L. bataviaeL. australis. Tỷ lệ nhiễm ghép các serovar Leptospira trên chó (2-6 serovar) chiếm 24,77% và phổ biến nhất là L. bataviae nhiễm với serovar khác.

Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, Tập XXIX Số 4 năm 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài